17/07/2015
Theo các nhà khoa học, năng lượng do nguồn nước biển sản sinh ra đủ dùng cho nhân loại trên 1 tỷ năm. Hiện nay, có khoảng 100 công ty trên toàn thế giới đang nghiên cứu việc chuyển đổi năng lượng từ đại dương thành điện năng. Năng lượng từ đại dương có nhiều tiềm năng hơn năng lượng gió vì nước có tỷ trọng cao hơn không khí. Phương pháp tạo ra dòng điện từ sóng biển là dùng máy phát điện đặt nổi trên mặt biển, đóng vai trò như một cái bơm nằm ngang, pít tông nối liền với phao, tùy theo sóng biển lên xuống mà pít tông cũng chuyển động lên xuống, biến động lực của sóng biển thành động lực của không khí bị nén. Không khí bị nén dưới áp suất cao phụt qua miệng phun của tua-bin làm cho máy phát điện hoạt động, biến năng lượng sóng biển thành điện năng.
Các thiết bị phát điện biến năng lượng của sóng biển thành điện năng
Nhà máy điện khai thác năng lượng sóng biển đầu tiên sắp được đưa vào vận hành tại Mỹ, mở ra triển vọng cung cấp năng lượng sạch cho 50% dân số Mỹ sinh sống tại các đô thị ven biển. Đó là một thiết bị phát điện nhờ sóng nặng khoảng 40 tấn, được lắp đặt sâu dưới 300 m nước ngoài khơi bờ biển Hawaii, tại khu thử nghiệm năng lượng sóng, vịnh Kaneohe, và có công suất khoảng 20 kW. Thiết bị do Công ty NWEI thiết kế, có tên là Azura. Theo NWEI, nếu lắp đặt sâu hơn, tại các vùng có sóng lớn hơn, công suất có thể lên tới 1 MW, đủ để cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình. Azura được thiết kế để hấp thụ năng lượng chuyển động của sóng theo mọi hướng.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ lắp đặt hệ thống quy mô công suất cỡ MW vào năm 2017, đồng thời tiếp tục thử nghiệm Azura với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, một thiết bị tương tự cũng được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Tây Ôxtrâylia và đi vào vận hành, hòa vào điện lưới địa phương từ tháng 2/2015.
Theo trang World Ocean Review, tổng năng lượng sóng biển toàn cầu vào khoảng 11.400 TWh mỗi năm, và có thể chuyển 1.700 TWh trong đó thành điện năng, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu dùng điện của thế giới.
Phát điện bằng năng lượng sóng biển không tốn năng lượng “khởi động”, và không gây ô nhiễm môi trường, do đó là một nguồn năng lượng sạch, hy vọng sẽ giúp giải quyết nguy cơ thiếu năng lượng của toàn thế giới trong tương lai.
Việt Nam, với hơn 3.000 km đường bờ biển, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng từ đại dương. Do vậy, việc bổ sung, đa dạng hóa nguồn năng lượng từ biển là cần thiết để phục vụ phát triển bền vững.
Thanh Tùng