27/09/2018
Một nghiên cứu mới của trường Đại học Maryland cho thấy, các trang trại gió, mặt trời trên thực tế có thể gây mưa và mang màu xanh trở lại sa mạc Sahara.
Sahara là sa mạc nóng lớn nhất thế giới. Do điều kiện khô hạn và nắng nóng ở nơi đây, nhiều dự án năng lượng đang tìm cách khai thác tiềm năng khổng lồ của ánh nắng mặt trời trên sa mạc này.
Eugenia Kalnay, nhà khoa học khí quyển và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện thấy việc lắp đặt các trang trại gió và mặt trời trên quy mô lớn, có thể gây mưa nhiều hơn và thúc đẩy sự sinh trưởng của thực vật ở sa mạc Sahara. Sự gia tăng lượng mưa là kết quả của các tương tác phức tạp giữa đất và khí quyển do các tấm pin mặt trời và tuabin gió làm cho các bề mặt đất trở nên cứng và tối hơn".
Các nhà khoa học đều đã biết rằng các trang trại gió và mặt trời đã tạo ra những hiệu ứng cục bộ như nhiệt độ và độ ẩm tại các khu vực mà chúng được lắp đặt, nhưng không ai biết những hiệu ứng này sẽ diễn ra như thế nào nếu bạn muốn xây dựng một khu phức hợp năng lượng tái tạo lớn trên sa mạc Sahara.
Sa mạc Sahara mong muốn có một cơ sở như vậy vì nhiều lý do. Sa mạc có nguồn cung cấp năng lượng mặt trời và gió tự nhiên tuyệt vời, dân cư thưa thớt và khung cảnh nơi đây không được sử dụng rộng rãi cho những hoạt động khác để phục vụ con người như nông nghiệp. Thêm vào đó, cùng với khu vực Sahel có khí hậu dễ chịu ở phía nam sa mạc, Sahara nằm gần châu Âu và Trung Đông nơi có nhu cầu năng lượng rất lớn và tất nhiên là ở châu Phi cận Sahara, nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tăng trong tương lai. Nhưng nếu triển khai lắp đặt các tuabin gió và các tấm pin mặt trời trên sa mạc Sahara và khu vực Sahel sẽ không chỉ thu được lợi ích về năng lượng tái tạo - mô hình đầu tiên cho thấy bản thân môi trường sẽ bắt đầu được chuyển đổi khi đưa các tua tin và tấm pin mặt trời vào hoạt động.
Yan Li, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Kết quả mô hình của chúng tôi cho thấy các trang trại gió và mặt trời quy mô lớn ở Sahara sẽ làm tăng gấp đôi lượng mưa ở Sahara và sự gia tăng mạnh nhất diễn ra ở Sahel, nơi lượng mưa tăng từ 200 đến 500 mm mỗi năm. Kết quả là tỷ lệ che phủ của thảm thực vật tăng khoảng 20%".
Những hiệu ứng này bắt nguồn từ hai lý do. Thứ nhất, tuabin gió tăng cường sự hòa trộn của nhiệt trong khí quyển theo chiều dọc, đẩy không khí ấm ở trên cao xuống bề mặt và làm tăng ma sát của bề mặt đất và cuối cùng dẫn đến khả năng gây mưa lớn hơn. Mưa nhiều dẫn đến làm tăng độ che phủ của thảm thực vật, tạo ra một vòng phản hồi tích cực. Thứ hai, các tấm pin mặt trời hấp thụ ánh nắng mặt trời, làm giảm hệ số phản xạ của ánh sáng trên bề mặt, cuối cùng cũng làm tăng lượng mưa.
Với mức năng lượng dư thưa được cung cấp từ hạ tầng này, các nhà nghiên cứu cho rằng bạn có thể giúp hiện thực hóa các dự án môi trường khó triển khai trên quy mô lớn, như khử mặn nước biển và vận chuyển đến các vùng khan hiếm nước ngọt, thúc đẩy sản xuất lương thực và gia tăng đa dạng sinh học.
Quang Ngọc