21/03/2016
Mới đây, trong một bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khẳng định: Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình khi kiên cường vượt qua những mất mát sau thảm họa động đất sóng thần, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống thiên tai có thể xảy ra trong tương lai.
Cơn sóng thần tràn vào một đường phố ở Miyako ngày 11/3/2011
5 năm trước, vào ngày 11/3/2011, một trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã tấn công vùng Đông Bắc Nhật Bản khiến nhiều người chết và mất tích, gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Ba lò phản ứng hạt nhân đã bị rõ rỉ phóng xạ ra một khu vực rộng lớn làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, thực phẩm.
Để khắc phục sự cố sau thảm họa, chính phủ Nhật đã bỏ ra hàng tỷ đô la tái thiết lại. Ít nhất 74% đất nông nghiệp đã được phục hồi, 85% cơ sở chế biến thủy sản mở cửa lại. 90% cơ sở trường học và y tế đã được phục hồi, ít nhất 14.000 nhà công cho người dân vùng thiên tai đã hoàn thành.
Nhằm tránh tái diễn thảm họa, chính quyền những vùng có nguy cơ bị sóng thần ở Nhật Bản đã tiến hành mô phỏng lại thiên tai này, hướng dẫn trước cho người dân trong vùng. Nhiều địa phương, trong đó có cả thủ đô Tokyo, đã tăng cường khả năng chống sóng thần, bằng cách thông tin nhiều hơn cho dân chúng, xây nhiều tường và các khu lánh nạn trên cao.
Hiện nước Nhật vẫn đang tiếp tục những nỗ lực tái thiết cũng như tìm cách tránh lặp lại thảm họa, trong đó nâng cao khả năng đối phó với sóng thần. Đến nay, Nhật Bản đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch 10 năm tái thiết được chính phủ đưa ra năm 2011.
Long Hoàng