Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Sự phân công lao động trong quá trình thu nhận và chế biến thức ăn ở mối odontotermes hainanensis (isoptera: Macrotermitinae)

14/10/2021

    Tóm tắt

    Odontotermes hainanensis là loài mối gây hại đối với đê, đập, nhà cửa, di tích ở Việt Nam và là đối tượng cần phải phòng trừ. Tuy nhiên, việc phòng trừ loài mối còn nhiều hạn chế do chúng có tập tính chế biến thức ăn phức tạp. Nghiên cứu này đã chỉ rõ sự phân công lao động của mối trong quá trình thu nhận, chế biến thức ăn của loài mối này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 nhóm mối tham gia kiếm ăn, gồm: mối lính, mối thợ lớn già và mối thợ nhỏ già, trong đó mối thợ lớn già chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm 81,94% và đóng vai trò chủ đạo trong việc đi tìm kiếm và mang thức ăn về tổ. Khác với khu vực kiếm ăn, có 5 nhóm mối trưởng thành tìm thấy trong khoang vườn nấm gồm: mối lính, mối thợ lớn già, mối thợ lớn trẻ, mối thợ nhỏ già và mối thợ nhỏ trẻ, trong đó hai nhóm mối thợ trẻ chiếm tỷ lệ lớn, tương ứng là 31,4% mối thợ lớn trẻ và 25% là mối thợ nhỏ trẻ và đảm nhận nhiệm vụ xây dựng vườn nấm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, sau 1 h mối lính, mối thợ lớn già và mối thợ nhỏ già được tăng cường để bảo vệ, xây dựng, sửa chữa phần cấu trúc tổ bị phá vỡ.

    Từ khóa: Mối cấy nấm, Odontotermes hainanensis, phân công lao động.

    Nhận bài: 25/9/2021; Sửa chữa: 28/9/2021; Duyệt đăng: 30/9/2021.

    1. Mở đầu

    Sự phân công lao động là một trong những đặc điểm đặc trưng về tính xã hội (Wilson 1971)[1]. Nó góp phần cho sự phát triển thành công của côn trùng xã hội trong hệ sinh thái (Oster and Wilson 1978)[2]. Sự phân công lao động ở côn trùng có thể dựa trên giới tính, kích thước, tuổi của các cá thể hoặc là tổ hợp các đặc tính này (Hinze và Leuthold,1999)[3]. Trong xã hội của mối, chúng có sự phân công lao động theo đẳng cấp và theo tuổi. Sự phân công lao động này không giống nhau ở các loài mối.

    Mối cấy nấm (Macrotermitinae) có quá trình chế biến thức ăn phức tạp thông qua mối quan hệ cộng sinh với nấm Termitomyces. Mối cung cấp vật liệu để xây dựng lên vườn nấm, làm giá thể cho nấm Termitomyces phát triển (Sieber 1983; Leuthold 1990) [4],[5] trong khi đó nấm Termitomyces không những giúp cho mối có thức ăn dễ tiêu hóa, giàu khoáng chất mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa vi khí hậu trong tổ mối (Sands 1969; Nguyễn Văn Quảng, 2003) [6],[7]. Theo Pearce (1997), ở mối Macrotermitinae, thức ăn kiếm ở ngoài về thường phải trải qua giai đoạn vườn nấm (dẫn theo Neoh et al., 2011) [8]. Sự hình thành vườn nấm là một khâu trung gian trong quá trình thu nhận, chế biến thức ăn và quá trình này gắn liền với sự phân công lao động xã hội trong quần tộc của mối cấy nấm. Ở mối Macrotermes, sự phân công lao động của quá trình này không chỉ theo đẳng cấp mà còn theo nhóm tuổi ở mối thợ (Badertscher et al., 1983; Hinze and Leuthold 1999; Nguyễn Văn Quảng, 2003) [9],[3],[7].

    Odontotermes hainanensis là loài gây hại chính đối với đê, đập (Nguyễn Đức Khảm, 1976; Vũ Văn Tuyển,1982; Trịnh Văn Hạnh, 2008; Ngô Trường Sơn, 2009) [10],[11],[12],[13], gây hại công trình xây dựng, di tích (Nguyễn Tân Vương 2007; Nguyễn Thị My và cộng sự 2014)[14],[15] và là đối tượng cần phải phòng trừ. Sử dụng bả độc được xem là biện pháp trừ mối có ưu việt cả về hiệu quả cũng như BVMT. Bả sử dụng được xem như là một nguồn thức ăn của mối. Mối đi kiếm ăn mang bả về tổ, lây lan hoạt chất gây độc cho các cá thể trong quần thể và dẫn tới gây chết cả tổ mối. Tuy nhiên, biện pháp này mới chỉ thành công trong công tác xử lý những loài mối gây hại thuộc giống mối Coptotermes và còn hạn chế đối với những loài mối có vườn cấy nấm, đặc biệt là đối với những loài mối thuộc giống Odontotermes.

    Để sử dụng bả xử lý thành công loài mối gây hại này, đòi hỏi phải có những hiểu biết về sự phân công lao động của chúng, đặc biệt là phân công lao động trong việc thu nhận và chế biến thức ăn. Các nghiên cứu về phân công lao động theo đẳng cấp cũng như theo tuổi đã được nghiên cứu ở nhiều loài mối thuộc giống Macrotermes. Các nghiên cứu này ở mối Odontotermes nói chung với mối Odontotermes hainanensis còn rất hạn chế. Trịnh Văn Hạnh (2008) [12] đã nghiên cứu về tỷ lệ đẳng cấp ở mối Odontotermes hainanensis. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chú ý đến sự phân công lao động theo nhóm tuổi ở loài mối này, đặc biệt là ở các đẳng cấp mối thợ. Chính vì vậy, để góp phần tạo cơ sở cho việc nghiên cứu phòng trừ loài mối Odontotermes hainanensis bằng bả, nghiên cứu này được thực hiện.

    2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

    2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Các mẫu mối kiếm ăn được thu ở trên các đập hồ chứa nước, các khu rừng trồng ở Quảng Nam và trên môi trường đê, công viên ở Hà Nội. Mối trong vườn cấy nấm được thu tại các tổ mối ở sinh cảnh đê và công viên ở Hà Nội. Việc tách, lọc, đếm mối và bố trí các thí nghiệm được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình. Nghiên cứu này được thực hiện từ năm tháng 7/2018 đến tháng 9/2020.

    2.2. Phương pháp nghiên cứu:

  • Phương pháp xác định tỷ lệ các nhóm trưởng thành: Dựa theo phương pháp của Nguyễn Văn Quảng (2003) [5], Trịnh Văn Hạnh (2008) [1] và Li et al. (2015) [14]. Mối được thu tại các vị trí khác nhau như vị trí kiếm ăn (trong khúc gỗ, nơi đường mui còn ướt và nơi đường mui đã khô) và khoang vườn nấm. Tại khoang vườn nấm, mối được thu theo hai cách: thu nhanh và thu sau khi 1 h tác động; mỗi tổ thu từ 2 đến 3 khoang vườn nấm. Mẫu tại mỗi vị trí kiếm ăn hoặc tại mỗi khoang vườn nấm được đựng vào riêng trong một hộp nhựa để mang về phòng thí nghiệm làm lạnh, tách, nhặt và phân thành các nhóm mối: mối lính (ML), mối thợ (MT), mối cánh (nếu có) và mối non (MN: mối có màu trắng với các kích thước khác nhau). Riêng các đẳng cấp mối thợ được phân thành các nhóm tuổi khác nhau dựa vào kích thước chiều rộng đầu và màu sắc cơ thể, cụ thể như sau: mối thợ lớn già (MTL già: mối thợ có kích thước lớn; râu 17 đốt, đốt 4 ngắn nhất; tấm lưng bụng nhiều thể mỡ), mối thợ lớn trẻ (MTL trẻ: mối thợ có kích thước lớn; râu 17 đốt, đốt 4 ngắn nhất; tấm lưng bụng không có thể mỡ), mối thợ nhỏ già (MTN già: kích thước nhỏ; râu 16 đốt, đốt 3 ngắn nhất; tấm lưng bụng nhiều thể mỡ) và mối thợ nhỏ trẻ (MTN trẻ: kích thước nhỏ; râu 16 đốt, đốt 3 ngắn nhất; tấm lưng bụng không có thể mỡ). Sau đó đếm và ghi lại số lượng cá thể của mỗi nhóm mối ở các vị trí thu được.

