Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hành trình đến với nền kinh tế xanh của Mông Cổ

16/01/2015

     Những năm gần đây, nền kinh tế Mông Cổ khởi sắc mạnh mẽ nhờ phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản và du lịch, tốc độ trung bình tăng trưởng kinh tế đạt 9%/năm. Tuy nhiên, kinh tế phát triển nhanh đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho đất nước về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, khan hiếm nước và BĐKH. Trước tình hình đó, Chính phủ Mông Cổ cam kết phát triển một nền kinh tế xanh (KTX), đưa cam kết này trở thành một trong những trụ cột của phát triển bền vững.

     Ngay từ năm 2010, Chính phủ Mông Cổ đã bắt đầu quan tâm đến tăng TTX và có biện pháp hài hòa các quy định phát triển kinh tế - xã hội với BVMT và phát triển bền vững. Quốc hội Mông Cổ đã thông qua Chiến lược an ninh quốc gia, theo đó phải đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, bảo tồn tài nguyên nước, giảm thiểu tác động của BĐKH và suy thoái đất, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống thảm họa thiên tai. Sau Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) vào năm 2012, Chính phủ Mông Cổ đã lồng ghép vấn đề phát triển KTX vào các chính sách quốc gia. Mông Cổ ưu tiên chuyển đổi nền KTX trong lĩnh vực khai thác mỏ và thúc đẩy nhận thức về môi trường trong giới trẻ. Không chỉ đưa ra các quy định mới về BVMT đối với các mỏ thông qua Luật Giảm thiểu ô nhiễm không khí và sửa đổi 15 tiêu chuẩn môi trường, đồng thời Mông Cổ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, giảm thiểu ô nhiễm không khí.

 

Trang trại gió đầu tiên của Mông Cổ tại tỉnh Umnugobi

 

     Năm 2013, Mông Cổ là nước đầu tiên tham gia Chương trình Quan hệ đối tác Hành động vì KTX (PAGE) của Liên hợp quốc, với mục đích xây dựng Chiến lược Phát triển nền KTX nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy công nghệ sạch và giảm thiểu các rủi ro môi trường. Để thực hiện Chiến lược Phát triển nền KTX, Chính phủ Mông Cổ đã đề ra các trọng tâm sau: Khai thác mỏ bền vững, phát triển năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Cụ thể, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng năng lượng đạt mức 20 - 30% vào năm 2020 và 2030, giảm lượng khí thải nhà kính 12% vào năm 2035; Đổi mới năng lượng và công nghệ, giảm tiêu thụ lãng phí và thiệt hại thông qua tối ưu hóa các chính sách tài chính; Giảm tổn thất nhiệt trong ngành xây dựng khoảng 20 - 40% vào năm 2020 và 2030 thông qua việc áp dụng các giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng và công nghệ tiên tiến, các tiêu chuẩn bao gồm hệ thống đánh giá công trình xanh, kiểm toán năng lượng và giới thiệu các biện pháp khuyến khích thúc đẩy các sáng kiến này; Đẩy mạnh phát triển công nghệ cao hướng tới xuất khẩu nông nghiệp bền vững; Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và cân bằng hệ sinh thái thông qua bảo vệ ít nhất 60% nguồn nước; Xây dựng hệ thống thuế xanh hạn chế việc sản xuất và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có hại cho môi trường; Tạo ra các ưu đãi như thanh toán các dịch vụ sinh thái cho những người chăn nuôi có sáng kiến ngăn ngừa suy thoái bằng cách quản lý đồng cỏ phù hợp, chăn thả gia súc tại vùng sâu, vùng xa, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn và sông, suối, ao hồ; Triển khai các mô hình phát triển xanh và xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với kinh tế - xã hội; Hỗ trợ phát triển môi trường làm việc xanh, góp phần tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết để đảm bảo phát triển xanh và tích cực huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và những nỗ lực tái thiết khác nhằm phát triển kinh tế bền vững.

     Với các mục tiêu đã đề ra, Mông Cổ đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện cam kết phát triển KTX như: Xây dựng kế hoạch tạo ra một thành phố vệ tinh gần thủ đô Ulanbato nhằm hạn chế đốt than, chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng và áp đặt thuế ô nhiễm không khí ở một số vùng nội đô. Đặc biệt, tìm kiếm các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng sạch như thực hiện Dự án xây dựng trang trại gió tại tỉnh Umnugobi với công suất dự kiến 50 MW để cung ứng cho 5% nhu cầu điện năng đất nước, giảm ô nhiễm không khí do các nhà máy điện đốt than. Dự án được xây dựng trong 5 năm. Khi các trang trại gió đi vào hoạt động, ước tính sẽ sản xuất được 140 - 160 triệu kWh mỗi năm, đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. So với một nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, trang trại gió sẽ giúp giảm thiểu được 230 tấn khí CO2, tiết kiệm được 180.000 tấn than… mỗi năm.

     Ngoài ra, Chính phủ Mông Cổ đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm giảm thiểu tác hại đối với môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Từ năm 2009, Mông Cổ đã bắt đầu thực hiện Chương trình Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ người nông dân về cơ chế tài chính, tập huấn các phương pháp canh tác để sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững, loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

 

Phương Tâm (Theo tài liệu của UNDP)

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn