27/06/2019
Ngày 16/6/2019, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương - một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường thế giới hiện nay.
Thỏa thuận trên được công bố sau hai ngày họp các Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G20 tại thị trấn Karuizawa, tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, các nước thành viên G20 sẽ tự giác triển khai những biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương và thông báo những tiến bộ đạt được theo định kỳ. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh, từ nhiều năm nay, rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng môi trường sinh sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển... Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây độc hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải. Theo LHQ, khoảng 300 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó tám triệu tấn trôi ra các đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đại dương và đất liền.
Cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại và Môi trường G20 tại Nhật Bản (Ảnh: SANKEI NEWS)
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một gói các chính sách nhằm giảm rác thải nhựa trên biển như một phần trong nỗ lực nhằm nâng tầm quan trọng của vấn đề này tại Hội nghị cấp cao G20, dự kiến diễn ra từ ngày 28 - 30/6 tới tại Osaka (Nhật Bản). Phát biểu ý kiến trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao G20 sắp tới và với cương vị là Chủ tịch Hội nghị lần này, Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc giải quyết tình trạng trên.
Gói chính sách được Chính phủ Nhật Bản đưa ra hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng rác nhựa thải ra đại dương, thúc đẩy tái chế chai nhựa tại Nhật Bản và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường biển do hạt nhựa siêu nhỏ. Trong gói chính sách này, Nhật Bản đưa ra một kế hoạch hành động, kêu gọi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật đối với các nước đang phát triển tại Đông - Nam Á và một số khu vực khác, đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu dễ tiêu hủy trong môi trường tự nhiên.
Nhật Bản cũng đưa ra một chiến lược nhằm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa của đất nước. Theo đó, Tokyo đặt mục tiêu, đến năm 2030, giảm 25% rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% loại rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện và phụ tùng ô tô. Chiến lược cũng yêu cầu các nhà bán lẻ tính phí túi ni lông và kêu gọi khách hàng sử dụng túi được làm từ vật liệu dễ phân hủy.
Phương Tâm