Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Bảo tồn rừng ngập mặn ở Kenya

02/01/2018

   Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với dân bản địa sống dựa vào rừng, như tại vịnh Gazi. Ngoài việc cung cấp gỗ để xây dựng nhà cửa, đóng thuyền, hay làm chất đốt, RNM còn là bể chứa cácbon và là hệ sinh thái ven biển quan trọng đối với ngư dân. Nhận thức được điều đó, hơn 10 năm qua Viện Nghiên cứu Hàng hải và Thủy sản Kenya đã tích cực gắn kết các nhà khoa học với cộng đồng nhằm ngăn chặn sự suy thoái của rừng. Thông qua các buổi tuyên truyền và họp cộng đồng, người dân tại vịnh Gazi đã thành lập tổ chức bảo vệ rừng, mang tên Mikoko Pamoja, với ý nghĩa “chung tay bảo vệ RNM ở Kenya". Hiện, Mikoko Pamojo sở hữu khu du lịch sinh thái riêng, với 450m đường đi bộ giữa 2 hàng cây, hai bên đường là hệ sinh thái phong phú và đa dạng của RNM.

   Năm 2013, Chính phủ Kenya đã phê duyệt Dự án Bù đắp các khoản phát thải cácbon của Mikoko Pamoja. Theo đó, người dân phải trồng 4.000 cây giống (tương đương 0.4 ha) mỗi năm tại các khu vực bị xuống cấp, để bảo tồn rừng hiện có. Đổi lại, Mikoko Pamoja được phép bán 3.000 tấn CO2/năm, trong vòng 20 năm. Trong 2 năm qua, cộng đồng đã thu được 25.000 đô la nhờ vào hoạt động bán “tín chỉ cácbon” cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu giảm lượng khí thải cácbon, thông qua Hiệp hội Dịch vụ hệ sinh thái ven biển Xcốt-len.

   Những thay đổi tích cực đã giúp cho việc trồng rừng và bảo tồn các loài cây ngập mặn được đẩy mạnh. Các khoản thu từ tín chỉ mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân bản địa. Thông qua Dự án, nhiều trạm cấp nước sạch được xây dựng, đường ống nước được dẫn vào tận nhà của người dân. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho các trường học tại địa phương cải thiện đáng kể, sách giáo khoa học sinh được phát miễn phí (khoảng 700 quyển). Không những thế, Dự án còn tạo sức lan tỏa về công tác bảo tồn rừng đến cộng đồng dân cư các vùng lân cận.

   Đây là dự án bảo tồn rừng đầu tiên trên thế giới có liên kết chặt chẽ với thị trường phát thải cácbon toàn cầu. Với vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, thị trường mua bán cácbon phát thải ngày càng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, Dự án bảo tồn RNM tại Kenya không lấy hoạt động thương mại "tín chỉ cácbon" làm nền tảng, mà dựa hoàn toàn vào hoạt động đóng góp tự nguyện tín chỉ cácbon của cộng đồng. Nhờ đó, các "Khoản đền bù cácbon" tạo ra mang lại thu nhập trực tiếp cho cộng đồng, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và trồng rừng.

   Ngoài ra, Dự án cũng liên kết với Đại học Edinburgh Napier tại Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Hàng hải và Thủy sản Kenya triển khai các nghiên cứu nhằm đánh giá đầy đủ giá trị sinh thái của RNM và tìm ra các giải pháp tối ưu giúp phục hồi hệ sinh thái ven biển vịnh Gazi.

Một trạm cấp nước sạch của thị trấn Makongeni, vịnh Gazi, được tài trợ bằng quỹ của Mikoko Pamoja thông qua việc bán tín chỉ cácbon

   Dự án đoạt giải Equator

   Giải thưởng Equator được trao bởi Tổ chức Sáng kiến Equator thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nhằm công nhận những nỗ lực của cộng đồng trong việc xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

   Dự án Mikoko Pamoja là 1 trong 15 dự án đạt giải, vượt qua 806 ứng cử đến từ 120 quốc gia. Giải thưởng đã vinh danh và ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng địa phương, cũng như các bên tham gia vào Dự án, đồng thời, tạo ra sức lan tỏa lên các cộng đồng vùng lân cận. Hiện, Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc đang hỗ trợ nhằm giúp Kenya nhân rộng mô hình tại vịnh Vanga lân cận.

   Các dự án xanh hóa rừng tương tự đến từ Abu Dhabi, Ecuador, Inđônêxia, Madagascar và Mozambique cũng đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn RNM, đồng thời mang lại những giá trị kinh tế thiết thực cho cư dân bản địa.

   RNM bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi bão lụt và sóng thần và là bể chứa cacbon tự nhiên hiệu quả, với khả năng lưu giữ khí CO2 cao gấp 5 lần rừng mưa nhiệt đới. Đây cũng là môi trường sống quan trọng cho cá và động vật hoang dã. Mặc dù, có giá trị sinh thái và kinh tế - xã hội không thể thay thế, RNM đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn 1/5 RNM trên thế giới đã bị mất trong 30 năm qua, và nhiều rừng còn sót lại đang bị suy thoái.

RNM tại vịnh Gazi, Kenya

   Theo Cơ quan Quản lý nguồn lực châu Phi, bảo vệ RNM đòi hòi phải có sự can thiệp kịp thời nhằm duy trì giá trị sinh kế và “giá trị phi thị trường” phù hợp với chính sách và kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường công tác bảo vệ RNM và khai thác rừng một cách hiệu quả. Quản lý bền vững RNM phải được kết hợp với các Kế hoạch hành động và chiến lược REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động phá rừng và suy thoái rừng) hoặc Chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết (Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) nhằm giúp các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải.

                Lưu Trang (Tổng hợp từ Theguardian và UNEP)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn