29/03/2018
Năm 2018 tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng 2 tháng vừa qua Anh đã kịp có thêm những hành động thiết thực nhằm chống lại ô nhiễm nhựa. Nhận thức của công chúng thay đổi, đi cùng là lệnh cấm nhập chất thải nhựa từ Trung Quốc đã buộc doanh nghiệp và Chính phủ Anh phải xem xét lại các chiến lược truyền thống để xử lý phế thải từ nhựa.
Mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn cầu, và 10% trong số đó sẽ nằm lại đại dương. Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, ít nhất 8 triệu tấn nhựa đã có mặt trên biển mỗi năm - tương đương một chiếc xe tải rác thải mỗi phút, và nếu không được kiểm soát, nhựa sẽ nhiều hơn cá vào năm 2050.
Tại Anh, mỗi năm có 7,7 tỷ thùng/chai nhựa sử dụng một lần và chưa tới một nửa được tái chế, nghĩa là mỗi ngày có 16 triệu chai nhựa thải ra.
5 hành động thiết thực:
1.Nữ hoàng Elizabeth cấm dùng nhựa một lần
Cung điện Buckingham đã thực hiện một kế hoạch nhằm loại bỏ việc sử dụng các chất dẻo dùng một lần tại các di sản của hoàng gia. Đồng thời, Kế hoạch cũng kêu gọi chấm dứt việc sử dụng ống hút và chai nhựa trong các khu ăn uống công cộng và tư nhân. Ngoài ra, các bao bì, hộp xốp sử dụng trong quán ăn, hay quán cà phê phải có khả năng phân hủy sinh học.
Scotlen là quốc gia tiên phong cấm sử dụng ống hút nhựa
Với số vốn được đầu tư khoảng 369 triệu bảng Anh trong vòng 10 năm, Cung điện Buckingham đang tích cực cắt giảm việc sử dụng nhựa, đồng thời xây dựng môi trường sống xanh thân thiện với môi trường, thông qua việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà và xây dựng hệ thống sưởi/đốt từ chất thải hữu cơ.
2. Nhà hàng không sử dụng ống hút nhựa
Ngày càng có nhiều nhà hàng và quán rượu của Anh tham gia phong trào chấm dứt việc sử dụng ống hút nhựa. Các chuỗi nhà hàng lớn như Costa Coffee, Pizza Express, nhà hàng Wagamama, và Wetherspoons đã đưa ra kế hoạch để loại bỏ việc sử dụng ống hút không phân hủy được vào năm 2018. Một số điểm bán hàng nhỏ cũng đã đi theo xu hướng này, khuyến khích khách hàng bỏ ống hút hoặc sử dụng ống hút có khả năng phân hủy sinh học.
3. Scotlen tuyên bố cấm sử dụng ống hút nhựa toàn quốc
Scotlen đã trở thành quốc gia đầu tiên của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cấm ống hút nhựa toàn quốc. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm các loại nhựa sử dụng một lần.Trước đó, tháng 1/2018, chính quyền Scotlen cũng đưa ra quyết định cấm việc bán và sản xuất tăm bông nhựa trong năm 2018, một trong những chất thải phổ biến nhất được tìm thấy trên bãi biển.
Các siêu thị tại Anh hướng tới không sử dụng bao bì nhựa
Bên cạnh đó, Chính phủ Scotlen cũng sẽ áp dụng các khoản phí đối với các mặt hàng nhựa khác, như túi nhựa. Được biết, sau khi áp dụng mức phí 5p tại Anh, việc sử dụng túi nhựa đã giảm tới 85%.
4. Anh ban hành lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa
Tháng 1/2018, lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa do Chính phủ Anh ban hành đã chính thức có hiệu lực. Các hạt nhựa thu nhỏ vốn được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, xà bông và kem đánh răng, với kích thước nhỏ, chúng có thể lọt qua hệ thống xử lý của các nhà máy, gây ô nhiễm sông ngòi và hồ. Ban đầu, lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong việc sản xuất, sau đó là lệnh cấm bán các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa vào tháng 7/2018.
Mỗi năm có hàng nghìn tấn hạt vi nhựa đổ vào đại dương, do không thể tiêu hoá được nên chúng gây hại cho sinh vật biển và gián tiếp cho con người.
Tiếp theo Anh, tại Mỹ, Canađa, và Ireland, các công ty mỹ phẩm toàn cầu cũng cam kết chấm dứt việc sử dụng các sản phẩm chứa vi nhựa.
5. Siêu thị “không” nhựa
Vào tháng 1/2018, chuỗi siêu thị Iceland tại Anh đã trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên cam kết loại bỏ bao bì nhựa cho tất cả các sản phẩm thương hiệu của chính mình. Công ty phát hành chiến lược 5 năm nhằm giới thiệu sản phẩm thay thế là giỏ bột giấy và túi giấy, những vật liệu có thể dễ dàng được xử lý thông qua các khu tập kết chất thải gia đình hoặc các cơ sở tái chế trong cửa hàng. Trước đó, siêu thị đã tiến hành một cuộc khảo sát, trong đó 80% trong số 5.000 khách hàng được hỏi cho biết, họ sẽ ủng hộ việc chuyển đổi này. Hiện, Công ty đã cấm sử dụng ống hút nhựa và bắt đầu giới thiệu bao bì mới trong vài tháng tới. Nối tiếp xu hướng đó, các siêu thị khác như Tesco và Aldi UK cũng đã công bố các cam kết tương tự, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người mua sắm về trách nhiệm với môi trường.
Lưu Trang (Theo UN Environment)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018