04/04/2019
ThS. Lưu Thị Hương, ThS. Nguyễn Thị Hồng Lam
Viện Khoa học môi trường
Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là sự thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, vứt bỏ), trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, sau quá trình phục hồi và tái sản xuất, các chất thải được quay trở lại trở thành nguyên liệu cho sản xuất. Trong thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới đã có những cơ chế khuyến khích, thúc đẩy áp dụng nền KTTH và đạt được những kết quả rõ rệt cho môi trường, kinh tế, xã hội.
Tại châu Âu
Nền KTTH thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách bảo vệ doanh nghiệp, ngăn chặn sự khan hiếm tài nguyên, giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và cách thức sản xuất, tiêu thụ hiệu quả, sáng tạo hơn. Do đó, EU đưa rac các hành động ưu tiên đối với nền KTTH.
Ngày 2/12/2015, Ủy ban châu Âu (Ủy ban) đã đưa ra Kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi kinh tế của EU sang nền KTTH. Theo đó, Kế hoạch thực hiện đối với vấn đề thiết kế sản phẩm của Ủy ban bao gồm: Hỗ trợ khả năng sửa chữa và tái chế sản phẩm theo các yêu cầu của Chỉ thị thiết kế xanh của EU (Ecodesign - thiết kế sản phẩm sao cho giảm thiểu mọi tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm); Đề xuất các khoản đóng góp tài chính của nhà sản xuất theo chi phí quản lý vòng đời sản phẩm; Xem xét lựa chọn và hành động cho khung chính sách sản phẩm của EU về nền KTTH. Ủy ban đã đề xuất hệ thống ghi nhãn cải tiến cho mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị gia dụng để giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm hoạt động tốt nhất.
Bên cạnh đó, cải thiện quy trình sản xuất để sử dụng hiệu quả tài nguyên và tạo ra ít chất thải hơn, tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu. Ủy ban hỗ trợ các mô hình kinh doanh, ghi nhãn thông tin sản phẩm. Đồng thời, Ủy ban triển khai phát triển các tiêu chuẩn chất lượng cho nguyên liệu thô thứ cấp (đặc biệt là nhựa) và các quy tắc về “chất thải cuối cùng”; Đề xuất quy định (sửa đổi) về sản xuất, sử dụng phân bón; Thực hiện các hành động tái sử dụng nước; Phát triển hệ thống nguyên liệu thô mới và hỗ trợ nghiên cứu trên toàn EU về nguyên liệu thô. Ủy ban cũng đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên để quan tâm đến vấn đề môi trường như: Nhựa, chất thải thực phẩm, xây dựng, sinh khối và các sản phẩm dựa trên sinh học
Để đánh giá sự tiến bộ của cách tiếp cận về nền KTTH và hiệu quả hành động ở cấp EU, quốc gia, Ủy ban sẽ hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Môi trường châu Âu, tham khảo ý kiến với các quốc gia thành viên nhằm xây dựng chương trình giám sát cho nền KTTH, khung giám sát thiết kế để đo lường tiến độ hiệu quả thực hiện nền KTTH. Cơ quan Môi trường châu Âu, Tổng cục Thị trường nội bộ, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với Ủy ban thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động.
Trung Quốc
Từ những năm 1990, Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong chính sách về nền KTTH. Khái niệm nền KTTH chính thức được chấp nhận trong chiến lược phát triển tại Trung Quốc vào năm 2002 .
Trung Quốc liên tục đưa ra luật mới để cải thiện hiệu quả nền KTTH và triển khai các sáng kiến bền vững. Cứ sau 5 năm, Chính phủ Trung Quốc lại đưa ra một kế hoạch 5 năm mới, với các mục tiêu bền vững và tăng trưởng kinh tế đất nước. Trung Quốc đã thực hiện Kế hoạch hành động và chiến lược phát triển KTTH qua “Kế hoạch 5 năm, lần thứ 11”, “Kế hoạch 5 năm, lần thứ 12” và hiện nay đang thực hiện “Kế hoạch 5 năm, lần thứ 13”.
Cơ sở pháp lý quan trọng trong sự phát triển về nền KTTH của Trung Quốc là Luật Xúc tiến KTTH, với 7 Chương: Quy định chung; Hệ thống hành chính cơ bản; Giảm thiểu; Tái chế và thu hồi tài nguyên; Các biện pháp khuyến khích; Trách nhiệm pháp lý; Các điều khoản bổ sung. Kèm theo trong các văn bản Luật là các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, những quy định thành lập các trung tâm hỗ trợ, đào tạo nhân lực và Quỹ hỗ trợ khuyến khích phát triển KTTH.
Hà Lan
Ngành hàng tiêu dùng được Chính phủ Hà Lan ưu tiên chuyển đổi sang nền KTTH
Để đảm bảo có đủ lương thực, nước và sự thịnh vượng vào năm 2050, Chính phủ Hà Lan đã chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH. Hà Lan đã phát triển chương trình hỗ trợ xây dựng nền KTTH, nhằm đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc cho người dân, cũng như ít gây hại cho môi trường. Theo đó, Hà Lan đã có nhiều biện pháp khuyến khích chuyển đổi sang nền KTTH, bao gồm: Cải cách Pháp luật và các quy định; Ưu đãi thị trường; Ưu đãi tài chính; Tri thức và đổi mới; Hợp tác quốc tế.
Để chuyển đổi sang nền KTTH, Chính phủ Hà Lan đã lựa chọn 5 ngành kinh tế quan trọng của đất nước và có ảnh hưởng lớn đến môi trường để chuyển đổi sang nền KTTH: Khí sinh học và thực phẩm; Nhựa; Công nghiệp sản xuất; Xây dựng; Hàng tiêu dùng.
Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đổi mới, các công cụ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, thiết lập khung chính sách đánh giá để đo lường tiến trình chuyển đổi sang nền KTTH, giám sát các tác động sử dụng tài nguyên, khí nhà kính, xử lý chất thải, việc sử dụng trực tiếp nguyên liệu thô.
Như vậy, việc áp dụng thực hiện nền KTTH là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, là xu thế tất yếu của tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững toàn cầu.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, Việt Nam cần phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo giảm khai thác tài nguyên sơ cấp và thứ cấp. Để đảm bảo các chất thải trở thành nguyên liệu cho sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH là yêu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để áp dụng được nền KTTH, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình định hướng và phát triển nền KTTH như: Xây dựng chính sách pháp luật và kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng KTTH và nâng cao nhận thức, kết nối mọi thành phần xã hội cùng tham gia thực hiện nền KTTH.
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2019)