09/12/2015
Tại Đại học George Washington, thủ đô Washington, D.C, Hoa Kỳ, một nhóm các nhà khoa học đã phát triển công thức sản xuất sợi nano cácbon trực tiếp từ CO2 trong không khí. Những vi sợi cácbon nguyên chất này có thể được dùng để chế tạo các bộ phận của máy bay, thiết bị thể thao và nhiều sản phẩm khác.
Trên thực tế, với đặc tính bền chắc, dẻo dai của chúng, sợi nano cácbon hứa hẹn được ứng dụng rộng rãi hơn so với hiện nay, và thay thế cho các nguyên liệu khác như nhôm, thép và xi măng. Nhưng cho đến nay quy trình sản xuất sợi nano cácbon vẫn còn khá đắt đỏ và tốn năng lượng.
Tháng 8/2015, một phương pháp mới đã được công bố trên Tạp chí Nanoletters, theo đó sợi nano cácbon có thể được sản xuất với giá thành thấp và thân thiện với môi trường: làm nóng một loại hóa chất có tên là carbonates ở nhiệt độ cao (khoảng 750oC), carbonates ở dạng dung dịch sẽ hấp thu CO2 từ không khí. Dòng điện từ hai điện cực trong dung dịch carbonate sẽ chuyển CO2 thành sợi nano cácbon và khí ôxy. Hệ thống còn được bổ sung khả năng lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tạo ra điện và nhiệt phục vụ quá trình xử lí này.
Đến nay, mô hình sản xuất sợi carbon trong phòng thí nghiệm đã thành công. Thách thức hiện tại là làm cách nào có thể đưa mô hình trên lên quy mô sản xuất công nghiệp. Công nghệ xử lí tập trung một khối lượng lớn CO2 vẫn còn gặp nhiều nghi ngại.
Đây không phải cách tiếp cận duy nhất đối với vấn đề CO2. Nhóm nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley cũng phát triển một công thức biến CO2 thành khí carbon mono (CO) và ôxy, từ đó sử dụng CO làm nguyên liệu thô để sản xuất nhiên liệu, dược phẩm và nhựa.
Hồng Nhung