29/06/2018
Do mực nước biển dâng cao, bão lũ gây lụt lội trầm trọng, cộng với hiện tượng axit hóa đại dương ven biển, tiểu bang California của Mỹ phải đối mặt với nhiều nguy cơ của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai thác thủy sản và sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, California đã có nhiều cố gắng trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính, xây dựng khả năng phục hồi trước tình trạng BĐKH, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thúc đẩy sử dụng xe ô tô không khí thải
Chính quyền bang California đang phấn đấu đến năm 2030, có 5 triệu xe ô tô điện chạy trên các đường phố. Mục tiêu trên được xác định trong Sắc lệnh hành pháp do Thống đốc Bang Jerry Brown ký ngày 26/1/2018, với thời gian thực hiện 8 năm, nguồn kinh phí 2,5 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất loại xe thân thiện môi trường thông qua các sáng kiến tài chính và chương trình mua xe ưu đãi. Kế hoạch này cũng bao gồm việc lắp đặt 250.000 bốt sạc điện, 200 trạm tiếp nhiên liệu khí hydro vào năm 2025 cùng khoản đầu tư 1,25 tỷ USD vào thị trường các bon từ hoạt động giao thông, vốn chiếm tới 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của California, cũng như 80% chất ô nhiễm gây khói mù.
California nỗ lực giảm khí thải nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế
Theo một tuyên bố của Văn phòng Thống đốc Jerry Brown, để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tiêu chuẩn không khí sạch, California sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường xe ô tô không khí thải. Trước đó, năm 2012, chính quyền California cũng đã đề ra mục tiêu có 1,5 triệu xe "xanh" trên các đường phố. Bang California hiện là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất ở Mỹ, với 14,5 triệu xe các loại trên tổng số 40 triệu dân. Số lượng xe ô tô không thải khí tại bang này đã tăng 1,3% trong 6 năm qua. Hiện doanh số xe thân thiện với môi trường chiếm 5% tổng doanh số xe ô tô các loại. Đây cũng là tiểu bang tiên phong trong cuộc chiến chống BĐKH ở Mỹ với mục tiêu đến năm 2030, cắt giảm lượng khí CO2 xuống 40%. Chính quyền California cũng đang hướng tới đạt tỷ lệ 50% lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo trong vòng 12 năm tới.
Yêu cầu các ngôi nhà xây mới phải lắp đặt pin năng lượng mặt trời
Ngày 9/5/2018, các nhà chức trách California đã chấp thuận một kế hoạch có tính lịch sử, yêu cầu vào năm 2020, những ngôi nhà mới xây dựng phải lắp đặt pin năng lượng mặt trời (NLMT) trên mái nhà để biến ánh sáng mặt trời thành điện năng. Với kế hoạch trên, California trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ bắt buộc việc lắp đặt pin NLMT cho hầu hết các căn nhà biệt lập cũng như những tòa nhà chung cư được thiết kế từ 3 tầng trở lên, kể cả loại nhà condo (loại nhà do cá nhân làm chủ nhưng nằm trong một khu có sự quản trị chung của Hiệp Hội Chủ Nhà) và chung cư phức hợp. Tuy nhiên, khung quy định mới không yêu cầu mỗi căn hộ phải sử dụng 100% nguồn điện từ NLMT, nhưng sẽ đề ra thang điểm đánh giá tín nhiệm để khuyến khích việc tích hợp thêm cả hệ thống pin, nhằm lưu trữ năng lượng thu được trong ngày và sử dụng sau đó (khi trời tối hoặc mùa ít nắng). Ước tính, việc lắp đặt hệ thống pin NLMT tại các mái nhà sẽ giúp California giảm được lượng khí thải tương đương với khí của 115.000 chiếc ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch thải ra môi trường. Đơn vị xây dựng sẽ lựa chọn những tấm pin NLMT phù hợp với từng ngôi nhà hoặc xây dựng các hệ thống điện dùng chung cho nhiều nhà khác nhau.
Lắp đặt hệ thống pin NLMT trên các mái nhà sẽ giúp California giảm được lượng khí thải
tương đương với khí của 115.000 chiếc ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch thải ra môi trường
Theo phân tích của giới chuyên môn, quy định năng lượng mới sẽ khiến chi phí xây dựng trung bình của mỗi ngôi nhà tăng thêm khoảng 25.000 - 35.000 USD, tuy nhiên, việc đầu tư lắp đặt hệ thống NLMT sẽ giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm 19.000 USD trong suốt 30 năm sử dụng nhiên liệu. Ngoài yêu cầu bắt buộc phải lắp pin NLMT, Ủy ban Năng lượng California cũng đang xem xét đề xuất khác, gồm nâng cấp các tiêu chuẩn truyền nhiệt, ánh sáng phi dân cư và thông gió. Những yêu cầu này có thể làm cho chủ nhà phải chi thêm 40 USD cho hóa đơn hàng tháng, nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm được 80 USD/tháng cho chi phí sưởi ấm, làm mát và thắp sáng.
Việc áp dụng quy chuẩn bắt buộc phải trang bị tấm pin NLMT tại California chỉ là bước đi đầu tiên của chính quyền tiểu bang này. Trong tương lai, California tiến tới xây dựng khung pháp lý để tạo ra các ngôi nhà "tự cung, tự cấp" năng lượng. Có nghĩa là, những ngôi nhà ở đây sẽ được thiết kế theo hướng tự sản xuất năng lượng, không phải phụ thuộc vào điện lưới quốc gia. Nhiều bang, TP, tập đoàn lớn ở Mỹ đang tìm cách khắc phục, phòng chống hoặc thích nghi với sự thay đổi của BĐKH và California - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới đang được xem là mẫu hình trong vấn đề này, góp phần giảm khí thải nhà kính, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định việc làm cho người lao động.
Trương Thị Hậu