Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Cuộc chiến chống lại rác thải nhựa tại một số quốc gia

02/08/2018

     Do tính tiện lợi của các vật dụng từ nhựa nên lượng rác thải nhựa phát sinh ngày càng nhiều. Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Nhằm khắc phục thực trạng này, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách phù hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu nhựa, đồng thời tái sử dụng loại phế liệu này.

     Côlômbia đánh thuế túi ni lông nhằm bảo vệ vùng biển Caribê

     Côlômbia là một trong những nước giàu nhất thế giới về đa dạng sinh học biển, với 2.900 km bờ biển (gần 1 triệu km2) thuộc vùng biển Caribê và Thái Bình Dương, Côlômbia sở hữu 2.600 loài sinh vật biển, 155 loài san hô đá và 6 trong 7 loài rùa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và hoạt động sinh kế của người dân. Trước tình hình đó, Chính phủ Côlômbia đã đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường nhằm thay thế cho nhựa sử dụng một lần. Kể từ ngày 1/1/2017, Côlômbia đã cấm sử dụng túi ni lông kích thước nhỏ hơn 30x30 cm, đồng thời đưa ra các lựa chọn thay thế có khả năng chịu tải cao hơn, giúp giảm 27% lượng tiêu thụ loại vật liệu này.

 

Côlômbia đánh thuế túi ni lông nhằm bảo vệ vùng biển Caribê

 

     Tháng 7/2017, Chính phủ đã ban hành thuế đối với toàn bộ túi ni lông nhằm khuyến khích người dân chuyển hướng sang loại túi có khả năng tái sử dụng, từ đó, hạn chế rác thải trong lòng đại dương, mà phần lớn là chất thải nhựa - một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường sống của các loài sinh vật biển. Người dân phải trả một xu Mỹ (khoảng 233 đồng) cho mỗi chiếc túi ni lông, hàng năm mức thuế sẽ tăng lên 50%. Khoản tiền thu được sẽ dùng để phục hồi nguồn sinh vật biển bị suy giảm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

     Trong những năm gần đây, các tổ chức môi trường tại Côlômbia cũng góp phần nâng cao nhận thức người dân về việc tiêu dùng có trách nhiệm, đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa và tổ chức các chiến dịch làm sạch bãi biển. Thêm vào đó, Côlômbia đã thể hiện quyết tâm chống lại chất thải nhựa thông qua việc tham gia vào chiến dịch làm sạch biển của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những giải pháp trên chưa đủ để ngăn chặn rác xả ra từ nguồn nước của các đô thị hay các dòng hải lưu tại Côlômbia. Số liệu thống kê của Chính phủ và Quỹ Động vật hoang dã thế giới cho thấy, mức tiêu thụ trung bình hàng năm tại quốc gia này là khoảng 288 túi ni lông/người. Chính phủ muốn giảm rác thải nhựa sử dụng một lần xuống 75% nhằm mang lại những lợi ích cho xã hội, môi trường và kinh tế (tiết kiệm được khoảng 825 triệu đô la từ việc cắt giảm nhựa). Các nhà hoạt động môi trường ở Côlômbia hy vọng, chính sách mới này sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó, góp phần giảm ô nhiễm nhựa trên vùng biển Caribê.

     Chilê cấm sử dụng túi ni lông ở tất cả các thành phố ven biển

     Tháng 10/2017, Chilê đã trở thành quốc gia tiên phong ở khu vực Mỹ Latinh trong nỗ lực BVMT biển khi Tổng thống Michelle Bachelet ký văn bản dự thảo luật nhằm cấm việc cung cấp túi ni lông trong hoạt động kinh doanh thương mại tại 102 TP ven biển của Chilê. Là quốc gia có khoảng 4.300 km bờ biển, Dự luật này là tiền đề để giúp Chilê kiểm soát một cách hiệu quả hơn vấn đề ô nhiễm đại dương, đồng thời, tạo cơ hội để người dân hợp tác nhằm giảm những thiệt hại về môi trường, đóng góp vì một sự thay đổi tích cực. Theo khảo sát, 92% người dân Chilê ủng hộ Chính phủ kiểm soát việc cung cấp túi nhựa trong các hoạt động mua sắm, điều này tạo thuận lợi cho việc thực thi các chính sách chống lại rác thải nhựa trên toàn lãnh thổ.

