28/05/2018
Ngày 27/5/2018, Ấn độ đã khánh thành hai tuyến đường cao tốc quanh thủ đô New Delhi nhằm giảm 30% lưu lượng xe cộ vào TP, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây.
Phát biểu tại lLễ khánh thành, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, ngoài giảm ô nhiễm, các tuyến đường cao tốc mới sẽ đem lại lợi ích lớn cho người dân thủ đô bằng việc giảm tắc nghẽn giao thông.
Tuyến đường cao tốc dài 135 km Eastern Peripheral gồm 6 làn đã được xây dựng trong vòng 17 tháng, với chi phí khoảng 110 tỷ rupee (1,62 tỷ USD). Tuyến đường này sẽ tạo ra sự kết nối giao thông liền mạch và là đường cao tốc "xanh" đầu tiên, hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời, có hệ thống tưới cây dọc đường và có hệ thống thu nước mưa. Cùng với đó, một đoạn của tuyến đường cao tốc Delhi-Meerut dài 82 km cũng được khánh thành, đây là tuyến đường đầu tiên của Ấn Độ có 14 làn đường.
Cảnh đông đúc trên một tuyến đường ở New Delhi (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu với báo giới ngày 26/5, Bộ trưởng Giao thông và đường cao tốc Nitin Gadkari cho biết, hơn 50.000 phương tiện giao thông vốn trước đây phải đi qua thủ đô để tới các địa điểm khác, nay sẽ không cần phải vào New Delhi nữa.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Khu vực thủ đô quốc gia (NCR) Delhi, khiến nơi đây bị ô nhiễm nặng. Khu vực này có diện tích bằng 1/3 bang New York của Mỹ nhưng có dân số đông gấp 2,5 lần. Hoạt động đốt rơm rạ trái phép sau mùa vụ tại các nông trại quanh New Delhi, cộng với khí thải của các phương tiện giao thông và bụi rác từ các công trình xây dựng đã góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm tại đây trở thành cuộc khủng hoảng thường niên.
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, Ấn Độ có tới 14 TP nằm trong danh sách ô nhiễm nhất, là quốc gia "đứng đầu" thế giới về số TP bị đưa vào danh sách này, với Delhi nằm ở vị trí thứ 6. Chất lượng không khí đang ngày một tệ đi trong mùa Đông vừa qua, khiến Văn phòng Tổng thống Modi phải trực tiếp chỉ đạo các biện pháp làm sạch không khí thủ đô.
Phương Linh