02/01/2020
Inđônêxia có diện tích đất liền khoảng 1.907.540 km², với dân số hơn 260 triệu người (năm 2019), là quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 ở châu Á và thứ 4 trên thế giới. Đây là một đảo quốc lục địa nằm giữa Đông Nam Á và châu Đại Dương, được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo” bởi có tới 13.487 hòn đảo lớn nhỏ. Những năm qua, dân số cao và cuộc công nghiệp hóa nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng tại đây như nạn phá rừng, hay những trận cháy rừng gây ra hiện tượng khói dày đặc che phủ nhiều vùng phía Tây Inđônêxia; tình trạng ô nhiễm không khí, tắc đường do hoạt động giao thông; hạn chế trong công tác quản lý rác và xử lý nước thải… Trước thực trạng trên, Inđônêxia đã áp dụng đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu tác động đến môi trường và bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.
Thành phố Surabaya thực hiện đổi chai nhựa lấy vé xe buýt
Theo cơ quan Thống kê Trung ương và Hiệp hội công nghiệp nhựa Inđônêxia, trung bình mỗi năm quốc gia này thải ra môi trường khoảng 64 triệu tấn rác thải, trong đó 3,2 triệu tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là khi trôi ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy và chúng sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa, là mối đe dọa cho hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Một nghiên cứu của trường Đại học Georgia, Mỹ đã chỉ ra rằng, có khoảng 28% số cá đang tiêu thụ tại Inđônêxia có chứa hạt vi nhựa. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Inđônêxia Susi Pudjiastuti cảnh báo, nếu tiếp tục xả rác ra biển thì tới năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá, đồng thời đề nghị người dân hạn chế tối đa nhu cầu sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày và Chính phủ nên kết hợp với chính quyền địa phương kêu gọi các doanh nghiệp giảm sản xuất các sản phẩm nhựa một lần, thay vào đó là những sản phẩm nhựa có thể tái chế hoặc sản phẩm giấy, nhằm thực hiện hiệu quả cam kết với thế giới về việc sẽ giảm 70% số rác thải nhựa vào năm 2025.
Người dân TP. Surabaya đổi rác nhựa được lấy vé xe buýt
Mới đây, chính quyền TP. Surabaya, nằm ở phía Đông đảo Java, miền Bắc Inđônêxia, nơi có 2,9 triệu người dân sinh sống đã triển khai Chương trình đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt, đây là một giải pháp hữu hiệu, vừa giảm lượng rác thải, vừa giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Theo Chương trình, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung bình hoặc 10 chiếc cốc nhựa sẽ đổi được 1 vé xe buýt với hành trình kéo dài 1 giờ và không hạn chế điểm dừng. Điều kiện đổi là những chai lọ hay cốc không bị vỡ vụn và phải được làm sạch trước khi đem đổi vé. Chương trình đã mang lại hiệu quả, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của người dân Surabaya, hiện trung bình mỗi tuần có 16.000 người đến đổi rác nhựa lấy vé xe buýt. Giới chức TP. Surabaya cũng bổ sung thêm 20 chiếc xe buýt mới, trên mỗi xe trang bị các thùng rác tái chế để thu gom rác thải của hành khách. Ước tính, trong một tháng, gần 6 tấn rác nhựa được thu gom và chuyển trực tiếp đến các nhà máy tái chế để xử lý.
