Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Nỗ lực của Liên bang Nga trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường

03/05/2019

     Liên bang Nga (LBN) có diện tích 17.125.407 km2, dân số 146.267.288 người, là một trong những quốc gia có trữ lượng nước ngọt và nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, đó là các nguồn dầu mỏ, khí đốt, than đá, gỗ… Hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, với khoảng 25 nghìn loài thực vật, trên 130 nghìn loài động vật được ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tài nguyên thiên nhiên khiến LBN đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học cả về số lượng và thành phần loài…

 

Tổng thống Nga Putin trồng cây

 

     Hậu quả từ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, tình trạng khô cạn biển Aral, sự phụ thuộc của Nga vào khai thác dầu mỏ, khí đốt… có ảnh hưởng lớn đến môi trường của quốc gia này. Nhận thức được những mối nguy hại từ các vấn đề trên, từ năm 1991, Chính phủ Nga đã ban hành một loạt các luật về môi trường cùng những quyền lợi của cá nhân đối với môi trường an toàn, được ghi nhận trong Hiến pháp. Các hoạt động giám sát, quản lý môi trường cũng được định hình lại suốt hơn 20 năm qua. Sự bất ổn định của một số cơ quan nhà nước trong vấn đề BVMT vào cuối những năm 1980, đầu 1990 đã có ảnh hưởng lớn, ghi dấu rõ nhất vào năm 2000 khi Ủy ban Nhà nước có trách nhiệm về vấn đề sinh thái bị bãi bỏ, chức năng của cơ quan này được chuyển giao cho Bộ Tài nguyên - Cơ quan trước đây chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển tài nguyên thiên nhiên. Tiếp đó, chính sách mới của Tống thổng Vladimir Vladimirovich Putin năm 2004 và 2008 là một trong những thay đổi lớn nhất về cơ cấu của các cơ quan nhà nước, nhưng không có cơ quan môi trường nào lấy lại vị thế độc lập ban đầu. Đặc biệt, năm 2017 được Tổng thống tuyên bố là Năm môi trường của quốc gia, bao gồm kế hoạch hành động với hơn 600 sự kiện diễn ra trên khắp cả nước, nhiều dự án được quy hoạch và chia thành từng cụm, thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn đề môi trường, hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học, củng cố an ninh sinh thái của đất nước. Năm 2017 cũng được coi là năm cải cách môi trường của Nga, bởi thời gian này, Nga có nhiều thay đổi về mặt lập pháp, liên quan đến nguồn nước, lâm nghiệp và đất đai… điều này hàm ý việc tăng cường khung pháp lý trong lĩnh vực sinh thái và việc triển khai các định mức đã được phát triển trước đây.

     Năm 2018, Nga có những bước ngoặt lớn trong việc bảo tồn các vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên Vasyugansky, Ingermanland; Khu bảo tồn động vật hoang dã Liên bang Solovetsky, Novosibirsk; Khu dự trữ sinh quyển tự nhiên Caucasus, thông qua hình thức tăng cường vị thế cũng như mở rộng việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, các loài động, thực vật quý hiếm. Đồng thời, thúc đẩy giáo dục BVMT kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; khôi phục 800.000 ha rừng, bao gồm cả việc tái trồng rừng của lãnh thổ tự nhiên Baikal, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ cháy rừng nghiêm trọng năm 2015. Cũng trong năm 2018, Chính phủ Nga phân bổ khoảng 55 triệu USD để thực hiện Dự án bảo vệ hồ Baikal. Dự án thuộc Chương trình cấp Liên bang về “Bảo vệ hồ Baikal và phát triển kinh tế - xã hội vùng hồ Baikal giai đoạn 2012 - 2020”. Dự án sẽ tập trung giảm khối lượng nước thải chảy vào lòng hồ Baikal và nâng cấp các cơ sở xử lý nước thải, cải thiện môi trường sinh thái của thành phố Ulan-Ude, Cộng hòa Buryatia, thuộc LBN. Nằm ở phía Đông Nam Siberia, hồ Baikal là món quà thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho đất nước Nga. Với làn nước trong xanh xuyên tận đáy hồ, Baikal được biết đến với cái tên “Viên ngọc xanh của Siberia” và được Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.

 

Nga sản xuất điện từ hoạt động đốt rác thải

 

     Ô nhiễm môi trường là một trong những mối lo ngại của Nga kể từ thời Xô Viết. Ngành công nghiệp nặng và dầu khí là hai trong số những nguồn gây ô nhiễm chính của Nga, tuy nhiên đây cũng là hai ngành xương sống đối với nền kinh tế của quốc gia này. Theo ước tính của Tổ chức Môi trường Hòa bình Xanh, trung bình mỗi năm, Nga thải gần 70 triệu tấn rác và lượng rác thải tăng lên 30% trong thập kỷ qua. Việc phân loại rác chỉ diễn ra tại khoảng 100/400 thị trấn, thành phố và chỉ 2% số rác thải được xử lý theo hình thức đốt, 7% tái chế, số còn lại bị chôn vùi trong các bãi rác thải lớn, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 5 năm qua, thủ đô Moskva có 24 bãi chôn lấp rác phải đóng cửa do quá tải, trong khi đó vẫn còn 15 “núi rác” khác hàng ngày tiếp nhận một khối lượng lớn rác chưa phân loại. Điều đáng nói, phần lớn các khu vực tập kết rác này đều có từ cách đây 50 năm và không được lắp đặt bất kỳ công nghệ xử lý rác thải nào. Cuối tháng 3/2018, khoảng 50 trẻ em ở thị trấn Volokolamsk phải nhập viện điều trị do hít khí ga từ bãi chôn lấp rác. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Nga đã thông qua Dự án xây dựng 5 nhà máy sản xuất điện từ hoạt động đốt rác thải. Theo đó, 2 nhà máy đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021 tại thủ đô Moskva, mỗi nhà máy có khả năng xử lý 700.000 tấn rác/năm, với công suất 70 MW điện.

     Bên cạnh đó, Nga siết chặt các điều kiện nhằm kiểm soát hoạt động xuất khẩu gỗ; tăng cường năng lực của lực lượng kiểm lâm, kiểm soát tốt việc khai thác rừng; đầu tư công nghệ xử lý và tái sử dụng nước thải, kiểm soát chặt nguồn thải; chuyển đổi sang sử dụng nguyên, nhiên liệu thân thiện với môi trường, áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm soát khí thải trong công nghiệp. Cùng với đó, áp dụng đồng bộ các biện pháp như tăng hình phạt đối với hành vi gây ô nhiễm, sử dụng các biện pháp kinh tế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, để buộc doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm; tăng cường các hoạt động truyền thông về BVMT cho cộng đồng… Nga cũng có bước chuyển biến đáng kể với việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, tạo ra một lượng điện lớn từ thủy điện; kết nối các nguồn năng lượng tái tạo với mạng lưới từ châu Á, vượt qua biên giới Trung Quốc và khuyến khích chia sẻ năng lượng tái tạo giữa vùng xâu, vùng xa với khu vực đông dân cư trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn những nguồn năng lượng tiềm năng chưa được khai thác hợp lý như năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và các nguồn thủy điện khác. Phần lớn tiềm năng chưa được khai thác nằm ở Siberia và vùng Viễn Đông, cách xa các trung tâm đô thị.

 

Trương Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn