Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hướng tới một hành tinh không ô nhiễm

08/03/2019

     Chương trình Môi trường Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo “Hướng tới một hành tinh không ô nhiễm”. Báo cáo là lời kêu gọi hành động vì một hành tinh không ô nhiễm; kêu gọi tới các Chính phủ, các cấp quản lý Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân hãy hành động để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, cùng nhau làm sạch hành tinh.

     Trong vài thập kỷ qua, khi mà nền kinh tế thế giới đạt tăng trưởng ấn tượng thì đi cùng với đó là sự bùng nổ ô nhiễm, gây tác động không nhỏ tới sức khỏe con người, hệ sinh thái và cách thức vận hành của hệ thống duy trì sự sống trên Trái đất. Mặc dù ô nhiễm đã được giảm thiểu nhờ việc áp dụng công nghệ và chiến lược quản lý tiên tiến, song hàng năm ước tính vẫn còn tới 19 triệu trẻ tử vong do sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tác động tới môi trường một cách không hợp lý. Nếu vẫn duy trì mẫu hình sản xuất và tiêu dùng như hiện nay - nền kinh tế theo kiểu “khai thác - sử dụng - thải bỏ” sẽ tạo áp lực nghiêm trọng lên hành tinh đã quá ô nhiễm, điều này sẽ ảnh hưởng tới thế hiện tại và thế hệ mai sau.

     Ô nhiễm không phải là một hiện tượng mới, mà hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng ngừa được. Sự nhận thức tốt, các kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ hợp lý cùng với những giải pháp công nghệ tiên tiến cho phép các quốc gia, các thành phố, các doanh nghiệp đạt được thành tựu trong cuộc chiến chống lại những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Điều đáng khích lệ là hiện nay đã có nhiều chính phủ, ngành công nghiệp và cá nhân công dân đang chuyển hướng sang cách thức quản lý nguyên liệu theo hướng bền vững, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, giảm thiểu chất gây hại đến môi trường, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn như là sự chuyển đổi toàn diện hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.

 

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường biển đã tới mức báo động

 

     Thương mại có thể tạo ra áp lực lớn cho môi trường ở các nước khai thác và sử dụng quá nhiều tài nguyên. Nhưng thương mại cũng có thể đưa ra các giải pháp dưới dạng thức yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, năng lực để chiến đấu với ô nhiễm rất khác nhau ở mỗi khu vực, mỗi nhóm xã hội và giữa các giới. Ô nhiễm có thể gây ra những tác động tiêu cực và những gánh nặng không giống nhau giữa nam giới và phụ nữ, đặc biệt là với những nhóm nghèo và dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và những người tàn tật, ảnh hưởng tới quyền của họ trong khả năng tiếp cận tới sự phát triển, sức khỏe, nước sạch, thức ăn, nhà cửa và việc bảo đảm tính mạng của mình. Ngoài ra, có rất nhiều các khu chôn lấp độc hại được đặt tại các khu vực nghèo khó gây nên sự bất bình đẳng về môi trường. Ô nhiễm gây ra những thiệt hại đáng kể về kinh tế xét trên phương diện những tổn thất về sức khỏe, suy giảm năng lực sản xuất, chi phí khám chữa bệnh và tổn hại hệ sinh thái. Những chi phí này là rất lớn và đang có xu hướng gia tăng theo thời gian, không chỉ bởi những tác động trực tiếp từ ô nhiễm tới sức khỏe, mà còn bởi tác động do sinh kế bị suy giảm, cũng như những tác động lâu dài tới dịch vụ hệ sinh thái và ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội và nền kinh tế. Ô nhiễm gây ra những đe dọa trực tiếp tới việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền con người và bình đẳng giới, nghĩa vụ nhân quyền quốc tế liên quan đến sức khỏe, cuộc sống, thực phẩm, bảo đảm một môi trường lành mạnh và bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai, và đạt được cam kết của Chương trình nghị sự 2030 “không ai bị bỏ lại phía sau”.