Hình 1. Các nhóm mối trưởng thành khác nhau

Mối thợ nhỏ tuổi trẻ, mối thợ nhỏ tuổi già, mối thợ lớn tuổi trẻ, mối thợ lớn tuổi già, mối lính (lần lượt theo từ trái sang phải)

  • Đánh dấu thức ăn: Dựa theo phương pháp của Badertsher (1983) [9], Nguyễn Văn Quảng (2003) [7] nhuộm màu thức ăn bằng cách trộn các hạt pigment fluor-rot (hạt màu huỳnh quang màu đỏ, không tan trong nước, không bị tiêu hóa trong ruột mối) với bột xenlulô (do hãng sigma sản xuất) theo tỷ lệ 0,5% (0,5g bột màu/100g bột xenlulô). Hỗn hợp này được trộn với nước ở độ ẩm 40% rồi để làm thức ăn cho mối.

  • Xác định nhóm mối xây dựng vườn nấm: Mối từ các khoang vườn nấm ngoài tự nhiên được thu về và tách phân theo các nhóm mối thợ. Bố trí mỗi hộp nuôi 100 cá thể của mỗi nhóm mối thợ gồm mối thợ già (MTL già, MTN già) và mối thợ trẻ (MTL trẻ, MTN trẻ) trong một hộp nhựa (đường kính: 50mm, chiều cao 30mm) có chứa bột xelulo được nhuộm màu (độ ẩm 40%) và 0,5g vườn nấm. Theo dõi hoạt động của mối bằng việc quan sát, chụp ảnh và ghi chép lại số lượng hộp nuôi còn mối sống cũng như sự xuất hiện vườn nấm mới (có xuất hiện hạt phân có màu đánh dấu trên vườn nấm), khai thai thác vườn nấm mới (có vết gặm trên vườn nấm màu đánh dấu)... Mỗi nhóm mối được bố trí lặp lại 5 hộp cho một lần thí nghiệm. Thí nghiệm được lặp lại 3 lần.

  • Tính toán và xử lý số liệu: việc tính toán các giá trị trung bình và kiểm định giá trị này thông qua hàm thống kê T-Test trong phần mềm phân tích số liệu Excel 2016.

    3. Kết quả và thảo luận

    3.1. Tỷ lệ các nhóm mối trong đàn mối đi kiếm ăn

    Kết quả thu thập mối Odontotermes hainanensis tại 31 vị trí kiếm ăn khác nhau đã thu được 3 nhóm mối gồm ML, MTL già, MTN già. Kết quả được tổng hợp tại bảng 1.

    Bảng 1. Tỷ lệ % trung bình các nhóm trong đàn mối kiếm ăn

Thông số

ML

MTL già

MTN già

Tỷ lệ (%) trung bình

5,87±2,26

81,94±3,66

12,19±2,91

n (số vị trí)

31

31

31

N (tổng số cá thể)

409

5.557

655

    Kết quả bảng 1 cho thấy, MTL già chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 81,94% số cá thể trong đàn mối đi kiếm ăn); tiếp sau đó là MTN già (chiếm 12,19%) và cuối cùng là mối lính (chiếm 5,87%). ML tham gia nhiệm vụ này với vai trò bảo vệ các cá thể mối trong đàn mối kiếm ăn. MTL già và MTN già thu nhận thức ăn từ bên ngoài mang về tổ. Tỷ lệ giữa nhóm MTL già và MTN già khác nhau rõ ràng trong đàn mối kiếm ăn (|t Stat|= 28,86> t Critical two-tail = 1,99) và nhóm MTL già đảm nhiệm chính công việc tìm kiếm và khai thác thức ăn mang về tổ. Các nhóm mối trẻ không tham gia vào nhiệm vụ kiếm ăn. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu về sự phân công lao động trong đàn mối đi kiếm ăn ở loài mối thuộc phân họ mối Macrotermitine nói chung, cụ thể như nghiên cứu ở loài Macrotermes subhyalinus (Badertcher, 1983) [10] và ở loài Macrotermes annandalei (Nguyễn Văn Quảng, 2003) [5].

    3.2. Tỷ lệ các nhóm mối trưởng thành trong khoang vườn nấm

    Để xác định thành phần tham gia công việc trong khoang vườn cấy nấm, nhóm tác giả tiến hành thu nhanh mẫu mối tại 41 khoang thuộc 14 tổ mối, mỗi tổ thu từ 2 đến 3 khoang vườn nấm. Sau đó, phân tách mối thu được theo các nhóm như đã mô tả ở trên. Kết quả được tổng hợp tại bảng 2.

Bảng 2. Tỷ lệ % trung bình các nhóm mối trong các khoang vườn nấm thu nhanh

Thông số

ML

MTL già

MTL trẻ

MTN già

MTN trẻ

MN

n (số khoang)

41

41

41

41

41

41

Trung bình

8,16±2,50

16,36±5,88

31,4±4,93

8,60±3,62

21,35±5,73

14,13±6,62

N (Số cá thể)

567

936

2.365

508

1.675

2.712

 

    Kết quả bảng 2 cho thấy, tất cả các tổ mối đều thu được 5 nhóm mối trưởng thành trong khoang vườn nấm, gồm: ML, MTL già, MTL trẻ, MTN già và MTN trẻ. Trong đó, MTL trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất (31,4%), tiếp đến là MTN trẻ (21,35%), MTL già (16,36%), MTN già (8,60%) và cuối cùng là ML, chiếm 8,16%. Tuy nhiên, tỷ lệ các nhóm này lại có sự thay đổi ở các khoang vườn nấm được sau 1 h (bảng 3).

    Bảng 3. Tỷ lệ % trung bình các nhóm mối trong các khoang vườn nấm thu sau 1 h tác động

Thông số

ML

MTL già

MTL trẻ

MTN già

MTN trẻ

MN

n (số khoang)

16

16

16

16

16

16

Trung bình

33,00±9,17

18,27±7,17

3,14±3,73

36,18±11,54

1,95±1,21

7,46±8,66

N (Số cá thể)

2.674

1.273

155

3.277

132

538

    Kết quả bảng 3 cho thấy, tỷ lệ ba nhóm mối ML, MTL già, MTN già tăng lên còn hai nhóm MTL trẻ và MTN trẻ lại giảm xuống so với khi thu ngay (hình 2). Kết quả kiểm định hàm T-test cho thấy, ở hầu hết các nhóm mối sự khác biệt giữa hai cách thu mối là có ý nghĩa, chỉ riêng tỷ lệ MTL già là không có sự sai khác về tỷ lệ % % (|t Stat|= 0,43 < t Critical two-tail = 2,04) nhưng có sự khác nhau rõ ràng về số lượng cá thể (|t Stat|= 3,61> t Critical two-tail = 2,18) trong vườn nấm theo hai cách thu khác nhau, có nghĩa là số lượng MTL già được tăng lên đáng kể trong khoang vườn nấm thu sau 1h tác động só với khoang vườn nấm được thu nhanh. Sự khác biệt này có thể giải thích rằng, khi khoang vườn nấm bị tác động, các nhóm mối trẻ được di chuyển đến khu vực khác nơi an toàn, còn mối lính tập trung đến để bảo vệ, mối thợ già (bao gồm cả MTL già và MTN già) được huy động đến để sửa chữa, xây dựng tổ. Kết quả nghiên cứu bổ sung thêm dẫn liệu về hoạt động của mối thợ già không chỉ tham gia chính trong hoạt động kiếm ăn mà còn chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động xây dựng, sửa chữa tổ.

