10/05/2019
Từ những năm 1990, Trung Quốc đã là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm (chiếm 97% thế giới). Nhưng việc khai thác ồ ạt, công nghệ lạc hậu, không quan tâm đến vấn đề môi trường đã khiến Trung Quốc phải “trả giá đắt”. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác mỏ.
Trung Quốc “thâu tóm” thị trường đất hiếm
Đất hiếm và các kim loại đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học thuộc Bảng tuần hoàn Mendeleev. Đất hiếm được sử dụng trong việc chế tạo các thiết bị điện tử như micrô, loa, tai nghe, ổ cứng máy tính, điện thoại di động, cáp quang viễn thông, màn hình LED, công nghệ in tiền, bán dẫn, siêu dẫn…
Đường ống nước thải của một nhà máy luyện đất hiếm xả vào đập chất thải gần làng Xinguang, ở ngoại ô TP. Bao Đầu
Theo số liệu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, trữ lượng đất hiếm khoảng 83 triệu tấn, được xem là nguồn tài nguyên chiến lược của quốc gia này. Năm 2009, Trung Quốc sản xuất 120.000 tấn đất hiếm, chiếm 97% tổng sản lượng thế giới, đồng thời, chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ đất hiếm trên thế giới. 2/3 lượng đất hiếm của Trung Quốc được khai thác, chế biến ở TP. Bao Đầu, thuộc vùng Nội Mông, cạnh sa mạc Gobi. Nhằm chiếm lĩnh vị thế độc quyền loại nguyên liệu quý này, Trung Quốc đã cho các công ty quốc doanh vay vốn ưu đãi để khai thác đất hiếm. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, nhờ nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ, cũng như luật pháp về môi trường lỏng lẻo, các công ty Trung Quốc đã đưa ra thị trường nhiều loại đất hiếm với giá thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, nhiều mỏ đất hiếm ở Ôxtrâylia, châu Phi và Mỹ buộc phải đóng cửa, hoặc bán lại cho nhà đầu tư Trung Quốc, trong số này, có những “ông lớn” từng thống trị thị trường đất hiếm như Western Minerals Group (Canađa), Lynas Corporation (Ôxtrâylia) và Molycorp Minerals (Mỹ).
Hệ lụy từ nạn khai thác đất hiếm ồ ạt
Lợi ích kinh tế từ việc khai thác đất hiếm đã kéo theo những hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân ở khu vực mỏ đất hiếm. Do trong quá trình khai thác, chế biến đất hiếm, các mỏ đã sử dụng nhiều hóa chất và trong quặng đất hiếm còn chứa những nguyên tố phóng xạ, điển hình là thori - chất đồng vị phóng xạ có khả năng gây ung thư phổi, tuyến tụy, cũng như các căn bệnh nan y khác. Nghiên cứu của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho thấy, để tạo ra 1 tấn quặng đất hiếm sẽ phá hủy 200 m² thảm thực vật, tạo ra 2.000 m³ chất thải. Kết quả khảo sát năm 2009 ở TP. Bao Đầu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp khai thác đất hiếm ở TP thải ra khoảng 10 triệu tấn nước thải mỗi năm, làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất ở khu vực gần sông Hoàng Hà, nơi có 150 triệu người dân đang sinh sống. Trên cơ sở những nghiên cứu của một số viện nghiên cứu, cũng như Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận, hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm không quan tâm đến vấn đề môi trường đã gây ra tổn hại nghiêm trọng tới thảm thực vật, làm xói mòn đất, ô nhiễm, a-xít hóa, mất sản lượng cây lương thực.
