10/05/2016
Malaixia là một trong 17 quốc gia có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (2015), Malaixia đứng thứ 5 trong số các quốc gia có nhiều loài bị đe dọa nhất, với 534 loài. Trong những năm gần đây, Malaixia đã mất đi nhiều loài sinh vật hoang dã, điển hình như tê giác Sumatran và rùa luýt đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do số lượng cá thể còn ít để sinh sản và duy trì nòi giống. Ngoài ra, Malaixia cũng mất đi nhiều không gian hoang dã, như hang động Chiku ở bang Kelantan (phía Đông Bắc của Malaixia), nơi lưu trú của loài thằn lằn độc nhất trên thế giới và nhiều thực vật quý hiếm khác, hay thảm cỏ biển tại bang Johor (phía Nam Malaixia) - nơi sinh sống của cá nược và cá ngựa do bị chôn vùi bởi các đảo mới khai phá.
Trước thực trạng trên, Malaixia đã ban hành Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH đến năm 2025 nhằm nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; cải thiện chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm… đồng thời hướng tới quản lý, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hang Chiku tại bang Kelantan, Malaixia |
Mở rộng phạm vi bảo tồn
Ngoài việc tập trung bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống dễ bị tổn thương (như núi đá vôi, rừng trên đất ultrabasic, đất ngập nước, rạn san hô và thảm cỏ biển), các nhà quản lý Malaixia cũng chú trọng việc chia sẻ lợi ích từ ĐDSH, an toàn sinh học và các loài ngoại lai xâm hại. Theo đó, bên cạnh việc lập bản đồ khoanh vùng hệ sinh thái, Malaixia rà soát, khảo sát hiện trạng thực tế, đánh giá khả năng phục hồi và tình trạng dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái quan trọng trước biến đổi khí hậu (dự kiến hoàn thiện vào năm 2018) nhằm tăng diện tích bảo tồn đất liền và vùng nước nội địa lên 20%, vùng biển và ven biển lên 10%, tăng gấp đôi số lượng khu vực bảo tồn cộng đồng đến năm 2020, giảm thiểu và quản lý tác động tiêu cực tiềm ẩn của công nghệ sinh học hiện đại… Mặt khác, bằng việc xác lập các điểm nóng về ĐDSH, xây dựng các trung tâm, mạng lưới ĐDSH và thi hành pháp luật đối với các cơ sở buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã vào năm 2021, Malaixia quyết tâm ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa, giảm thiểu các hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, phấn đấu có thêm 10 khu vực mới đạt tầm quan trọng sinh học quốc tế vào năm 2025.
Theo quy định mới, những người bản xứ, cộng đồng địa phương, nhóm xã hội dân sự và các công ty tư nhân hoạt động tích cực trong việc bảo tồn ĐDSH sẽ được ghi nhận và có hình thức khích lệ phù hợp. Với khẩu hiệu "tài nguyên của chúng ta, trách nhiệm thuộc về chúng ta", Chiến lược tập trung vào sự tham gia của cộng đồng trong việc đạt được các mục tiêu xanh, thông qua việc tăng gấp đôi số lượng các dự án xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Đồng thời, Chiến lược thể hiện việc trao quyền từ Chính phủ liên bang sang chính quyền tiểu bang, tổ chức phi Chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương trong việc chung tay bảo tồn ĐDSH bằng các quy định pháp lý cụ thể.
Ngoài ra, Chiến lược cũng đề xuất xây dựng Luật Tiếp cận và chia sẻ lợi ích ĐDSH, dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2017, nhằm thúc đẩy và bảo vệ kiến thức bản địa, đồng thời giúp người dân hưởng lợi từ hoạt động bảo tồn ĐDSH tại địa phương.
Thảm cỏ biển có vai trò quan trọng đối với sự sống của loài cá nược, rùa và hơn trăm loài tôm cá khác tại Malaixia |
Lồng ghép ĐDSH vào kế hoạch phát triển kinh tế
Lồng ghép ĐDSH vào quá trình phát triển và hoạch định dự án phát triển kinh tế nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, khai thác, phát triển cơ sở hạ tầng… không gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên sinh học. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng Chương trình định giá tài nguyên thiên nhiên, dự kiến hoàn thiện vào năm 2020, làm tiêu chí để cân nhắc mức độ lồng ghép. Cụ thể, việc định giá tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp các nhà quản lý xác định được mối quan hệ của nguồn tài nguyên đó với hệ sinh thái xung quanh, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà không gây tổn hại đến nguồn tài nguyên phụ thuộc. Để Chiến lược phát huy hiệu quả, Chính phủ Malaixia sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm đánh giá đầy đủ và chi tiết ĐDSH vào năm 2018. Bên cạnh đó, việc lồng ghép ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường cũng sẽ được đẩy mạnh.
Chiến lược ưu tiên công tác bảo tồn núi đá vôi vì đây là môi trường sống quan trọng của nhiều loài. Hiện tại, núi đá vôi chiếm 0,4% diện tích đất của cả nước nhưng các loài sống tại đây chiếm tới 14% trên tổng số 8.500 loài thực vật tại bán đảo Malaixia. Tuy nhiên, nhiều loài thực vật quý, hiếm và bị đe dọa chưa được bảo vệ nghiêm ngặt như các loài động vật.
