Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Áp dụng phương pháp dựa vào hệ sinh thái để giảm thiểu rủi ro thiên tai

07/03/2017

   Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng tổn thương của hệ sinh thái trước các tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ ngày một gia tăng. Trước tình hình đó, một số tổ chức quốc tế đã hỗ trợ các quốc gia triển khai các dự án, chương trình áp dụng cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái (HST) để giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH.

   Từ năm 2012 - 2016, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) triển khai các dự án thúc đẩy cách tiếp cận dựa vào HST để giảm thiểu rủi ro thiên tai (Eco-DRR) tại các nước dễ bị tổn thương.

Áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước góp phần 
giảm thiểu rủi ro thiên tai tại LVS Lukaya (CHDC Côngô) 

   Cảng Salut, Haiti

   Haiti là một trong những quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi thiên tai. Cùng với nạn phá rừng, đánh bắt cạn kiệt thủy hải sản và các hoạt động phát triển kinh tế khác đã làm cho các hiện tượng lũ lụt, bão lốc, sạt lở đất ngày càng gia tăng. Với sự hỗ trợ của UNEP và EC, Haiti đã triển khai Dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai thông qua quản lý vùng ven biển bền vững. Dự án nhằm tăng cường quản lý các khu bảo tồn biển, cải thiện sinh kế của người dân bản địa và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bước đầu, Haiti đã thực hiện Dự án thí điểm tại Cảng Salut, với các hoạt động như: Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương để quản lý và phát triển bền vững vùng ven biển; Thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư giữa chính quyền TP và người dân; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng môi trường ven biển để phục vụ công tác quản lý; Hỗ trợ người dân nuôi các loài hải sản có khả năng chống chịu với thiên tai; Tăng cường trồng rừng dọc bờ biển, ven sông và tái sinh thảm thực vật; Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của biển và HST biển; Giảm thiểu ô nhiễm biển và thiết lập hệ thống thu gom chất thải ven biển.

   Đến nay, Dự án đã trồng được 36.300 cây ngập mặn nhằm chống bão lũ và giảm thiểu xói lở bờ biển. Dự án đã xây dựng một khu vườn ươm cho đến khi các cây phát triển khỏe mạnh thì sẽ đưa về trồng gần các khe núi, cửa sông và ven biển. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ tài chính để người dân sửa chữa tàu thuyền, tiếp tục ra khơi bám biển, khai thác, đánh bắt hải sản, góp phần hạn chế đánh bắt gần bờ và thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai (thiết lập hệ thống cảnh báo, trang bị các thiết bị ứng phó khẩn cấp, xây dựng nơi tạm trú an toàn…). Đặc biệt, thông qua Dự án, Khu bảo tồn biển Cảng Salut đã được xây dựng nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước các thảm họa và hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân. Thời gian tới, Dự án sẽ trồng thêm 7 ha cỏ vetiver và triển khai nhiều giải pháp quản lý Khu bảo tồn biển.

   Lưu vực sông Lukaya, Cộng hòa Dân chủ Côngô

   Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Côngô là nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, trong những năm qua, Côngô đã trải qua những trận lũ lụt và xói mòn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho hàng triệu người dân. Theo Báo cáo xếp loại 193 quốc gia về mức độ tổn thương trước tác động của BĐKH do Công ty Tư vấn Rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) thực hiện, Côngô nằm trong số 30 quốc gia chịu ảnh hưởng “cực kỳ” lớn bởi sự thay đổi khí hậu.

   Từ năm 2013, UNEP và EC đã trình diễn thí điểm dự án về giảm thiểu rủi ro thiên tai nhờ cách tiếp cận dựa vào HST tại CHDC Côngô. Dự án nhằm hạn chế tác động từ thiên tai và hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua việc áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông (LVS) Lukaya, một trong những con sông chính cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô Kinshasa. Dự án đưa ra các biện pháp thích ứng với BĐKH, thiên tai dựa vào HST như trồng rừng và cỏ vetiver.

   Hiện tại, Dự án đã xây dựng 4 vườn ươm, tạo ra 42.000 cây giống (cây lâm nghiệp, cây ăn quả) và 32.000 cây cỏ vetiver mỗi năm nhờ áp dụng công nghệ sinh học. Ngoài ra, Dự án còn thực hiện chương trình nông lâm kết hợp dựa vào cộng đồng quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn cho lưu vực và những vùng có nguy cơ lũ lụt, lập bản đồ mạng lưới sông. Đặc biệt, Dự án còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền, cơ quan quản lý và người dân để giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước, đảm bảo sự công bằng và hiệu quả. Thông qua các hoạt động đó, người dân đã biết ứng phó, ngăn chặn sự tàn phá của các thảm họa thiên tai; đồng thời bảo vệ rừng, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cũng như phát triển sinh kế, đảm bảo cuộc sống.

   Có thể thấy, HST có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Việc đầu tư, quản lý, bảo vệ, phục hồi HST tự nhiên để tạo vùng đệm vững chắc trước tác động của thiên tai là phương pháp hiệu quả trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Nhờ áp dụng cách tiếp cận dựa vào HST đã giúp người dân thích ứng được với các tác động tiêu cực của thiên tai, nâng cao khả năng phục hồi, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường.

                H. Trần (Theo UNEP)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn