10/05/2016
Rừng là một hệ sinh thái mà quần xã cây rừng giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường. Rừng che phủ 1/3 diện tích lục địa toàn cầu, đồng thời thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh. Sinh kế của 1,6 tỷ người trên Trái đất đang phải phụ thuộc vào rừng. 75% lưu vực có rừng cấp nước ngọt cho nhân loại trên Trái đất. Rừng cung cấp nước uống cho 1/3 thành phố lớn trên thế giới. Nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của rừng, ngày 21/3 được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn làm Ngày quốc tế về rừng. Đây là dịp để các quốc gia nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân trong nước có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
Rừng bao phủ khoảng 4 tỷ ha diện tích bề mặt Trái đất
Rừng bao phủ khoảng 4 tỷ ha, tương đương khoảng 8% tổng diện tích bề mặt Trái đất. Các quốc gia chiếm phần lớn diện tích rừng thế giới gồm: Nga (7,8 triệu km2), Braxin (4,8 triệu km2), Canađa (3,1 triệu km2), Mỹ (3 triệu km2), Trung Quốc (1,8 triệu km2) và Cộng hòa Dân chủ Côngô (1,8 triệu km2).
Rừng là “cái nôi” của đa dạng sinh học
Rừng là nơi cư trú của hơn 50% loài thực vật và động vật trên thế giới. Đa dạng sinh học cao nhất nằm ở rừng nhiệt đới Amazon, đặc biệt là khu vực giáp danh giữa rừng Amazon và dãy núi Andes ở Pêru và Êcuađo. Đây là nơi sinh sống lý tưởng của hàng triệu loài động, thực vật. Các nhà khoa học cho rằng, có khoảng hơn 500 loài động vật có vú, 175 loài thằn lằn, hơn 300 loài bò sát và 30 triệu loài côn trùng, cùng với khoảng 1/3 loài chim của thế giới hiện đang cư trú tại khu rừng rậm này. Ngoài ra, một số nơi có ĐDSH lớn khác như rừng ở 2 đảo lớn nhất thế giới: Borneo, New Guinea (phía Tây Bắc Nam Mỹ và Trung Mỹ) và các lưu vực sông Côngô.
Rừng chứa hàng trăm tỷ cây xanh
Theo các nhà khoa học, các khu rừng trên thế giới chứa hàng trăm tỷ cây xanh. Ước tính đến năm 2015, trong số 3.000 tỷ cây, trong đó có 1.400 tỷ ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, 700 tỷ ở khu vực phương Bắc và 600 tỷ ở vùng ôn đới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra, 15,3 tỷ cây bị chặt mỗi năm.
Rừng lưu trữ một lượng lớn cácbon
Rừng lưu trữ một lượng lớn cácbon thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, do vậy, khi đốt cháy hoặc chặt cây, lượng cácbon thải vào khí quyển dưới dạng khí CO2 và khí nhà kính (N2O, mêtan và các ôxit nitơ khác). Việc khai thác và đốt rừng nhiệt đới, rừng trên đất than bùn chiếm khoảng 10% các chất khí nhà kính sinh ra từ hoạt động của con người. Do đó, bảo vệ và phục hồi rừng là hoạt động quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu. Theo Tạp chí Khoa học (Nature), các khu rừng nhiệt đới có thể giảm 1/2 lượng khí thải cácbon đáp ứng mục tiêu năm 2050. Bên cạnh đó, rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, duy trì lượng mưa và thời tiết thông qua quá trình bốc hơi nước, giảm xói mòn và điều tiết dòng chảy, ngăn chặn hạn hán, lũ lụt và cung cấp môi trường sống quan trọng cho hàng triệu loài sinh vật.
Thế giới mất đi nhiều diện tích rừng mỗi năm
Theo ước tính, tốc độ rừng toàn cầu mất đi khác nhau tùy thuộc vào địa điểm, phương pháp đo lường và mốc thời gian xác định thiệt hại. Theo khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc, mạng lưới rừng tự nhiên mất đi bình quân 6,6 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015, phần lớn diễn ra ở các vùng nhiệt đới, dẫn đầu là Braxin, Inđônêxia và Mianma. Đặc biệt, qua dữ liệu vệ tinh, các nhà khoa học đã ghi nhận được, mức độ mất rừng vào năm 2012 đạt mức kỷ lục, lên tới 24 triệu ha.
Mất rừng chủ yếu là do các hoạt động của con người
Tác nhân lớn nhất gây ra nạn phá rừng là do hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác gỗ và cháy rừng. Suy thoái rừng và hoạt động đốt cháy rừng làm cho tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng, thậm chí ở cả những cánh rừng chưa được ghi nhận có ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu như Amazon. Nguyên nhân chính của nạn phá rừng ở vùng nhiệt đới là do hoạt động thương mại hóa, nông nghiệp tự cung tự cấp, bao gồm chăn nuôi gia súc và sản xuất dầu cọ; xây dựng đường phục vụ cho nhu cầu vận chuyển và khai thác gỗ. Trong đó, Nga, Canađa và Braxin là các quốc gia mất độ che phủ rừng ở mức cao nhất từ năm 2012 - 2014.
Rừng đang được khôi phục ở một số nước
Nhiều khu rừng rộng lớn đã được tái sinh sau hàng thập kỷ bị hủy diệt ở Bắc Mỹ và châu Âu. Một số quốc gia như Costa Rica và New Zealand còn phát triển mạnh ngành du lịch sinh thái rừng, quyết tâm hướng tới giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính xuống mức bằng 0 vào năm 2021 thông qua mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế theo hướng hoàn toàn thân thiện với môi trường. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác, như Trung Quốc và Rwanda đang tích cực trồng lại rừng để khôi phục lại chức năng của hệ sinh thái.
Hoạt động giám sát rừng tốt hơn
Thập niên vừa qua đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc giám sát rừng, chủ yếu thông qua hệ thống ứng dụng thông tin từ hàng trăm triệu ảnh vệ tinh cũng như dữ liệu từ mặt đất. Tiêu biểu như, công cụ Theo dõi rừng toàn cầu do Viện Tài nguyên thế giới lập ra nhằm cung cấp dữ liệu, cho phép nhà khoa học, hoạch định chính sách, công ty và tổ chức môi trường theo dõi tình trạng rừng ở các khu vực, từ đó, đưa ra các biện pháp bảo vệ kịp thời. Trên bản đồ, họ sẽ đánh dấu các khu vực rừng được khôi phục (màu xanh) cũng như các khu rừng đang bị phá hoại (màu hồng). Nhờ công cụ trên, từ năm 2004, Braxin đã giám sát thực thi pháp luật môi trường hiệu quả, đặc biệt là trong việc khai thác gỗ bất hợp pháp.
Ngoài ra, những người quan tâm đến rừng có thể có cái nhìn trực quan hơn về các mối đe dọa đối với nguồn tài nguyên này thông qua bản đồ vệ tinh Google Earth.
Nhiều khu rừng được bảo vệ tốt nhất là nhờ người dân bản địa
Theo nghiên cứu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế về mối quan hệ giữa dân cư bản địa và các khu vực rừng được bảo vệ (năm 2000), ước tính, khoảng 85% khu bảo tồn trên thế giới có người sinh sống, trong số đó, nhiều khu rừng được bảo tồn ở trạng thái tốt nhất. Điều này chứng tỏ, những người dân sống nhờ vào hệ sinh thái rừng để lấy thực phẩm, nước, hay làm nơi trú ẩn có tầm quan trọng nhất định trong việc bảo tồn rừng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, khi đất rừng được quản lý tốt, độ che phủ của cây xanh duy trì tốt hơn ở những có cộng đồng dân cư.
1/8 diện tích rừng toàn cầu được quản lý vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học
Theo Liên hợp quốc, khoảng 13% rừng của thế giới, (tương đương 5,24 triệu km2) được quản lý chủ yếu nhằm bảo tồn ĐDSH, đứng đầu là Mỹ (65 triệu ha), Braxin (47 triệu ha), và Mexicô (28 triệu ha).
Trung Thảo
(Theo mongabay.com)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)