08/09/2020
Theo Liên hợp quốc, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ rác thải nhựa (RTN) tính bình quân theo đầu người cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn rác nhựa được thải ra, trong đó 1 triệu tấn thu gom từ các hộ gia đình như nguyên liệu có thể tái chế; 1 triệu tấn rác nhựa bẩn phải xử lý; 7 triệu tấn RTN công nghiệp từ các nhà máy, văn phòng và các cửa hàng bán lẻ.
Thực trạng RTN tại Nhật Bản
Trước năm 2018, mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu 1,4 - 1,5 triệu tấn RTN sang các nước khác để tái chế, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tấn và năm 2017 khoảng 1,43 triệu tấn. Số RTN này bao gồm cả các RTN bẩn và không thể tái chế, còn rác thải công nghiệp được xử lý bằng cách tái chế, đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu sang các nước khác. Cuối năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu loại rác này và Nhật Bản phải tăng cường xuất khẩu sang các nước khác như Malaixia, Thái Lan... Tuy nhiên, theo quy định mới, khi Nhật Bản xuất khẩu RTN bẩn, nước này cần phải có sự chấp thuận của các nước tiếp nhận và các nước tiếp nhận cũng phải có các cơ sở xử lý RTN với công suất tương đương hoặc lớn hơn so với cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động ở Nhật Bản. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu RTN của Nhật Bản trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các đặc điểm về văn hóa, xã hội của Nhật Bản cũng gây ra một số khó khăn trong công cuộc giảm RTN. Người Nhật được thế giới biết đến nhờ ý thức thu gom rác thải và cẩn thận trong việc phân loại rác thải để tái chế, nhưng thói quen dùng đồ nhựa đã ăn sâu vào lối sống của họ. Nỗi "ám ảnh" về sự sạch sẽ của đất nước mặt trời mọc cùng với niềm tự hào về nghệ thuật hiếu khách truyền thống (gọi là omenenashi) đã khiến những tiểu thương nơi đây tin rằng, bọc, quấn, đóng gói mọi thứ một cách tỉ mỉ với nhiều lớp túi là cách phục vụ tốt nhất, lịch sự nhất. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Statista, trung bình Nhật Bản sản xuất tới 106 kg nhựa cho một người mỗi năm; trong khi Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác cộng lại mới đạt 94 kg. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng cho biết, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Nhật cũng nhiều hơn ở Liên minh châu Âu (EU). Tại quốc gia này, rau bán trong siêu thị được gói riêng, đồ ăn phải được đóng 2 lớp bao bì và máy bán hàng tự động phân phối đồ uống đóng chai nhựa ở khắp nơi. Trong mỗi cửa hàng nhỏ, siêu thị tại địa phương, ngay cả khoai tây, cà rốt hay một quả chuối cũng được bọc riêng. Mỗi người Nhật sử dụng trung bình khoảng 300 - 400 túi nhựa/năm, tương đương khoảng 40 tỉ túi trên toàn quốc.
Trong khi hầu hết đô thị đều có hệ thống thu gom rác hiện đại với công suất cao (khoảng 70 đến 80% bao bì nhựa đã qua sử dụng), chai và túi ni lông được thu gom bởi các công ty quản lý chất thải và sau đó được đốt hoặc tái chế, Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính mỗi năm vẫn có khoảng 20.000 - 60.000 tấn RTN được xả ra biển. Tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa ra đại dương gây thiệt hại kinh tế, đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật biển, làm giảm sút lượng khách du lịch và nhất là tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Mỗi củ khoai tây đều được bọc riêng bằng túi ni lông trong các siêu thị tại Nhật Bản
Tìm giải pháp
Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ RTN và túi ni lông, năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Cùng với các quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của RTN cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 6/2019, Nhật Bản công bố kế hoạch giảm RTN. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả 100% các chai nhựa thông qua việc đặt các thùng rác tái chế chuyên dụng cạnh các máy bán hàng tự động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Nhật Bản tăng cường tuần tra nhằm ngăn chặn việc đổ rác trái phép. Theo đó, Chính phủ sẽ lắp đặt các thùng chuyên thu gom RTN trên toàn quốc; thúc đẩy các hoạt động vớt rác trên sông, biển; phát triển vật liệu đóng gói phân hủy sinh học... Điển hình, chính quyền thành phố Yokohama đã cho ra mắt tài liệu "Cách ly, xử lý và tái chế rác" gửi đến các hộ gia đình, trong đó hướng dẫn chi tiết cách phân loại 10 loại rác thải, từ vải, giấy, bìa cứng, kim loại và nhiều loại khác bằng nhựa. Cụ thể, trước khi vứt vào thùng rác, các hộp sữa phải được cắt ra, rửa sạch bằng nước, phơi khô; sau đó dùng dây bằng giấy bó lại cùng với các loại rác khác có cùng kích thước, chủng loại. Loại vỏ hộp tráng nhôm hoặc sáp cũng cần được xử lý. Trong khi đó, Thị trấn Kameoka, gần Kyoto, đã cấm gần 800 nhà bán lẻ phát túi nhựa từ đầu năm 2020, những đối tượng vi phạm có khả năng phải đối mặt với án phạt. Seven-Eleven - Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản cũng đã bắt đầu bán cơm nắm (onigiri) trong giấy gói từ thực vật. Với 21.000 cửa hàng trên toàn quốc, Seven-Eleven cũng sẽ thay thế tất cả các túi mua sắm bằng nhựa vào năm 2030, chuyển sang dùng bao bì bằng giấy, phân hủy sinh học hoặc các vật liệu tái sử dụng khác.