Sông Hoàng Hà bị ô nhiễm bởi nước thải từ các mỏ khai thác đất hiếm
Vương Tào - một người nông dân sống tại TP. Bao Đầu, gần bãi phế thải đất hiếm cho biết, những hóa chất độc hại từ bãi phế thải mỏ đã rò rỉ xuống đất, sông, suối…, gây ô nhiễm đất, nguồn nước và làm ruộng vườn của gia đình ông trở nên khô cằn, không còn dấu hiệu sự sống. Theo Vương Tào, nhiều người dân trong làng đã bị mắc bệnh ung thư, tiểu đường, loãng xương, tim, rụng răng, bạc tóc… Bệnh tật, mùa vụ thất thu cộng với những lo lắng về ô nhiễm môi trường từ các mỏ đất hiếm đã khiến nhiều hộ gia đình phải bỏ nhà cửa, vườn tược, di tản tới nơi ở mới.
Thắt chặt quản lý môi trường trong ngành công nghiệp đất hiếm
Nhận thấy những hệ lụy từ ô nhiễm môi trường do khai thác đất hiếm, từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách nghiêm ngặt để điều chỉnh hoạt động thương mại và khai thác đất hiếm. Trung Quốc cũng triển khai các biện pháp quản lý không chỉ nhằm vào xuất khẩu đất hiếm, mà thực hiện song song cả 3 mảng: khai thác, sản xuất và xuất khẩu, đồng thời thực hiện quản lý đồng bộ việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu ở trong nước các sản phẩm đất hiếm sơ cấp, kết hợp với thắt chặt các quy định về môi trường. Cụ thể, Trung Quốc đã ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu tất cả các doanh nghiệp muốn khai thác đất hiếm phải có giấy phép của Chính phủ; sản lượng đất hiếm phải tuân theo kế hoạch và được điều chỉnh theo thị trường. Các mỏ khai thác, sản xuất đất hiếm phải đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất, thiết bị, BVMT, các chỉ số kỹ thuật, kinh tế, chỉ số tiêu thụ tài nguyên và năng lượng. Tất cả các doanh nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm hiện nay phải tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất sạch hơn; khuyến khích ứng dụng các sản phẩm đất hiếm trong công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, BVMT, năng lượng; phát triển nền kinh tế tái chế đất hiếm. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành Giấy phép xuất khẩu đất hiếm và hệ thống hạn ngạch, áp dụng Thuế tài nguyên, Thuế xuất khẩu, xây dựng tiêu chuẩn chất thải nghiêm ngặt cho ngành công nghiệp đất hiếm. Việc thực hiện các tiêu chuẩn mới buộc những doanh nghiệp sản xuất đất hiếm phải nâng cấp công nghệ, gia tăng chi phí làm sạch môi trường, đóng cửa các doanh nghiệp khai thác đất hiếm vừa và nhỏ, doanh nghiệp khai thác bất hợp pháp và xử lý hành vi sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Với quyết tâm chấn chỉnh công tác BVMT trong hoạt động khai thác đất hiếm, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra đột xuất các nhà máy khai thác, chế biến đất hiếm. Các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt nặng, hoặc dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy mạnh các biện pháp chống tinh chế lậu; xây dựng Kế hoạch 5 năm của ngành công nghiệp đất hiếm; ban hành kế hoạch hợp nhất các doanh nghiệp dự trữ, cung cấp đất hiếm của Nhà nước và tư nhân vào 6 tập đoàn lớn, qua đó, tiến hành quản lý việc cung ứng đất hiếm. Kế hoạch 5 năm ngành công nghiệp đất hiếm đặt ra mục tiêu giảm thiểu 20% chất thải ô nhiễm do khai thác, chế biến đất hiếm; khuyến khích ứng dụng xanh và tái chế đất hiếm; tăng cường hình phạt khắc nghiệt đối với người gây ô nhiễm và chính quyền địa phương nếu buông lỏng quản lý... Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác đất hiếm vẫn đang là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng tại Trung Quốc, bởi những hệ lụy do hoạt động khai thác, chế biến đất hiêm gây ra quá lớn. Đây là bài học “xương máu” cho các quốc gia đang phát triển về chiến lược khai thác tài nguyên thiếu bền vững, không quan tâm đến công tác BVMT.
Thanh Giang
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)