17/10/2017
Dữ liệu thu được từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, nồng độ khí thải các bon trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là vào mùa đông, cùng nhiều bằng chứng mới về sự gia tăng các chất gây ô nhiễm khiến Trái đất nóng lên.
Các phát hiện trên có được thông qua dữ liệu từ vệ tinh quan sát các bon 2 (OCO-2) do NASA phóng lên vũ trụ năm 2014.
Vệ tinh này có sứ mệnh đo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển - tác nhân gây hiệu ứng nhà kính được sản sinh ra từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch.
Theo các thông số do Vệ tinh OCO-2 thu thập được, sự thay đổi lớn trong chu trình các bon tại Bắc Bán cầu qua các mùa và tại đây vào mùa Xuân, các loài thực vật trên cạn đã hấp thụ một lượng lớn khí các bon.
Trái lại, trong suốt mùa Đông, lượng khí các bon mà các loài này hấp thụ chỉ ở mức tối thiểu, song phần cây mục ruỗng lại thải các bon vào bầu khí quyển.
Chu trình này cùng việc phát thải liên tục khí các bon từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc, châu Âu và khu vực Đông Nam nước Mỹ đã khiến nồng độ các bon đạt mức cao vào tháng 4 tại khu vực Bắc Bán cầu và sau đó, các loài thực vật lại bắt đầu hấp thụ khí này.
Một nghiên cứu khác đăng tải trên Tạp chí Science của Mỹ lại nhận thấy hiện tượng ấm lên hay còn gọi là El Nino cũng dẫn tới việc phát thải thêm nhiều khí các bon tại các vùng nhiệt đới hơn so với những năm trước đây.
Cụ thể, hiện tượng này xảy ra vào năm 2015 đã dẫn tới việc phát thải thêm khoảng 2,5 gigaton khí các bon vào khí quyển so với năm 2011, đồng thời khiến lượng mưa tại Nam Mỹ giảm thấp và làm tăng nhiệt độ châu Phi. Tại châu Á, lượng khí thải các bon tăng chủ yếu là do hoạt động đốt rác thải.
Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ khiến lượng mưa giảm dần đối với Nam Mỹ và làm tăng nhiệt độ đối với châu Phi vào cuối thế kỷ 21. Thậm chí, các nhà nghiên cứu cảnh báo xu hướng thời tiết cực đoan này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn tại các vùng nhiệt đới.
Châu Loan (Theo vietnamplus.vn)