10/03/2014
Đài Loan là một quốc gia nhỏ với diện tính khoảng 35.804 km2, dân số khoảng 23 vạn người. Về quản lý chất thải rắn (CTR), trước năm 1984, chính quyền và người dân chưa thực hiện quản lý CTR đô thị, hầu hết người dân đổ rác vào những địa điểm gần khu vực sinh sống. Đầu năm 1984, Chính phủ Đài Loan đã quan tâm tới quản lý và xử lý CTR, đặc biệt là CTR đô thị. Để quản lý hiệu quả việc xử lý chất thải, Chính phủ Đài Loan đã đưa ra “Kế hoạch quản lý và xử lý chất thải ở các đô thị”, bước đầu tập trung vào việc chôn lấp CTR tại các bãi chôn lấp. Năm 1998, Luật về việc tái chế chất thải được ban hành. Tuy nhiên, đầu những năm 1990 cùng với sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ, Đài Loan đã chuyển từ chôn lấp rác thải lộ thiên sang công nghệ đốt.
Trong suốt gần 2 thập kỷ, quản lý CTR ở Đài Loan có thể chia làm 4 giai đoạn chính: Từ năm 1981 - 1989: Người dân có thể thải bỏ, chôn lấp tại bất kỳ địa điểm nào; Từ năm 1990 - 1997: Cơ quan BVMT Đài Loan (EPA) thông báo tới người dân và các nhà máy thực hiện phân loại rác thải; Từ năm 1998 - 2002: Tổ chức các nhóm phân loại, lập quỹ tái chế được quản lý bởi Chính phủ; Từ năm 2003 - 2020: Không rác thải rắn đô thị.
Đầu năm 1998, EPA đã thực hiện Chương trình “Kế hoạch tái chế tại nguồn 4 trong 1 bao gồm: Thực hiện tái chế bằng cách tích hợp các yếu tố cộng đồng dân cư, thiết lập các tổ chức tái chế dựa vào cộng đồng dân cư; Các công ty tái chế thu gom và tái chế các loại rác thải; Chính quyền địa phương phân chia và hướng dẫn loại rác thải tái chế, sau đó, thu thập và gửi tới công ty tái chế; Quỹ tái chế nhằm thực hiện tái chế và giảm thiểu rác thải. Chương trình thực hiện đã tăng được tỷ lệ tái chế chất thải trên toàn lãnh thổ.
Chương trình phân loại và tái chế rác thải không dừng lại ở đó, năm 2001, Chính phủ Đài Loan quyết định thực hiện Chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhà bếp. Rác thải nhà bếp được thực hiện phân thành 2 nguồn: Rác thải có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc; Rác thải được thu gom để sản xuất phân vi sinh. Giai đoạn đầu của Chương trình được thực hiện tại 7 thành phố và 10 tỉnh.
Đài Loan - quốc gia đi đầu trong việc quản lý CTR
Năm 2002, sau khi thực hiện thành công Chương trình tái chế rác thải tập trung vào rác thải nhà bếp, EPA đã bước đầu thực hiện đạo luật về tái chế, tái sử dụng tại nguồn các loại rác thải như: Túi nilông, các loại cốc, đĩa, thìa, đũa dùng 1 lần. Sau 4 năm thực hiện và áp dụng Chương trình, đến tháng 7/2006, EPA yêu cầu các cơ quan Chính phủ ngừng sử dụng đồ dùng một lần và đến tháng 9/2006 lệnh cấm này được thực hiện trên toàn bộ các trường học. Từ tháng 7/2007, cốc giấy không được phép sử dụng trong các cơ quan chính phủ và trường học. Tháng 7/2008 chuỗi cửa hàng đã ngừng sử dụng, cung cấp các loại đũa, thìa, cốc… sử dụng 1 lần. Từ tháng 5/2011 các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn nhanh, chuỗi cửa hàng nước uống đã thực hiện giảm giá cho những khách hàng dùng cốc cá nhân hoặc sử dụng các biện pháp khuyến khích tái sử dụng cốc uống bằng việc tích điểm: 1TW$ (tương đương 700VND) cho 2 lần sử dụng cốc cá nhân. Ngày nay, học sinh, sinh viên và cán bộ làm việc trong chính quyền nhà nước đều đưa đũa, thìa cá nhân để sử dụng trong việc ăn trưa. Các hệ thống siêu thị không cung cấp túi nilông miễn phí cho khách hàng, mỗi lần khách hàng yêu cầu túi nilông thì phải trả 2 TW$/ túi (tương đương 1.400 VND/túi), hệ thống siêu thị khuyến khích khách hàng đưa túi cá nhân đi mua sắm.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã bước đầu thực hiện nguyên tắc “không rác thải”. Năm 2003, EPA đã trình Chính phủ bản báo cáo và đề xuất đẩy mạnh thực hiện nguyên tắc “không rác thải” và khởi động thực hiện chính sách “Giảm thiểu chất thải tối thiểu và phục hồi nguồn tài nguyên” thúc đẩy xản xuất, tiêu dùng xanh, tài chế, tái sử dụng…, đây là những biện pháp nhằm tiến tới mục tiêu “không rác thải”. Năm 2004, Chính phủ tập trung thực hiện chính sách “không rác thải”.
Năm 2005, Đài Loan thực hiện chiến dịch phân bổ thùng phân loại rác thải. Trường hợp không thực hiện các nguyên tắc phân loại rác thải, mỗi cá nhân phải chịu hình phạt: Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm đầu tiên; Phạt hành chính 1.200 NT$ (tương đương 840.000 VND) đối với lần vi phạm thứ 2.
Năm 2006, EPA giới thiệu chương trình “Hạn chế bao bì để thu hẹp kích cỡ của những hộp gói đĩa CD và những hộp gói quà. Từ tháng 7/2006, sự tối giản, hạn chế kích thước cũng được áp dụng tại một số nhà máy, xưởng thực phẩm….
Đầu năm 2007, EPA thực hiện chiến dịch quản lý rác thải điện tử. Để thực hiện chương trình, Chính phủ đã hạn chế sản xuất, nhập khẩu và bán hàng loại pin mangan-kẽm và mangan kiềm có chứa hơn 5 ppm thủy ngân. Ngoài ra, EPA đã thiết lập các biện pháp theo từng giai đoạn để giảm sử dụng nhiệt kế thủy ngân. Kể từ tháng 7/2008, thủy ngân nhiệt kế bị hạn chế nhập khẩu và chỉ nhập khẩu khi có giấy phép hợp lệ. Từ 1/7/2011, việc nhập khẩu và bán nhiệt kế thủy ngân bị cấm toàn diện. EPA và ngành công nghệ truyền thông đã ký bản ghi nhớ hợp tác về tái chế những thiết bị thải bỏ của ngành công nghệ di động vào tháng 12/2009, từ tháng 1/2010, hơn 2.000 doanh nghiệp truyền thông di động đã thực hiện tái chế lại các máy di động và các phụ kiện kèm theo.
Lê Thanh Nga
Viện Khoa học quản lý môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014