Thủ đô Jakarta đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng
Là một trong những nơi có tình trạng giao thông kém nhất thế giới, mỗi năm Thủ đô Jakarta của Inđônêxia phải hứng chịu thiệt hại do tắc nghẽn giao thông lên đến gần 4,7 tỷ USD. Để giải quyết thực trạng trên, chính quyền Thủ đô Jakarta sẽ chi gần 500 triệu USD để hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông công cộng vào năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Jakarta đặt mục tiêu sẽ có 10.000 xe buýt thay vì gần 4.000 xe (tính đến hết tháng 8/2019). Bên cạnh đó, kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tập trung vào tăng ngân sách cho giao thông công cộng, trong đó đáng chú ý là sự phân bổ cho hệ thống tàu điện ngầm (MRT), hệ thống đường sắt đô thị trên cao và hệ thống xe buýt nội đô, nhằm khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Hệ thống MRT tại TP. Jakarta
Trước đó, chính quyền TP. Jakarta đã đưa vào hoạt động Dự án MRT do nhà thầu Nhật Bản thi công từ năm 2013, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD. Giai đoạn đầu là đoạn đường dài 16 km chạy dọc theo tuyến giao thông huyết mạch từ phía Nam đến trung tâm Jakarta, gồm 13 nhà ga và 1 điểm trung chuyển. Các chuyến tàu có thể chở hơn 100.000 hành khách/ngày, giờ cao điểm cứ 5 phút có 1 chuyến đón khách, qua đó giảm đáng kể lưu lượng người tham gia giao thông bằng các phương tiện khác, khắc phục tình trạng tắc đường vào các khung giờ cao điểm. Ngoài ra, MRT ưu việt vì nó an toàn và thân thiện với môi trường hơn so với hệ thống xe buýt cũ. Theo đánh giá của giới chức Jakarta, hệ thống MRT sẽ giúp TP trở nên hiện đại hơn, đáp ứng những tiêu chí của một TP thông minh trong khu vực ASEAN.
Trường Xanh ở đảo Bali được làm bằng các vật liệu thân thiện môi trường
Trường Xanh gồm có 75 phòng học, tất cả đều sử dụng năng lượng mặt trời và dầu diesel sinh học; bếp ăn sử dụng mùn cưa hoặc rơm, đồ ăn đựng trong khay bằng lá chuối; các tòa nhà trong trường được xây dựng chủ yếu từ tre, nứa; tường được trát bùn theo kiểu truyền thống và mái lợp bằng một loại cỏ được trồng ở địa phương. Điểm nhấn trong khuôn viên là tòa nhà lớn, có chiều dài 60 m, xây dựng từ 2.500 cọc tre và toàn bộ các vật dụng trong lớp học đều làm từ tre. Đây là công trình kiến trúc mô phỏng hình dáng nhà sàn của nhiều vùng dân tộc thiểu số châu Á, được gọi là “Trái tim của trường học”. Học sinh của Trường Xanh cũng được giảm tải các môn học truyền thống để dành thời gian cho những kỹ năng cần có trong tương lai như vấn đề làm việc nhóm, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường... Các em được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên đa dạng trên đảo Bali; tự trồng và chăm sóc, thu hoạch rau trong vườn trường dùng cho bữa ăn trong ngày.
Ngôi trường đã hoạt động suốt 10 năm qua với tối thiểu lượng rác thải ra môi trường nhờ sự sáng tạo, tái sử dụng hợp lý, đây cũng là đề bài mà nhà trường giao cho các thầy, cô giáo và học sinh. Chuyến xe “Bio Bus” đã đi vào hoạt động, phục vụ đưa đón học sinh đến trường trong suốt 4 năm qua mà không cần dùng đến xăng. Một trong những học sinh của Trường Xanh còn là người phát động Chiến dịch “nói không với túi ni lông” trên đảo Bali, được giới chức địa phương ủng hộ; một nhóm khác vinh dự nhận Giải thưởng danh giá của các nhà nghiên cứu ở Đức nhờ kế hoạch kết hợp năng lượng mặt trời và thủy điện để bơm nước sông vào bể chứa…
Nhờ những thành công đó, mô hình đã nhận được sự hoan nghênh tại các hội nghị khí hậu trên thế giới, giúp Trường Xanh ghi tên mình trở thành một trong những địa chỉ đào tạo học sinh có trình độ về nhiên liệu tái tạo và phát triển bền vững. Vì vậy, không ít phụ huynh từ nhiều quốc gia khác đã quyết định chuyển đến Bali làm việc để con có điều kiện theo học tại ngôi trường này.
Minh Huệ
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)