14/11/2013
Nền kinh tế Mông Cổ đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên mặt trái của sự phát triển đó là sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Sự gia tăng phương tiện giao thông vận tải và việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá đã làm cho thủ đô Ulan Bator trở thành một trong những thành phố ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Theo ông Sanjaasuren Oyun - Bộ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển xanh, Mông Cổ đang phải trả giá đắt cho sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế.
Hiện Chính phủ Mông Cổ đang xem xét lại các chính sách phát triển trước đây và vừa thông qua chiến lược phát triển xanh mới, trong đó tập trung vào năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên bền vững và du lịch sinh thái. Ông Achim Steiner - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kiêm Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, giống như nhiều nước đang phát triển khác, Mông Cổ đang phải lựa chọn giữa sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc nhưng môi trường bị ô nhiễm với con đường phát triển bền vững (PTBV) cả về môi trường và kinh tế. Mông Cổ đã quyết định hướng đến PTBV thông qua việc thực hiện Kinh tế xanh (KTX). Nếu Mông Cổ thành công thì đây sẽ là mô hình để các nước đang phát triển khác noi theo.
Trong thời gian qua, BVMT là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Mông Cổ. Chính phủ Mông Cổ đã thể hiện quyết tâm BVMT, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể như việc thành lập Hội đồng quốc gia về PTBV; Triển khai một loạt các văn kiện chính sách bao gồm Chương trình hành động của Mông Cổ hướng tới thế kỷ 21, Chiến lược phát triển quốc gia toàn diện trên cơ sở các mục tiêu thiên niên kỷ, với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự. Thông qua Chiến lược và khuôn khổ bắt buộc, Mông Cổ đã chủ động theo đuổi chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu PTBV, trong đó ưu tiên chuyển đổi sang nền KTX trong một số lĩnh vực có thế mạnh như khai thác mỏ, du lịch sinh thái... đồng thời, thúc đẩy nhận thức về môi trường trong giới trẻ.
Những chú ngựa Przewalski đang thong dong gặm cỏ tại VQG Hustai
Bên cạnh đó, Mông Cổ còn đưa ra những chính sách như ban hành Luật giảm ô nhiễm không khí; Thuế ô nhiễm không khí; Xây dựng kế hoạch thành phố vệ tinh gần thủ đô Ulan Bator nhằm hạn chế đốt than, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiểu biết của thanh niên về BVMT. Đặt quan hệ đối tác với UNEP về thực hiện nền KTX toàn cầu, Mông Cổ đã chứng tỏ với thế giới quyết tâm và nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, với những chính sách phù hợp và kết hợp với hành động của toàn dân. Trong các dự án BVMT, xanh hóa nền kinh tế, Chính phủ Mông Cổ xem du lịch sinh thái là giải pháp quan trọng. Chính vì thế, các thảo nguyên xanh trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Mông Cổ phải gánh chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng thêm 2,1º C, thời tiết khô hạn, lượng mưa giảm và gió mạnh làm cho tầng đất mặt bị xói mòn… làm chết nhiều gia súc và gây thiệt hại cho người dân. Trước tình hình đó, dịch vụ du lịch là nguồn thu nhập mới của cộng đồng dân du mục. Ông Tserendeleg Dashpurev cho biết, dân du mục trước đây thường sống nhờ vào nghề chăn nuôi, nhưng hiện nay, họ có thể sống nhờ vào du lịch, du khách có thể đến thăm quan lều của họ, thuê ngựa để chụp ảnh, cưỡi ngựa và trải nghiệm cuộc sống trên thảo nguyên xanh bao la.
Cách thủ đô Ulan Bato náo nhiệt không xa có một thiên đường yên tĩnh, nên thơ, với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mặc say đắm lòng người, đó là Vườn quốc gia (VQG) Hustai. Hustai được bao bọc bởi những dãy núi nhấp nhô, hòa quyện với màu xanh trong của đất trời và những đồng cỏ trải dài đến bất tận, đóng vai trò trung tâm trong hành trình chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới sang KTX. VQG được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái đẹp nhất đất nước Nội Mông, mỗi năm thu hút hơn 9.000 du khách. Theo ông Tserendeleg Dashpurev, Phó Giám đốc VQG, đến với Hustai, du khách có thể qua đêm trong những túp lều du mục được lắp đặt các bộ phát điện bằng năng lượng mặt trời và gió để thắp sáng và chạy các thiết bị điện tử. Không chỉ ở Hustai mà cả những nơi khác trên đất nước Mông Cổ, việc sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt rất phổ biến. Ông Tserendeleg Dashpurev chia sẻ, lý do chính VQG Hustai thu hút đông khách du lịch là do Hustai có những chú ngựa Przewalski (một loài đặc hữu quý hiếm ở thảo nguyên Trung Á). Một con ngựa Przewalski trưởng thành nặng từ 250 - 300kg, cao khoảng 1m30, long màu nâu và có chiếc cổ ngắn đặc trưng. Trước những năm 1960, loài ngựa này từng có số lượng khá lớn nhưng sau đó, do nạn săn bắn trộm chúng đã gần như tuyệt chủng, nên Tổ Chức Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế (IUCN) đã đưa ngựa Przewalski vào Danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Năm 1992, các cá thể ngựa Przewalski ít ỏi còn lại của Mông Cổ đã được đưa sang Hà Lan để gây giống. Sau một thời gian, các nhà khoa học đã nhân giống thành công và đưa về Mông Cổ. Đến nay, đã có 280 con ngựa được nuôi nhốt trong môi trường tự nhiên của VQG Hustai và con số này dự kiến sẽ lên đến 500 con trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Tserendeleg Dashpurev cũng cho biết, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá và thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng nền KTX và phát triển du lịch sinh thái là điều kiện quan trọng để thích nghi với sự thay đổi của một nền kinh tế mới. Hình thức du lịch sinh thái như ở Mông Cổ không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn có ý nghĩa về kinh tế và xã hội, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa Nội Mông.
Trần Hương (Theo tài liệu của UNEP)
Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013