 

     Không khí: 6,5 triệu người chết hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có 4,3 triệu do ô nhiễm không khí từ hộ gia đình; Nhiễm trùng đường hô hấp: Hàng năm, nhân loại bị giảm thọ hoặc sống trong tàn tật tới 52 triệu năm do những vấn đề về ô nhiễm trong nhà hoặc ô nhiễm không khí xung quanh, bao gồm cả việc hít khói thuốc thụ động; Bệnh phổi mãn tính gây giảm thọ 32 triệu năm hoặc sống trong tàn tật do ô nhiễm không khí trong nhà và môi trường lao động; Ô nhiễm tầng ô zôn mặt đất ước tính gây suy giảm sản lượng mùa màng tới 26% vào năm 2030.

     Ô nhiễm biển và đại dương: 3,5 tỷ người sống phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ biển nhưng biển đang được sử dụng như một bãi đổ thải lớn bao gồm cả chất thải rắn và nước thải; Có tới gần 500 điểm chết - khu vực có quá ít ô xy cần cho sự sống của các sinh vật biển, trong đó có cả những loài có giá trị kinh tế; 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa được đổ vào đại dương hàng năm do việc quản lý chất thải yếu kém.

     Ô nhiễm nước ngọt: 58% các bệnh tiêu hóa do thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng trẻ sơ sinh bị chết non; 57 triệu năm bị giảm thọ hoặc sống trong tàn tật do sử dụng nước có chất lượng kém, không vệ sinh và các hoạt động nông nghiệp; 80% nước thải không qua xử lý được đổ thải ra môi trường

     Hóa chất: Trên 100.000 người chết hàng năm do tiếp xúc với amiăng; Chì trong sơn đang ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em; Trẻ em bị nhiễm độc do thủy ngân và chì gây ra những vấn đề về thần kinh và hệ tiêu hóa, tổn thương thận; Nhiều tác động của hóa chất như gây rối loại nội tiết và chất độc thần kinh, tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu lên sức khỏe con người, đa dạng sinh học và hệ sinh thái vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

     Ô nhiễm đất: Các bãi thải lộ thiên và việc đốt chất thải rắn tác động tới cuộc sống, sức khỏe, sinh kế và tác động tới kết cấu và độ dinh dưỡng của đất; Việc sử dụng quá mức và không hợp lý các loại thuốc trừ sâu đang tác động tới sức khỏe của tất cả nhóm người từ nam giới, phụ nữ và trẻ em; Hóa chất tồn lưu đang đe dọa tới sức khỏe con người và môi trường.

     Chất thải: 50 bãi thải lớn nhất có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của 64 triệu người về sức khỏe, mạng sống và tài sản nếu xảy ra sự cố; 2 tỷ người không tiếp cận được tới các cách quản lý chất thải rắn và 3 tỷ người không tiếp cận được tới các cơ sở xử lý rác thải được kiểm soát.

 

     Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã có những hành động đối phó với các vấn đề ô nhiễm hiện hữu, tuy nhiên, những hành động này vẫn còn hạn chế cả phạm vi và mức độ thực hiện. Những thỏa thuận về môi trường ở cấp khu vực và quốc tế đã đưa ra các khung hành động cơ bản, tuy nhiên vẫn còn đó những lỗ hổng như một số thỏa thuận được thiết kế trên cơ sở xác lập mục tiêu và theo thời gian, trong khi các thỏa thuận khác lại đưa ra những vấn đề về hành động tuân thủ, giám sát và báo cáo. Rất nhiều nước đã luật hóa, ban hành những chính sách và khung pháp lý quốc gia để thực hiện các thỏa thuận, cũng như để giải quyết những vấn đề ô nhiễm, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một thỏa thuận bắt buộc về pháp lý để giải quyết có hệ thống vấn đề ô nhiễm. Những sáng kiến tự nguyện và liên minh toàn cầu - theo các chủ đề như cải thiện hiệu quả năng lượng, không khí sạch hơn - đã giải quyết một số những vấn đề cấp bách, nhưng vẫn còn đó rất nhiều việc cần phải làm để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm.

