11/03/2016
Ngày 10/3/2016, tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Canađa Justin Trudeau, hai bên đã thống nhất Thỏa thuận cắt giảm lượng khí methane thải ra từ hoạt động khai thác dầu khí, nhằm đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu.
Một điểm khai thác dầu khí ở Mỹ (Nguồn: AP)
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, theo Thỏa thuận, Mỹ và Canađa đặt mục tiêu, đến năm 2025 sẽ cắt giảm 40 - 45% lượng khí methane gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2012, đồng thời cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại khu vực Bắc Cực và thúc đẩy "công nghệ xanh." Hai bên cũng nhất trí cho rằng, thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris (Pháp) hồi cuối năm 2015 cần được sớm thực thi. Cắt giảm 45% lượng khí methane từ ngành khai thác dầu khí so với mức năm 2012 là một trong hàng loạt đề xuất được Tổng thống Obama đưa ra trước khi đọc Thông điệp Liên bang 2016 hồi đầu năm nay. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm 180 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên bị thất thoát, đủ đáp ứng nhu cầu sưởi ấm cho hơn 2 triệu gia đình trong 1 năm.
Canađa là quốc gia khai thác dầu cát số một thế giới, trong khi Mỹ là quốc gia khai thác dầu khí hàng đầu thế giới nhờ việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking) hay bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị nén bên trong lớp đất đá này.
Cơ quan BVMT Mỹ (EPA) cho rằng, mặc dù lượng khí methane thoát ra từ hoạt động khai thác dầu khí ở Mỹ đã giảm 16% kể từ năm 1990 nhưng có thể sẽ tăng lên 25% trong giai đoạn từ 2015 - 2025 nếu không có biện pháp kiềm chế. Trong năm 2012, khí methane chiếm gần 10% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tại Mỹ.
Sơn Tùng