Từ ngày 1/7/2020, tất cả các cửa hàng bán lẻ trên khắp Nhật Bản, bao gồm cả cửa hàng tiện lợi và siêu thị, đã bắt đầu thực hiện quy định tính thu phí túi ni lông phát cho khách đựng hàng. Đây là một trong những chính sách mà Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra năm ngoái để giảm thiểu lượng RTN và BVMT. Để thực hiện chính sách này, tháng 12/2019, Chính phủ Nhật Bản sửa đổi các quy định liên quan luật về khuyến khích thu gom, phân loại và tái chế vật chứa và bao bì. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ phải thu phí ít nhất 1 yên mỗi túi ni lông phát cho khách hàng. Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ khuyến khích người dân mang theo túi có thể sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng. Tuy nhiên, các cửa hàng bán lẻ có thể tự quyết định mức phí và được phép phát miễn phí cho khách hàng các túi nhựa có thể sử dụng nhiều lần với độ dày ít nhất 0,05 ml, các túi ni lông có thể phân hủy sinh học, hay các túi ni lông có thành phần vật liệu sinh khối ít nhất 25% . Các túi ni lông mỏng sử dụng để gói thực phẩm tươi sống không thuộc diện bị tính phí. Hưởng ứng chính sách trên, nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống như gà rán KFC hay cơm thịt bò Yoshinoya… đã phát miễn phí cho khách hàng túi ni lông phân hủy sinh học. Trong khi đó, các cửa hàng thời trang hoặc giày dép như Uniqlo hay Adidas Japan đã sử dụng túi giấy phát cho khách hàng từ nhiều tháng trước.
Mới đây, Công ty Mitsubishi Chemical của Nhật Bản đã tuyên bố họ đang phát triển loại túi nhựa có khả năng phân hủy trong nước biển. Theo đó, những chiếc túi này được làm từ một loại vật liệu thành phần trong đó có mía. Khi chạm tay vào, có cảm giác chiếc túi này không khác biệt gì so với túi nhựa thông thường. Được biết, Công ty hiện đang chuẩn bị để bắt đầu sản xuất hàng loạt. Giá mỗi chiếc túi như vậy sẽ vào khoảng 12 - 50 yên Nhật (tương ứng 11 - 47 cent), tùy thuộc vào kích thước túi. Mitsubishi Chemical hy vọng rằng phát kiến của họ sẽ giúp chống ô nhiễm nước biển và đại dương.
Có thể thấy, sự tiện dụng và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa dùng một lần cùng với nhịp sống hiện đại và thói quen tiêu dùng đã góp phần lớn trong việc gia tăng khối lượng RTN dùng một lần tại Nhật Bản. Đã đến lúc, nước này cần nghiêm túc giảm sử dụng nhựa dùng một lần cũng như thực hiện các biện pháp Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng để giảm tải cho các bãi rác. Chính thói quen nhỏ nhưng ý nghĩa sẽ tạo ra tác động lớn, lan tỏa đến những người xung quanh, góp phần xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho cộng đồng.
Nguyễn Việt Cường
Bộ Ngoại giao
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)