Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Kinh nghiệm quản lý tổng hợp môi trường biển tại Hàn Quốc

04/04/2017

   Hàn Quốc là một quốc gia bán đảo có 15 khu bảo tồn biển, 4 vùng biển quản lý môi trường và 5 vùng biển quản lý đặc biệt cho việc thực hiện các mục tiêu cụ thể. Đồng thời, Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển bền vững, song song với những nỗ lực của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về BVMT biển. Hàn Quốc đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế về môi trường như: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Công ước Luân đôn, Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (ĐDSH), Công ước khí hậu và nhiều hiệp định môi trường đa phương (MEA) khác.

Bãi biển Haeundae, thành phố Busan, Hàn Quốc 

   Tại Hàn Quốc, công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, đặc biệt là vùng bờ, đã được thể chế hóa và áp dụng trong thực tiễn. Hàn Quốc đã xây dựng được một hệ thống luật pháp khá hoàn chỉnh để phục vụ quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Rất nhiều địa phương ven biển đã áp dụng thành công phương thức quản lý này với kết quả sử dụng hợp lý tài nguyên, hài hòa các hoạt động quản lý ngành và bảo vệ, cải thiện tài nguyên và môi trường.

   Về hệ thống pháp lý, vào năm 1996, Hàn Quốc đã xây dựng Luật Cơ bản về phát triển Biển và Nghề cá. Một loạt các luật khác được xây dựng theo Luật này. Cũng trong năm 1996, cùng với Luật khung, Hàn Quốc đã xây dựng quy hoạch tổng thể về biển tích hợp tất cả các quy hoạch ngành, được gọi là quy hoạch phát triển biển và nghề cá. Tầm nhìn, mục tiêu của tất cả các ngành có liên quan đều được tích hợp vào quy hoạch. Từ năm 1996, Hàn Quốc đã thực hiện tổng hợp chức năng các cơ quan, tổng hợp về chính sách, pháp luật và quy hoạch để thực hiện quản lý tổng hợp. Một số lĩnh vực nhỏ hơn nằm ngoài chức năng của Bộ Đại dương và Nghề cá như quản lý hàng hải, quản lý biên giới, lãnh thổ được quản lý theo chuyên ngành. Quy hoạch các ngành phải được phản ánh trong quy hoạch tổng hợp.

   Cùng với tăng trưởng kinh tế vùng bờ, cũng như các quốc gia khác, ở Hàn Quốc đã nảy sinh các vấn đề về môi trường, mất các sinh cảnh quan trọng và suy thoái các hệ sinh thái (HST) biển và vùng bờ. Do vậy, Hàn Quốc đã tập trung xây dựng Luật quản lý vùng bờ. Nội dung chính của Luật là quản lý tổng hợp tài nguyên, quản lý môi trường biển tại khu vực vùng bờ (có khoảng cách từ bờ ra biển 3 hải lý và cách mực nước triều cao nhất 500 m hoặc 1.000 m về phía đất liền), bao gồm quản lý các khu vực biển, xây dựng các công trình biển bảo vệ vùng bờ, giáo dục và tuyên truyền. Quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ có kỳ quy hoạch 10 năm và điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo tồn, sử dụng và phát triển các vùng biển. Chính quyền Trung ương xây dựng quy hoạch cả nước, Chính quyền tỉnh xây dựng quy hoạch cho tỉnh trên cơ sở quy hoạch cả nước.

   Quản lý tổng hợp vùng bờ Hàn Quốc được phát triển theo giai đoạn. Khoảng cuối 1980, tại Hàn Quốc đã đưa ra khái niệm quản lý tổng hợp vùng bờ. Khái niệm này được đưa vào chính sách quốc gia từ đầu những năm 1990. Các dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ được thực hiện vào giữa những năm 1990. Các điều tra để xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng bờ cũng được thực hiện vào thời gian này. Vào năm 1999, Hàn Quốc thông qua Luật quản lý vùng bờ với nội dung chính là quản lý tổng hợp. Hàn Quốc đã xây dựng và thực hiện quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện tại, quản lý tổng hợp vùng bờ ở Hàn Quốc tập trung vào phân vùng chức năng, bảo tồn các HST và quản lý tổng hợp cửa sông, thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và BVMT. Xây dựng hệ thống quản lý với mục tiêu là các vùng bờ tự nhiên, đảm bảo tính pháp lý của phân vùng, quản lý trực tiếp, giới hạn trong vùng nước ven bờ.

