Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Campuchia cải cách hệ thống quản lý môi trường

07/02/2017

   Campuchia đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề môi trường, đó là tài nguyên thiên nhiên suy thoái, cạn kiệt, chất thải rắn ở các đô thị gia tăng, môi trường nước bị ô nhiễm….

 

Rừng đước ngập mặn ở Xiêm Riệp (Campuchia)

   

     Để giải quyết những thách thức đó, Chính phủ Campuchia đã quyết định cải cách toàn bộ hệ thống quản lý môi trường nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn. Đồng thời, hình thành khung pháp lý mới cho công tác BVMT và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Việc cải cách hệ thống quản lý môi trường là ưu tiên cấp bách đối với Campuchia nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

   Thông qua Hợp phần Hỗ trợ chính sách khu vực SWITCH-Asia, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ hỗ trợ về tài chính, hướng dẫn kỹ thuật để Campuchia thực hiện cải cách hệ thống quản lý môi trường.

   Việc cải cách giúp Campuchia bảo tồn các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, nhất là trong bối cảnh Campuchia tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất phi nông nghiệp thành đất nông nghiệp. Khung cải cách bao gồm ba nội dung chính: Hiện đại hóa Bộ Môi trường, thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững (NCSD); xây dựng Luật Môi trường và Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Khung cải cách đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể như hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về môi trường; triển khai hoạt động bảo vệ rừng ngập mặn, giữ gìn môi trường sống cho các loài sinh vật biển, góp phần hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình thành phố bền vững, đô thị hóa xanh; giáo dục, nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý, cộng đồng về sản xuất, tiêu dùng bền vững; huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT, quản lý tài nguyên.

   Theo UNEP, Campuchia sẽ có những thay đổi lớn về chính sách với sự hợp tác của tất cả các bên từ Chính phủ, tổ chức quốc tế, đến cộng đồng địa phương, trong đó lồng ghép mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (mục tiêu phát triển bền vững thứ 12) vào khung pháp lý quốc gia. Chính phủ Campuchia cần tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để nhận được sự trợ giúp tích cực, hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế, quản lý môi trường ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng môi trường (hệ thống xử lý nước thải đô thị, hệ thống xử lý, tái chế chất thải, quan trắc môi trường…), đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, đồng thời, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý TN&MT.

   Trong đó, việc xây dựng Luật Môi trường là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay, nhằm khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên. Luật Môi trường được xây dựng trên cơ sở đảm bảo hài hòa với hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó có quy định cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành; đồng thời bổ sung các nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

   Tháng 11/2016, Dự thảo Luật Môi trường của Campuchia đã được công bố trên cơ sở tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý địa phương và cộng đồng trên cả nước. Dự thảo bao gồm 11 chương (với hơn 450 trang), bao gồm các nội dung: Các quy định chung; Quy hoạch, đánh giá và quan trắc môi trường; Quản lý môi trường và cơ chế phát triển bền vững; Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái; Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo vệ di sản văn hóa; Xử lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm… Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng đề cập đến quyền và trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ đất, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Dự thảo Luật Môi trường cũng dành một chương về giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để thay đổi hành vi theo hướng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gắn trách nhiệm, lợi ích của cộng đồng vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH.

   Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, Luật Môi trường mới sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương cùng hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Dự thảo Luật cũng quy định các ưu đãi, mức độ bồi thường và hình thức xử phạt đối với những vi phạm trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, Dự thảo Luật vẫn còn một số điểm cần phải sửa đổi trước khi được ban hành như chưa quy định về trách nhiệm của cộng đồng đối với các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ ĐDSH… Vì thế, Dự thảo Luật cần tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới để hoàn thiện khung pháp lý về môi trường, góp phần cải thiện cuộc sống người dân và phát triển bền vững đất nước.

                Phương Tâm 
(Theo UNEP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016)

Ý kiến của bạn