12/08/2016
Ô nhiễm không khí do tàu thuyền trên biển thường bị coi nhẹ so với ô nhiễm do xe hơi và nhà máy xả khói trong khi vận chuyển đường biển bằng tàu ở phía đông châu Á đã tăng hơn hai lần kể từ năm 2005.
Theo các nhà khoa học, sự bùng nổ trong vận chuyển đang làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm trong một khu vực với 8 trong 10 cảng container lớn nhất thế giới.
Một nghiên cứu của Trung Quốc ước tính rằng, lưu huỳnh dioxit tạo ra mưa axit và chất ô nhiễm khác do tàu gây ra khiến khoảng 24.000 người chết sớm mỗi năm ở phía đông châu Á, chủ yếu là các bệnh về tim, phổi và ung thư.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change dựa vào dữ liệu theo dõi vệ tinh của gần 19.000 con tàu, khoảng 3/4 số ca tử vong là ở Trung Quốc và những trường hợp khác chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Macau và Nam Triều Tiên.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, con số tử vong vẫn nhỏ, mặc dù ước tính có 1 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí tại Đông Á. Tuy chưa chắc chắn nhưng số ca tử vong ít nhất là 14.500 người và cao nhất là 37.500 người. “Một vài năm trước ở Đông Á, mức độ vận chuyển không lớn như bây giờ", Drew Shindell đến từ Đại học Duke (Mỹ), một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng nhiên liệu sạch cho các tàu trong vùng ven biển từ năm 2019. Ảnh: Toby Melville/Reuters
Cảng Thượng Hải là cảng container bận rộn nhất thế giới và Trung Quốc bắt đầu có nhu cầu sử dụng nhiên liệu sạch cho các tàu trong vùng ven biển từ năm 2019. Hàng nghìn cuộc biểu tình xảy ra mỗi năm ở Trung Quốc như là kết quả của sự lo ngại suy thoái môi trường.
Bắc Mỹ và các khu vực ở châu Âu đã yêu cầu các tàu hoạt động gần đất liền sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm và tốn chi phí hơn, với hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,1%. Cơ quan BVMT Mỹ hy vọng, Bắc Mỹ sẽ kiểm soát để ngăn chặn 14.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm vào năm 2020.
Trên toàn thế giới, Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên hợp quốc (IMO) có kế hoạch cắt giảm 0,5% hạn mức lưu huỳnh cho nhiên liệu tàu từ năm 2020 so với mức 3,5% hiện tại.
Giới hạn có thể bị trì hoãn đến năm 2025 nếu các nước thành viên cho rằng nhà máy lọc dầu không thể thích ứng kịp thời. Natasha Brown, một phát ngôn viên của IMO tại London cho biết đến tháng 10/2016 phải đưa ra quyết định về giới hạn này.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, lượng khí thải CO2, loại khí nhà kính chủ yếu do con người tạo ra do quá trình vận chuyển ngoài biển phía đông châu Á đã tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ, tới 16% trong tổng số khí thải toàn cầu của ngành công nghiệp trong năm 2013.
Bình Minh (Theo Báo TN&MT)