29/08/2016
Chính phủ Mỹ đã mở rộng di sản quốc gia ngoài khơi quần đảo Hawaii để thành lập một khu bảo tồn sinh vật biển lớn nhất thế giới.
Theo thông báo ngày 26/8/2016 của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định mở rộng Khu bảo tồn biển quốc gia Papahanaumokuakea lên 1,5 triệu km2, gấp 4 lần diện tích bang California và gấp 2 lần diện tích của bang Texas, Mỹ.
Các hoạt động phát triển năng lượng, đánh bắt cá thương mại sẽ bị cấm trong khu vực này. Đối với hoạt động nghiên cứu, thăm dò khoa học, hoạt động văn hóa truyền thống của người Hawaii và đánh bắt cá phi thương mại sẽ cần phải có giấy phép.
Bản đồ phần hiện tại (xanh đậm) và phần mở rộng (xanh nhạt) khu bảo tồn biển
Papahanaumokuakea ngoài khơi Hawaii (Ảnh: White House)
Nhà Trắng cũng cho biết việc mở rộng diện tích khu bảo tồn là nhằm bảo vệ hơn 7.000 loài và cải thiện hệ sinh thái vốn đang phải đối mặt với tình trạng axít hóa đại dương và sự ấm lên toàn cầu.
Các nhà BVMT hoan nghênh quyết định trên của tổng thống Obama.
"Tổng thống Obama đã tăng cường sự bảo vệ cho một trong những nơi có truyền thống văn hóa và sinh học nhất trên hành tinh của chúng ta" - ông Joshua Reichert, Phó Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Chương trình Tài chính Năng lượng sạch Pew Charitable Trusts cho biết.
Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) cũng ca ngợi và gọi đó là một "quyết định táo bạo" khi nói về lệnh cấm đánh bắt cá thương mại và khai thác khoáng sản trong khu vực này.
Tuy nhiên một số ngư dân đã bày tỏ lo ngại. "Chúng tôi thất vọng khi tổng thống đưa ra quyết định cấm các hoạt động khai thác ở vùng gần như bằng bang Alaska mà không trưng cầu dân ý" - chủ tịch Hiệp hội Hawaii Longline Sean Martin chia sẻ với hãng AP.
Khu bảo tồn Papahanaumokuakea được xây dựng năm 2006 theo Quyết định của cựu Tổng thống George W. Bush nhằm mục đích bảo tồn vùng biển thuộc khu vực các đảo Tây Nam của Hawaii.
Vùng biển này là nhà của nhiều rặng san hô và hàng trăm loài động vật quý hiếm của thế giới.
Theo kế hoạch, Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm tới Hawaii để đánh dấu hoạt động này.
Long Hoàng