30/03/2016
Liên hợp quốc dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.8 tỷ người sống tại các quốc gia hoặc khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số sống trong điều kiện căng thẳng về nguồn cung nước.
Nước bẩn vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Mỗi ngày có khoảng 5.000 người chết vì bệnh tật phát tán từ nguồn nước bẩn và hiện có tới 3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước an toàn cho sức khỏe. Nước bẩn và điều kiện vệ sinh nghèo nàn đã dẫn đến bệnh đường ruột ở nhiều trẻ em, theo ước tính của Liên hợp quốc, tình trạng đó khiến mỗi ngày có tới 900 trẻ em dưới năm tuổi tử vong trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc nhiễm trùng do thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường dẫn tới cái chết thương tâm của nhiều trẻ sơ sinh.
Báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế Water Aid công bố ngày 22/3, cho thấy Ấn Độ là quốc gia có số người không được tiếp cận nguồn nước sạch cao nhất thế giới, có tới 75,8 triệu người Ấn Độ, chiếm 5% trên tổng dân số 1,25 tỷ người của nước này, buộc phải mua nước với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Trung Quốc cũng có 63 triệu người không được tiếp cận nước sạch.
Tại nhiều quốc gia, việc khai thác và sử dụng một cách không hợp lý đang dẫn tới việc suy thoái tài nguyên nước, khiến người dân rơi vào tình cảnh khan hiếm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đe dọa tới an ninh lương thực, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.
Gia Linh