Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Ôxtrâylia: Thay đổi từ chính sách đến hành động đem lại hiệu quả lớn

12/07/2017

   Là một trong những quốc gia có lượng rác thải phát sinh nhiều nhất thế giới, ước tính khoảng 50 triệu tấn chất thải mỗi năm, trung bình trên 2 tấn/người, tuy nhiên, với những chính sách hiệu quả, Ôxtrâylia đã biến lượng rác thải “khổng lồ” đó trở thành những “mỏ vàng” lớn, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. 

   Chính sách quản lý chất thải hợp lý

   Ngay từ năm 1992, Chính phủ Ôxtrâylia đã đưa ra một chính sách quản lý chất thải (QLCT) toàn diện trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững sinh thái, trong đó đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm thiểu tác động lên môi trường, xử lý chất thải và cải thiện việc QLCT nguy hại. Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và dân số liên tục gia tăng đã làm phát sinh rác thải ngày càng nhiều và đòi hỏi phải thay đổi chính sách QLCT để đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo Báo cáo của Bộ Môi trường và Năng lượng Ôxtrâylia, lượng chất thải đã tăng 32,4 triệu tấn (giai đoạn 2002 - 2003) lên 43,8 triệu tấn (giai đoạn 2006 - 2007).

Công nhân làm việc trong Nhà máy tái chế rác thải điện tử Aspitech (Ôxtrâylia) 

   Trước tình hình đó, năm 2009, Chính phủ Ôxtrâylia đã ban hành chính sách mới về QLCT quốc gia (gọi tắt là NWP), nhằm hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát chất thải và phục hồi tài nguyên đến năm 2020. NWP đưa ra cách tiếp cận hiệu quả đối với các vấn đề chất thải phát sinh trên phạm vi toàn lãnh thổ theo hướng giảm lượng chất thải bị thải bỏ và chất thải là nguồn tài nguyên, mang lại các lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội. NWP được xây dựng với tiêu chí phù hợp với các quy định, luật pháp liên quan đến QLCT của đất nước, cũng như cam kết quốc tế mà Ôxtrâylia tham gia để bảo vệ sức khỏe con người và BVMT.

   Với mục đích đảm bảo việc xử lý, thu hồi, tái sử dụng chất thải được tiến hành một cách an toàn, khoa học và thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên, NWP đã xác định 6 nhiệm vụ, 16 giải pháp chiến lược ưu tiên. Theo đó, 6 nhiệm vụ bao gồm: Chia sẻ trách nhiệm trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo sức khỏe con người và sự an toàn của sản phẩm trong chuỗi sản xuất - cung cấp - tiêu thụ; Thực hiện các hoạt động cải thiện thị trường một cách hiệu quả, tránh lãng phí và thu hồi tài nguyên, với công nghệ hiện có của địa phương, gia tăng hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước khác; Tránh lãng phí và sử dụng hiệu quả chất thải nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội; Giảm sử dụng các loại chất thải không thể tái chế, đảm bảo việc thu hồi, xử lý, thải bỏ chất thải phù hợp và an toàn; Triển khai các hoạt động nâng cao năng lực QLCT cho cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về chất thải đầy đủ, chính xác, từ đó, tăng cường giáo dục, tuyên truyền, công khai cho cộng đồng.

   Đồng thời, NWP cũng đề ra 16 giải pháp chiến lược ưu tiên, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ Trung ương đến địa phương như: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý sản phẩm theo hướng có trách nhiệm trong quá trình sản xuất, sử dụng và ngay cả khi hết hạn sử dụng; xây dựng nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn về mua sắm bền vững cho các cơ quan nhà nước; quản lý tốt bao bì; đảm bảo phân loại chất thải địa phương và quốc gia phù hợp với các công ước quốc tế; thiết lập nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các loại chất thải; tăng cường các hoạt động mua sắm và tiêu dùng bền vững; quản lý rủi ro phát sinh do phát thải khí từ bãi rác; khuyến khích QLCT hiệu quả và thu hồi tài nguyên cho các dự án xây dựng; giảm chất độc hại trong chất thải; xử lý và vận chuyển rác thải xuyên biên giới tại các cơ sở thích hợp… Chính quyền các bang và vùng lãnh thổ chịu trách nhiệm chính trong QLCT, nhằm tránh lãng phí, giảm thiểu, tái sử dụng chất thải; cấp phép và điều tiết việc vận chuyển chất thải, lưu giữ, xử lý, thu hồi, tiêu hủy rác thải hiệu quả. Đặc biệt, tất cả các bang và vùng lãnh thổ phải ban hành các văn bản, chính sách pháp luật toàn diện về BVMT và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

   Biến rác thải thành “vàng”

   Từ khi NWP được ban hành, đã có sự thay đổi lớn trong công tác QLCT tại Ôxtrâylia, lượng rác thải được tái chế ngày càng tăng. Mỗi năm, ngành tái chế chất thải đem lại lợi nhuận ước tính từ 7 - 11,5 tỷ USD. Theo Báo cáo Chất thải quốc gia năm 2010 của Ôxtrâylia, trong giai đoạn 2010 - 2011, lượng chất thải phát sinh bình quân đầu người đạt 2,1 tấn/người/năm, tăng 2,6% /năm, trong đó rác thải tái chế tính theo đầu người tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2006 - 2007, từ 1 tấn lên khoảng 1,2 tấn/người/năm. Tỷ lệ thu hồi tài nguyên (trừ tro bay) tăng từ 51% (2006 - 2007) lên 60% (2010 - 2011); lượng chất thải được xử lý giảm từ 1,03 tấn (2006 - 2007) xuống còn khoảng 0,88 tấn/người/năm (2010 - 2011).

   Rác thải được phân loại theo nhiều dạng như nguồn phát sinh (chất thải rắn đô thị, chất thải thương mại và công nghiệp; chất thải xây dựng); tính chất (rắn, lỏng…); thành phần… từ đó có phương thức quản lý thích hợp. Rác thải được người dân phân loại tại nhà rồi đem đến các điểm tập kết, thu gom và xe rác chở đến trạm trung chuyển, tiếp tục chuyển đến các bãi chôn lấp, hay cơ sở quản lý rác thải, hoặc cơ sở thu hồi tài nguyên. Hiện nay, Ôxtrâylia có khoảng 2.846 cơ sở quản lý rác thải, 1.168 bãi chôn lấp, 806 cơ sở thu hồi tài nguyên, 872 trạm trung chuyển đang hoạt động. Ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều trạm trung chuyển quy mô nhỏ được thiết lập thay vì bãi chôn lấp nhỏ để thu gom lượng lớn rác thải, sau đó chở đến các địa điểm thải xa. Các cơ sở thu hồi tài nguyên được thiết kế để phân loại, xử lý vật liệu phế thải và sử dụng công nghệ xử lý rác thải bằng sinh học, nhiệt.

Cơ sở thu hồi tài nguyên được thiết kế để phân loại, xử lý vật liệu phế thải bằng công nghệ sinh học, nhiệt

   Tại Ôxtrâylia, hầu hết các chủ đầu tư bãi chôn lấp rác thải phải thực hiện hoạt động thu hồi tài nguyên trước khi thải bỏ, chế biến rác thành phân hữu cơ vi sinh trong vườn. Việc thu hồi tài nguyên trước khi thải bỏ đang ngày trở nên phổ biến ở Ôxtrâylia, thậm chí một số bang xem đây là điều kiện bắt buộc để được phê duyệt dự án đối với các cơ sở chôn lấp. Hiện nay, Ôxtrâylia có khoảng 2.667 doanh nghiệp và tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ thu gom, tái chế và xử lý chất thải, trong đó có 819 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải. Bên cạnh đó, Ôxtrâylia cũng có các website cung cấp địa chỉ tái chế rác thải, hướng dẫn tái chế tại nhà, nơi làm việc và tái chế trong kinh doanh để mang lại nguồn lợi kinh tế, tăng doanh thu, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước. Theo Cục Thống kê Ôxtrâylia (ABS), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực QLCT (tái chế, thu gom, vận chuyển, thu hồi tài nguyên và xử lý) đã đóng góp 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn 2010 - 2011, tăng 30% so với giai đoạn 2006 - 2007 (2,7 tỷ USD).

   Ngoài việc có một chính sách QLCT hiệu quả, Chính phủ Ôxtrâylia còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế chất thải và phục hồi tài nguyên, thông qua nhiều hoạt động như tổ chức các chương trình cộng đồng tái chế, doanh nghiệp tái chế, chương trình tái chế từ thiện, sử dụng mô hình "cơ hội mua sắm", hoặc thiết lập chương trình tái chế sản phẩm cụ thể… Tuy nhiên, để đạt được thành công trong công tác QLCT, lý do quan trọng nhất là Chính phủ Ôxtrâylia đã thực hiện một chính sách quản lý sản phẩm chặt chẽ ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Đây là cách tiếp cận theo vòng đời sản phẩm, trong đó những người tham gia sản xuất, bán, sử dụng và vứt bỏ sản phẩm đều phải có trách nhiệm để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.

Hương Trần
(Theo environment.gov.au)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn