12/06/2020
Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững (PTBV) đến năm 2030 đã tạo ra một kế hoạch hành động giải quyết ba phương diện của PTBV: Kinh tế, xã hội và môi trường - thông qua 17 mục tiêu PTBV là những lĩnh vực hành động đan xen lẫn nhau ở nhiều cấp độ và tôn trọng ba nguyên tắc cơ bản là nhân quyền, bình đẳng và tính bền vững. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp hiệu quả vào sự PTBV trên từng phương diện, cũng như với đòi hỏi về hòa bình và an ninh như những điều kiện tiên quyết cho PTBV.
Ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường của PTBV, cùng với vấn đề hòa bình và an ninh có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời. Việc đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải có sự tiếp cận toàn diện về chính sách, trong đó có sự chủ động phối kết hợp ở tất cả các lĩnh vực. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp một cách hiệu quả vào PTBV theo từng vấn đề, và các biện pháp bảo vệ là cần thiết nếu các cộng đồng hình dung ra tương lai cho tất cả mọi người. Trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập đến phương diện mối liên hệ giữa văn hóa phi vật thể với sự bền vững về môi trường.
Sự bền vững về môi trường đòi hỏi phải đảm bảo khí hậu ổn định, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH). Những vấn đề này phụ thuộc vào việc tăng cường chia sẻ hiểu biết và kiến thức khoa học về biến đổi khí hậu (BĐKH), hiểm họa thiên nhiên, không gian môi trường và những giới hạn của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường khả năng thích ứng của các nhóm cư dân dễ bị tổn thương do BĐKH và thiên tai là biện pháp cấp thiết nhằm hạn chế những tổn thất về con người, xã hội và kinh tế.
Từ hàng nghìn năm nay, các tri thức, giá trị và thực hành truyền thống được tích lũy và tái tạo qua nhiều thế hệ như một phần của di sản văn hóa phi vật thể đã dẫn dắt cách thức xã hội loài người tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh. Ngày nay, đóng góp của di sản văn hóa phi vật thể vào môi trường bền vững được ghi nhận ở các lĩnh vực như bảo tồn ĐDSH, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và phòng chống, ứng phó với thảm họa thiên nhiên.
Như những di sản sống, kho tri thức, các giá trị và thực hành di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến môi trường hình thành nên năng lực phát triển và thích ứng với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn khi cần thiết, cho phép cộng đồng ứng phó tốt hơn với thiên tai và những thách thức từ BĐKH.
Di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp bảo vệ ĐDSH. Các cộng đồng bản địa và địa phương nắm vai trò trung tâm trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Tại Kenya, phụ nữ Kikuyu là trung tâm của việc nhân giống và bảo quản hạt giống cây lương thực. Theo truyền thống, những người phụ nữ sẽ gieo trồng nhiều giống đỗ khác nhau trên cùng một cánh đồng và bảo tồn nhiều kho hạt giống khác nhau như một sự đảm bảo phòng khi bệnh dịch và khí hậu khó lường. Ngày nay, những kho giống cây trồng này hình thành nên một kho chứa quý giá về tri thức bách thảo bản địa - tất cả trở nên vô cùng giá trị sau nhiều thập kỷ suy thoái nguồn gen nông nghiệp ở cấp quốc gia do sản xuất đơn mùa vụ. Có thể nói, trong số những người nắm giữ tri thức địa phương, nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và thầy thuốc y học cổ truyền chính là những người bảo vệ sự ĐDSH.
Di sản văn hóa phi vật thể góp phần BVMT bền vững. Trong khi các hoạt động tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người ngày càng gia tăng và không bền vững ở cấp độ toàn cầu, nhiều cộng đồng địa phương có những lối sống và thực hành di sản văn hóa phi vật thể gắn bó chặt chẽ với tự nhiên và tôn trọng môi trường. Cụ thể như những chiếc chiếu dệt tinh xảo ở Samoa được sử dụng như một loại tiền tệ để thực hiện các nghĩa vụ văn hóa hoặc được rước trong các nghi lễ. Theo thời gian, kho tri thức sinh thái truyền thống gắn với nghề dệt được hình thành, trong đó có việc trồng các giống dứa dại, loại cây cung cấp nguyên liệu chính cho nghề dệt. Tri thức này giúp cho người Samoa BVMT của họ, bởi việc nhận biết nguồn gốc thiên nhiên của loại cây này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ. Có nguồn gốc thực vật, các sản phẩm dệt có thể phân hủy một cách tự nhiên, làm cho quá trình từ gieo trồng cho đến thu hoạch, sử dụng và tiêu hủy diễn ra ngắn hơn, không như các sản phẩm nhựa và các sản phẩm gây hại đến môi trường khác đang được sử dụng ồ ạt trên phạm vi toàn cầu.
Tri thức và thực hành địa phương về thiên nhiên có thể đóng góp vào nghiên cứu về môi trường bền vững. Những ngư dân đánh bắt theo phương thức truyền thống nắm giữ thông tin quan trọng giúp giải quyết các thách thức về ĐDSH biển. Ví dụ, những tri thức liên quan đến hệ sinh thái, hành vi, sự di cư, môi trường sống của các loài cá và các phương pháp đánh bắt phù hợp theo mùa. Những tri thức chi tiết, đa dạng và hữu ích này có thể bổ sung cho các nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phục hồi ĐDSH biển. Hợp tác quốc tế giữa các cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu, cũng như việc chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt, có thể góp phần đạt được sự bền vững về môi trường trong các lĩnh vực như bảo tồn rừng, bảo tồn ĐDSH nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Các tri thức và chiến lược ứng phó tạo nền tảng quan trọng cho khả năng ứng phó đối với thiên tai và BĐKH dựa vào cộng đồng. Cộng đồng địa phương, thường xuyên sống trong môi trường dễ bị tổn thương và khắc nghiệt, là một trong những đối tượng đầu tiên chịu tác động của BĐKH và thiên tai. Tri thức và những thực hành của họ liên quan đến thiên nhiên và khí hậu - bao gồm hiểu biết về hệ sinh thái, các kỹ năng và nguyên tắc BVMT và ĐDSH, hệ thống quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, dự báo thời tiết và thiên tai - tạo nên kho tàng phong phú về chiến lược ứng phó với các mối nguy hiểm từ môi trường tự nhiên. Được bồi đắp và liên tục điều chỉnh để thích ứng hoàn cảnh, các tri thức và kỹ năng này là những công cụ trải qua thử thách của thời gian, có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương giảm thiểu rủi ro thảm họa thiên nhiên, tái tạo khi cần thiết và thích ứng với BĐKH.
Tóm lại, xã hội loài người không ngừng phát triển và biến đổi di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các tri thức và thực hành liên quan đến tự nhiên cũng như xã hội, để thích nghi và giải quyết các nhu cầu cơ bản và vấn đề xã hội theo thời gian và không gian. Di sản văn hóa phi vật thể có vị trí, tầm quan trọng và là động lực chính của đa dạng văn hóa và đảm bảo cho sự PTBV.
Những tri thức và thực hành được tích lũy qua thời gian giúp hình thành nên tập quán sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động của BĐKH. Do vậy, di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp bảo vệ ĐDSH và góp phần PTBV. Nhiều nhóm cộng đồng địa phương hình thành lối sống và thực hành di sản văn hóa phi vật thể gắn bó chặt chẽ với tự nhiên và tôn trọng môi trường. |
Nguyễn Thị Hiền
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)