     Các thỏa thuận quốc tế về môi trường hiện nay và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đưa ra những cơ hội quan trọng nhằm tăng tốc những hành động để chống lại ô nhiễm và nâng cao sự thịnh vượng của loài người và cải thiện hệ sinh thái. Khung thỏa thuận quốc tế về các mục tiêu phát triển bền vững khuyến khích sự hiệp lực giữa việc đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi với các mục tiêu có liên quan nhằm “giảm bền vững số người chết và bị bệnh tật do hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, đất và nước”, và các mục tiêu khác như về biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, phú dưỡng hay ô nhiễm vụn nhựa ở đại đương.

     “Hướng tới một hành tinh không ô nhiễm” khuyến khích sự hiệp lực của hành động với toàn bộ hệ thống theo cách tiếp cận lập chính sách đa lợi ích xây dựng trực tiếp trên các mục tiêu môi trường đã được thống nhất toàn cầu, bao gồm cả những mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm thảm họa, thiên tai và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, với các mục tiêu giảm ô nhiễm. Việc chuyển đổi sang một thế giới không còn ô nhiễm có thể tạo động lực để cải thiện và bảo đảm công bằng xã hội thông qua phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm mới, cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế và bảo vệ quyền của thế hệ hiện tại và tương lai. Một hành tinh không còn ô nhiễm là sự bảo đảm tốt nhất cho sự sống, sự thịnh vượng của con người và hệ sinh thái ngay trong hiện tại và cả tương lai.

     Để đạt được mục tiêu này, bản báo cáo đã đưa ra 5 thông điệp chính mang tính bao quát gồm: Phòng ngừa ô nhiễm là ưu tiên hàng đầu, trong đó khuyến khích các nhà hoạch định chính sách lồng ghép giải pháp phòng ngừa trong quá trình xây dựng hoạch định chính sách ở cấp địa phương và quốc gia; Quản trị môi trường cần được đẩy mạnh ở các cấp với mục tiêu làm giảm các chất gây ô nhiễm, thông qua đánh giá rủi ro và tăng cường thực thi các quy định về môi trường; Sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua đẩy mạnh việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và thay đổi lối sống, ưu tiên các biện pháp quản lý và giảm thiểu rác thải; Đầu tư vào tiêu dùng và sản xuất sạch hơn giúp giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường đầu tư tài chính cho việc quan trắc, giám sát, xây dựng hạ tầng, quản lý và kiểm soát ô nhiễm; Đẩy mạnh sự hợp tác và tham gia của các bên có liên quan trong việc đổi mới, chia sẻ kiến thức và nghiên cứu toàn diện để phát triển các giải pháp công nghệ dựa trên đặc tính hệ sinh thái.

     Báo cáo đưa ra khung hành động về kiểm soát ô nhiễm với trọng tâm là hành động kép mà các quốc gia thành viên và các bên liên quan với mong muốn hạn chế ô nhiễm trên toàn thế giới. Khung hành động bao gồm: Các biện pháp can thiệp dựa trên những đánh giá rủi ro và các bằng chứng khoa học về sự tác động, nhằm vào các chất gây ô nhiễm cũng như các thành phần bị ô nhiễm (không khí, nước, biển, đại dượng, đất), bao gồm cả những nhóm có tính chất đan xen (hóa chất, chất thải); Sự chuyển đổi trên toàn hệ thống theo phương thức chuyển đổi nền kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên và công bằng hơn, sản xuất, tiêu dùng bền vững và tuần hoàn, cải thiện sự phục hồi của hệ sinh thái để hỗ trợ cho việc phát triển sạch và bền vững hơn.

     Hành động kép này được hướng dẫn bởi 2 yếu tố khác của khung hành động gồm: 5 nguyên tắc đưa ra tại Tuyên bố Rio và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (thống nhất, bền vững, tích hợp, ngăn ngừa và toàn diện). Các hành động hỗ trợ rộng hơn nhằm mục tiêu thay đổi các ưu đãi, sửa đổi các chính sách…

     Với những ví dụ và chỉ dẫn cụ thể, báo cáo sẽ là cuốn cẩm nang định hướng hành động cho các quốc gia trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm, hướng tới một hành tinh không ô nhiễm, bảo đảm cho sự thịnh vượng của loài người thế hệ hiện tại và trong tương lai.

 

Lê Minh Ánh

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

Ý kiến của bạn