     Theo số liệu của Bộ Môi trường Chilê, mỗi năm, 8 triệu tấn nhựa nằm lại trong biển và nghiêm trọng hơn, có tới 90% số chim biển chứa nhựa trong ruột. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, thì đến năm 2050, số lượng nhựa trong lòng đại dương sẽ nhiều hơn cả cá. Lệnh cấm được Chính phủ Chilê ban hành nhằm BVMT và đa dạng sinh học đại dương, sẽ có tác động đến ít nhất 230 khu định cư (khu vực trên 5.000 cư dân thì được Chính phủ quy định là 1 khu định cư) tại Chilê.

 

TP. Valparaíso, Chilê nằm bên bờ biển Thái Bình Dương

 

     Trước đó, phát biểu trong phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại TP. New York, Tổng thống Chilê Michele Bachelet đã thông báo rằng, nước này sẽ cấm sử dụng túi nilon ở tất cả các TP ven biển trong vòng 12 tháng tới, nhằm góp phần bảo vệ các đại dương. Đây là quốc gia đầu tiên của châu Mỹ phát động chiến dịch này. Bên cạnh đó, Tổng thống Bachelet cũng nhấn mạnh các cam kết của Chilê đối với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngoài việc giảm thiểu chất thải nhựa, Chilê cũng sẽ tăng cường các giải pháp giảm phát thải CO2 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua việc thay đổi các mô hình sản xuất và đưa ra các chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh.

     Ấn Độ cấm sử dụng nước uống đóng chai trong các cơ quan Chính phủ

     Mặc dù là bang có diện tích nhỏ thứ 2 (7.096 km2) với dân số ít nhất Ấn Độ và nằm trên dãy Himalaya, vị trí gần như cô lập với các bang khác ở Ấn Độ, song Sikkim lại là điểm sáng về môi trường, dẫn đầu một cuộc cách mạng xanh chống lại ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

     Năm 1998, Sikkim đã trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần. Đây cũng là một trong những bang tiên phong chống lại chai nhựa sử dụng một lần. Năm 2016, Sikkim đã đưa ra 2 lệnh cấm: Cấm sử dụng nước uống đóng chai trong các cơ quan Chính phủ và các sự kiện của Chính phủ; Cấm sử dụng đĩa, dao, kéo, thìa, dĩa làm từ nhựa polystyren trong toàn bang nhằm cắt giảm ô nhiễm nhựa độc hại và giảm thiểu rác thải. Theo chính quyền Sikkim, các sản phẩm nhựa dùng một lần đã gây nguy hại nghiêm trọng đến môi trường nông thôn và thành thị, tạo ra một lượng rác thải khổng lồ, gây quá tải tại các bãi chứa.

 

Sikkim (Ấn Độ) nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học dãy Himalaya

 

     Nhờ các quy định nghiêm ngặt và các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền bang, người dân Sikkim đã có những thay đổi tích cực, như chuyển từ đĩa nhựa sang đĩa giấy, thậm chí họ sử dụng lá cây, bã mía và mo cau làm vật dụng đựng thức ăn. Văn phòng Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp thay thế cho nước uống đóng chai như dùng máy lọc nước cỡ lớn tại cửa các phòng họp, hay dùng chai, lọ có thể tái sử dụng để chứa nước uống phục vụ trong các buổi họp.

     Tuy nhiên, với số lượng lớn khách du lịch tới thăm Sikkim, kiểm soát sử dụng nước đóng chai nhựa là một thách thức không nhỏ. Chính phủ đang cân nhắc thi hành lệnh cấm trên toàn bang, đồng nghĩa, khách du lịch phải mang theo nước uống từ máy lọc nước của khách sạn, nhà hàng hoặc từ các điểm uống nước công cộng.

     Giám đốc điều hành Hội Du lịch sinh thái và bảo tồn Sikkim (ECOSS) Rajendra P Gurung cho biết, Sikkim đang thực hiện nhiều đợt thu gom rác thải hàng ngày vào buổi sáng, tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 - 30% chất thải được tái chế. Mặt khác, người dân tại Sikkim đang lựa chọn túi polypropylenen không dệt, có kết cấu giống vải, nhưng thực chất là ni lông. Vì vậy, theo ông Gurung, Chính phủ cần phải tăng cường thực hiện nghiêm túc và thúc đẩy đưa ra các lựa chọn thay thế cho túi ni lông, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, chai nhựa, vỏ bim bim, vỏ mì tôm cũng là những chất thải không phân hủy sinh học, cần có giải pháp để giảm thiểu.

     Hiện, khoảng 66% các cửa hàng ở Sikkim sử dụng túi giấy hoặc báo, 34% còn lại sử dụng túi ni lông, bao gồm cả túi không dệt. Với những thành quả đạt được, Sikkim đang từng bước thoát khỏi thảm họa ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

 

Lưu Trang (Theo UN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

Ý kiến của bạn