Đẩy mạnh bảo tồn biển và rừng
Chiến lược hướng tới khoanh vùng các khu vực "có giá trị bảo tồn cao" và "khu vực nhạy cảm với các vấn đề môi trường" và đưa vào kế hoạch của nhà nước, địa phương, từ đó, các khu vực này sẽ không bị khai thác hoặc chuyển thành các đồn điền, thị xã hay các khu công nghiệp. Chiến lược cấm trồng rừng, bao gồm cả các đồn điền cao su để lấy gỗ. Trong tương lai, sẽ có hướng dẫn cụ thể và kiểm soát mức độ phát triển các vùng tiếp giáp với các khu vực này. Để giảm thiểu áp lực của hoạt động kinh tế lên vùng ĐDSH, Chiến lược kêu gọi quản lý tốt hơn nền nông nghiệp, ngoài ra, hướng tới quản lý bền vững tất cả các khu rừng, khu vực hạn chế hoặc cấm khai thác thủy sản. Theo đó, đến năm 2025, 50% khu vực nông nghiệp được công nhận là quản lý bền vững, 20% lượng đánh bắt cá được thu hoạch bền vững; các khoản trợ cấp tổn thất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được xác định và hợp lý hóa trước năm 2021.
Chiến lược cũng tăng cường bảo vệ hệ sinh thái biển bởi tài liệu về hiện trạng và các mối đe dọa đến ĐDSH biển chưa đủ thông tin, trong khi đó, các mối đe dọa ở đây nghiêm trọng hơn trên đất liền, nhiều loài sinh vật biển bị suy giảm nghiêm trọng. Để việc bảo tồn được hiệu quả, khu vực môi trường sống cần được bảo vệ và đa dạng về chủng loài. Vì vậy, theo kế hoạch, Malaixia sẽ mở rộng khu vực bảo tồn biển từ 1,4% lên 10% (trên tổng diện tích 453.000 m2).
Theo kế hoạch, có nhiều hành lang ĐDSH được thiết lập để kết nối các khu vực sinh thái, cho phép quần thể trong cùng loài có thể trao đổi gen, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của các loài sinh vật đến vùng có điều kiện sinh thái phù hợp. Cụ thể, Malaixia sẽ khôi phục và bảo vệ hành lang sinh thái quan trọng trên cạn và biển, đồng thời, thiết lập thêm 10 hành lang chính để liên kết các khu rừng bị phân mảnh. Mặt khác, Chiến lược đẩy mạnh duy trì ĐDSH trong khu vực đô thị bằng cách thiết lập các không gian xanh phù hợp dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn ĐDSH thành thị.
Triển khai Chiến lược
Trong Chiến lược, Chính phủ Malaixia kết hợp từng nội dung với trách nhiệm của người thực hiện, mục tiêu rõ ràng (có thể định lượng thông qua các chỉ tiêu) và thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ hơn; đồng thời chỉ ra cơ quan chủ trì tương ứng với từng mục tiêu, phạm vi giám sát và phối hợp. Ngoài ra, Chiến lược đề xuất tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp quốc gia về ĐDSH cho tư nhân và các tổ chức phi Chính phủ, nhằm giúp công chúng có thể chủ động giám sát việc thực thi Chiến lược.
Kế hoạch hành động sẽ là mục tiêu mũi nhọn mà chính quyền bang sẽ tập trung triển khai, vì vậy, họ phải xem xét toàn bộ các ý tưởng bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, 80 - 90% doanh thu của Nhà nước thông qua việc sử dụng đất và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vì vậy, để thực thi Chiến lược, Malaixia phải tìm ra các giải pháp khác để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Nhằm lồng ghép thành công của Chương trình bảo tồn ĐDSH vào các kế hoạch phát triển, cơ quan nhà nước - đặc biệt là các nhà quản lý đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản - phải được đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn.
Huy động nguồn lực
Quỹ Quốc gia về ĐDSH được thành lập vào năm 2014 với số vốn 10 triệu RM (khoảng 2,43 triệu USD) từ Chính phủ liên bang, do huy động nguồn vốn từ các tổ chức trong khu vực, quốc tế và tư nhân. Các đề xuất khác về tài chính từ nguồn thu dịch vụ chi trả hệ sinh thái (cung cấp nước và gỗ), thuế môi sinh (thuế cácbon) và thuế du lịch. Tuy nhiên, Malaixia cũng lo ngại, áp lực về gia tăng thương mại sẽ tác động đến tiến độ thực hiện kế hoạch Tăng trưởng xanh. Chính phủ kêu gọi, tính bền vững của hệ sinh thái là vì lợi ích của tất cả mọi người, vì vậy, mỗi người dân đóng vai trò nhất định trong việc thực thi Chiến lược. “Quyết định hôm nay của chúng ta sẽ tác động sâu sắc đến thế hệ tương lai của chính chúng ta” là phương châm quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Malaixia hướng tới.
Lưu Trang
(Tổng hợp từ nre.gov.my & star2.com)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)