   Trước năm 2008, Hàn Quốc không có chính sách riêng biệt và cụ thể để quản lý đảo, các đảo có người do Bộ Nội vụ quản lý hành chính. Nhận thức tầm quan trọng của việc quản lý các đảo không người, năm 2008, Hàn Quốc đã ban hành Luật quản lý các đảo nhỏ không người với nội dung cơ bản là quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng quy hoạch quản lý đảo với kỳ quy hoạch 10 năm. Hàn Quốc đã ban hành Luật quản lý các đảo với mục đích quản lý môi trường và tài nguyên các đảo, chủ yếu tập trung vào bảo tồn. Hàn Quốc đã thực hiện điều tra về điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan, HST làm cơ sở để bảo tồn. Trên cơ sở đó, xác định các hình thức quản lý cho các đảo; chia đảo thành 4 loại: Loại bảo tồn, loại nửa bảo tồn, loại phát triển có điều kiện và loại phát triển. Trong luật cũng có các phần quy định về các đảo đặc biệt dùng xác định các ranh giới quốc gia trên biển. Về quy hoạch quản lý, việc điều tra các đảo này được thực hiện thường xuyên. Tổng cục Khí tượng Thủy văn biển Hàn Quốc thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá điều tra thường xuyên các đảo này. Các đảo được dùng là điểm để xác định các vùng biển là rất quan trọng, cần được chú ý bảo vệ.

Đảo Jeju, Hàn Quốc

   Hiện nay, Hàn Quốc đang xem xét, sửa đổi các luật hiện hành để thích ứng với xu hướng quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận hệ sinh thái. Ngoài ra, Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch và tăng cường quản lý tổng hợp ở địa phương. Hàn Quốc đang thực hiện điều tra toàn quốc lần 3 và xây dựng Quy hoạch quản lý tổng hợp toàn quốc lần 2 bằng cách điều chỉnh Quy hoạch quản lý tổng hợp lần 1. Vào năm 2006, 70% tỉnh thành xây dựng Quy hoạch quản lý tổng hợp ở cấp tỉnh. Cùng với việc ban hành Quy hoạch quản lý tổng hợp toàn quốc lần 2, các tỉnh sẽ phải điều chỉnh quy hoạch đã được xây dựng trước đó để phù hợp với quy hoạch quốc gia.

   Cơ sở pháp lý để quản lý môi trường biển và các luật cơ bản phục vụ quản lý môi trường biển của Hàn Quốc bao gồm 3 Luật liên quan tới quản lý môi trường biển: Luật quản lý môi trường biển, Luật về bảo tồn và quản lý các HST biển, Luật về bảo tồn các vùng đất ngập nước. Luật quản lý môi trường biển: Giám sát môi trường, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin môi trường, làm sạch các chất thải nhấn chìm, nạo vét các khu ô nhiễm, thu gom rác nổi và Trung tâm xử lý rác thải. Luật Bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái biển: điều tra các HST biển trên phạm vi cả nước, các khu bảo tồn, hệ thống thông tin, phục hồi các HST, bảo tồn loài, kiểm soát sự phát triển. Luật bảo tồn vùng đất ngập nước chủ yếu phục vụ bảo tồn môi trường, sinh cảnh và ĐDSH các vùng đất ngập nước.

   Thực hiện quy định của Luật Quản lý môi trường biển, Tập đoàn quản lý môi trường biển Hàn Quốc (KOEM) đã xây dựng hệ thống giám sát môi trường bao gồm hệ thống trạm cố định, hệ thống trạm giám sát tự động và các thiết bị gắn trên tầu biển. Có 13 trạm giám sát môi trường tự động tại các khu vực điểm nóng về ô nhiễm biển. Hệ thống giám sát trên các tàu thương mại chạy xung quanh Hàn Quốc để đo chất lượng nước. Các đặc trưng chất lượng nước được đo 10 lần trong 1 tháng. KOEM cũng xây dựng hệ thống thông tin phục vụ đưa ra báo cáo hiện trạng môi trường, xây dựng chính sách quản lý và nghiên cứu. KOEM cũng thực hiện rất nhiều dự án thu gom, xử lý rác thải, bảo tồn biển theo quy định của Luật Quản lý môi trường biển và các luật khác. KOEM cũng xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu môi trường biển.

   Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác song phương về quản lý tài nguyên, môi trường biển với các cơ quan quản lý biển của Hàn Quốc thông qua việc xem xét, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn và những chính sách, pháp luật để áp dụng tại Việt Nam

Vũ Thị Mai Lan

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn