Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Vai trò của doanh nghiệp và các địa phương trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước

03/02/2021

     1. Quyết sách của Đảng và Nhà nước nhằm thay đổi căn bản chất lượng sử dụng năng lượng

     Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 2/10/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiên nghị quyết số 55 NQ/TW, trong đó chỉ rõ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một khâu then chốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung, sự phát triển bền vững của ngành năng lượng nói riêng. Bên cạnh đó, ngày 13/3/2019, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 với hai mục tiêu quan trọng đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh của đất nước. Cụ thể, chúng ta phải tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương ứng với tổng lượng năng lượng sơ cấp cả nước đã tiêu thụ vào năm 2014, đồng thời chúng ta làm nâng cao nhận thực, tiến tới thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm. Việc thay đổi hành vi sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả của cộng đồng cũng chính là mục tiêu hướng tới xây dựng con người Việt Nam mới, có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

    Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung, coi đó là một thành tố chủ chốt trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Để triển khai hiệu quả quyết sách này, bên cạnh nỗ lực tổ chức thực hiện của các cơ quan trung ương, hành động các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp được coi là nhân tố chủ đạo, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

     2.  Mục tiêu tiết kiệm năng lượng, từ quyết tâm của Chính phủ đến hành động của địa phương

     Để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định. Chính vì vậy, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

      - Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương;

     - Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn;

     - Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn;

     - Chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

     - Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý;

     - Hàng năm báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình về kết quả thực hiện và kế hoạch triển khai Chương trình năm tiếp theo.

     Như vậy, có thể thấy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải nghiêm túc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia trên địa bàn, trong đó, nêu rõ mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương, phương án tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Vấn đề đặt ra là từ mục tiêu quốc gia cần có phương án cụ thể để chuyển hóa mục tiêu quốc gia thành mục tiêu của từng địa phương căn cứ theo đặc điểm, tính chất và chiến lược phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Về vấn đề này, Trung Quốc đã có bài học kinh nghiệm và được xem là điểm mấu chốt dẫn đến việc thực hiện thành công chính sách quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ mục tiêu quốc gia, Trung Quốc thực hiện việc phân bổ mục tiêu cho địa phương trên cơ sở tiềm năng tiết kiệm năng lượng và chiến lược phát triển KT-XH trong giai đoạn của mỗi địa phương. Việc thực hiện phân bổ dựa trên nguyên tắc khoa học và tự nguyện. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm việc thực hiện mục tiêu này với chính quyền trung ương. Nhờ biện pháp này, Trung Quốc đã có những thành tựu vượt bậc về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo công bố của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), sau 15 năm (2005 – 2020) thực hiện chính sách này, Trung Quốc dự kiến cải thiện chỉ số cường độ sử dụng năng lượng khoảng 44%. Về mặt năng lượng, chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2015, tiêu thụ điện của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 259 TWh so với nhu cầu tăng khoảng 800 TWh nếu không áp dụng chính sách và chế tài mạnh mẽ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Để đạt được sự đột phá về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín về lĩnh vực năng lượng cho rằng, chính sách phân bổ chỉ tiêu quốc gia cho địa phương và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương về việc hoàn thành mục tiêu đã được phân bổ là chìa khóa dẫn mang đến sự thành công của Trung Quốc về nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng.

     Trong một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư... Như vậy, về mặt khoa học, chúng ta có thể phân bổ mục tiêu tiết kiệm 8 – 10% của cả nước cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố và gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu đã được thống nhất xác định.

     UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với vai trò quản lý nhà nước tại địa phương cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương mình. Tùy thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, những biện pháp sau có thể lồng ghép vào kế hoạch thực hiện tại địa phương.

     a) Hướng giải pháp về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm:

     - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức theo hướng đối tượng về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với: Người lao động, người quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền cơ sở như: Chi bộ Đảng cơ sở; Chi hội Nông dân; Chi hội Phụ nữ; Chi hội Cựu chiến binh; Tổ dân phố/Thôn/Bản…; Khách hàng, khách lưu trú tại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng, cơ sở lưu trú...; Người học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

     - Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội/cộng đồng, nội quy, quy định về hành vi sử dụng điện/năng lượng: Quy tắc về sử dụng điện tại công sở, văn phòng, trường học, bệnh viện…; Quy tắc về sử dụng điện/năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa, cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị, cơ sở khai thác mỏ, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cửa hàng, cửa hiệu...);

     - Xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm điện/năng lượng đến hộ gia đình:  Tập huấn, hướng dẫn việc sử dụng các chế độ vận hành tiết kiệm điện đối với các thiết bị gia dụng tiêu thụ nhiều điện (tủ lạnh, điều hòa không khí, quạt, bình nước nóng, máy giặt, hệ thống chiếu sáng...) đến từng hộ gia đình (thông qua sinh hoạt cộng đồng/khu dân cư: tổ dân phố, xóm, bản, thôn…); Phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện tại khu dân cư.

     - Xây dựng và tổ chức công bố rộng rãi định kỳ kết quả thực hiện tiết kiệm điện/năng lượng của các tổ chức, đơn vị trực thuộc: Các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh; Các xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện; Các phòng, ban trong sở, ban, ngành; Các phân xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ trong công ty, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại.

     b) Hướng giải pháp về công nghệ - kỹ thuật phục vụ tiết kiệm điện/năng lượng.

     - Xây dựng và lồng ghép triển khai chương trình tài trợ cho các nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về tiết kiệm điện/năng lượng vào chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ của địa phương.

     - Phát động phong trào về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

     - Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lựa chọn, ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, thiết bị, vật liệu, nguyên liệu đầu vào... có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm điện khi cải tạo, mở rộng, đầu tư mới, chuyển đổi công năng ...

     - Thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, máy móc phương tiện, vật liệu, nguyên, nhiên liệu theo hướng tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

     - Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tận dụng các nguồn năng lượng phát sinh trong quá trình sản xuất như nhiệt thải phục vụ phát điện; tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, năng lượng nội bộ, giảm nhu cầu điện của đơn vị từ nguồn điện lưới quốc gia;

     - Yêu cầu mua sắm các trang thiết bị có hiệu suất sử dụng điện/năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng, lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp vào hệ thống điện nội bộ, các hệ thống tự động kiểm soát tiêu thụ điện đối với các hạng mục đầu tư sử dụng hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước.

     - Thúc đẩy việc tự động hóa, tối ưu hóa việc sử dụng điện của các thiết bị, phương tiện, máy móc sử điện, hệ thống nhiệt, lạnh chiếu sáng... tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

     3. Doanh nghiệp, khâu đột phá đảm bảo hoàn thành mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

    Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc ngành/lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ…) luyện kim (sản xuất gang, thép…), giấy và bột giấy cũng như doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm là đối tượng cần đặc biệt quan tâm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả sử trong sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp không những làm gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp tác động đến việc hoàn thành mục tiêu tiết kiệm năng lượng của địa phương. Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta đã ban hành nhiều thông tư quy định định mức sử dụng năng lượng đối với sản phẩm của nhiều ngành/phân ngành sản xuất công nghiệp bên cạnh các quy định khác liên quan đến việc lựa chọn, trang thiết bị, công nghệ phù hợp, hiệu quả về sử dụng năng lượng cũng như chế tài đảm bảo việc thực thi hiệu quả quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng mức độ hiệu quả của việc triển khai các quy định này còn chưa cao. Việc này xuất phát từ thực tế khách quan là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp đang sử dụng những máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng bên cạnh việc hạn chế về năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả về mặt năng lượng hơn. Như vậy, khi xác định vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng ta cần phải xuất phát từ thực tế khách quan để đảm bảo doanh nghiệp vừa là nhân tố, vừa là đối tượng then chốt trong chính sách cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Một số gợi ý sau nhằm cải thiện việc sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp:

     - Xây dựng và vận hành quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ sẽ là nơi cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường.

     - Mở rộng quy định pháp luật liên quan đến việc quy định định mức sử dụng năng lượng trong sản xuất, kinh doanh.

     - Đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng.

TS. Phương Hoàng Kim

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Trần Thị Hường

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2020)

 

Ý kiến của bạn