Hình 2. Tỷ lệ phần trăm các đẳng cấp mối O. hainanensis trong các khoang vườn nấm thu nhanh và thu sau 1h tác động

    So với kết quả nghiên cứu của Trịnh Văn Hạnh (2008) [12] kết quả nghiên cứu này cho thấy tổng hai nhóm mối thợ nhỏ trong nghiên cứu là 37,53%, nhỏ hơn nhưng tỷ lệ mối lính lại cao hơn. Điều này có thể giải thích do hai cách thu mẫu là khác nhau. Nghiên cứu của Trịnh Văn Hạnh là chỉ thu mẫu ở vị trí tổ bị phá, trong khi đó nghiên cứu của chúng tôi là thu toàn bộ khoang vườn nấm đã bị tác động. Khi bị tác động, mối lính không chỉ rút ra bên ngoài tổ mà chúng còn một lượng phòng thủ trên vườn nấm cũng như các vị trí ra vào khác trong khoang vườn nấm nên dẫn đến sự khác biệt trên. Từ các kết quả nghiên cứu về tỷ lệ đẳng cấp, tuổi mối ở nơi kiếm ăn và vườn nấm cho thấy mối lính đảm nhiệm chức năng bảo vệ tổ, mối thợ già đảm nhiệm các công việc bên ngoài tổ như kiếm ăn, xây dựng sửa chữa tổ và có lẽ mối trẻ sẽ đảm nhiệm các công việc bên trong tổ.

    3.3. Nhóm mối xây dựng vườn nấm

    Để xác định nhóm mối đảm nhiệm việc xây dựng vườn nấm, nhóm tác giả đã tiến hành nuôi riêng từng nhóm mối thợ già (MTL già và MTN già) và nhóm mối thợ trẻ (MTL trẻ và MTN trẻ) trong hộp chứa thức ăn nhuộm mầu cùng với 0,5g vườn nấm thu được từ tổ ngoài tự nhiên. Thí nghiệm được lặp lại 15 lần đối với mỗi nhóm mối. Kết quả được tổng hợp tại bảng 4.

    Bảng 4. Tỷ lệ hộp nuôi có vườn nấm trồng mới và tỷ lệ sống của mỗi nhóm mối theo thời gian

Ngày theo dõi

Tỷ lệ (%) hộp được mối xây dựng vườn nấm mới

Mối thợ già

Mối thợ trẻ

3

0,00

40,0 ± 11,5

7

0,00

66,7 ± 6,7

14

0,00

73,3 ± 6,7

21

0,00

73,3 ± 6,7

28

0,00

73,3 ± 6,7

 

    Kết quả bảng 4 cho thấy, chỉ có các lô thí nghiệm nuôi nhóm mối thợ trẻ trồng nấm mới (vườn nấm màu đỏ) (hình 3), tỷ lệ hộp trồng nấm 73,3%. Kết quả bảng 4 cho thấy ở ngày thí nghiệm thứ 3 đã phát hiện 6 hộp nuôi có vườn nấm mới (chiếm 40% trong tổng số 15 hộp nuôi nhóm MT trẻ). Tỷ lệ hộp có vườn nấm mới tăng lên ở lần kiểm tra thứ 2 (ngày thí nghiệm thứ 7) và lần kiểm tra thứ 3 (ngày thí nghiệm thứ 14) với tỷ lệ tương ứng là 66,7% và 73,3%. Các lần kiểm tra sau không phát hiện thêm hộp nuôi có vườn nấm mới. Điều này chứng tỏ rằng nhóm MT trẻ là nhóm đảm nhiệm công việc xây dựng vườn nấm. Mối thợ trẻ trồng nấm bằng cách sử dụng thức ăn được mối gia mang về tổ và tạo ra viên phân sơ cấp để trồng lên vườn nấm (hình 4). Thời gian để quần tộc MT trẻ có khả năng làm vườn nấm, tính từ lúc chúng được bắt về từ tổ ngoài tự nhiên là 14 ngày. Thời gian thực tế để quần tộc MT trẻ thực hiện nhiệm vụ này có thể còn dài hơn, vì giai đoạn từ khi chúng lột xác thành MT trẻ đến khi chúng được thu bắt về là chưa được xác định. Để xác định chính xác khoảng thời gian MT trẻ có khả năng xây dựng vườn nấm cần phải có nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Như vậy, có thể hiểu rằng sau 14 ngày MT trẻ đã không làm vườn nấm và trở thành MT già.

Hình 3. Vườn nấm được MT trẻ trồng mới (vườn nấm màu đỏ)

Hình 4. MT trẻ đang xây dựng vườn nấm

    Bên cạnh đó, để tìm hiểu khả năng sống của mỗi nhóm mối, từng nhóm mối trưởng thành (MTL già, MTL trẻ, MTN già, MTN trẻ) được nuôi riêng trong hộp có thức ăn tương tự như thí nghiệm trên. Kết quả cho thấy khi nuôi riêng rẽ từng đẳng cấp, khả năng sống của các nhóm là khác nhau. MT trẻ (cả ở đẳng cấp MTL và MTN) sống lâu hơn các nhóm mối già tương ứng. 100% các hộp nuôi MTL trẻ sống đến tuần thứ 3 (21 ngày). Sang tuần thứ 4 (sau 28 ngày), vẫn còn 93,67% hộp mối nuôi còn sống. Trong khi đó, hai nhóm mối thợ nhỏ chỉ sống được thời gian ngắn trong vòng 2 tuần. Sau 1 tuần, số hộp nuôi còn sống tương ứng là 53,67% số hộp nuôi MTN trẻ và 40,00% hộp nuôi MTN già. MTL già sống lâu hơn hai nhóm mối thợ nhỏ, 100% hộp nuôi MTL già sống đến tuần thứ 2 và các hộp nuôi này bị chết dần ở tuần thứ 3, chỉ còn 40% số hộp nuôi còn sống ở ngày thí nghiệm thứ 21 và chỉ còn 6,67% hộp nuôi sống đến ngày thí nghiệm thứ 28 (hình 4).

Hình 5. Tỷ lệ % hộp mối nuôi còn sống theo thời gian ở mỗi nhóm mối thí nghiệm

    Khả năng sống của mỗi nhóm mối trên có thể do nguồn thức ăn của các nhóm có thể khác nhau. Quá trình quan sát các hộp nuôi cho thấy vườn nấm cung cấp ban đầu bị tiêu hao khá nhanh trong các hộp nuôi MTL già và nhóm MTN già nhưng lại gần như không tiêu hao ở hộp nuôi nhóm MTN trẻ. Đối với những lô nuôi MTL trẻ, vườn nấm cho sẵn cũng bị tiêu hao ở tuần thí nghiệm thứ 2. Kết quả quan sát này phù hợp với kết quả thu được ở bảng 4, sau 14 ngày MT trẻ không tiếp tục làm vườn nấm mà chuyển sang giai đoạn MT già và thức ăn chính của chúng là vườn nấm già. Chính vì thế, một phần vườn nấm trong các lô nuôi MTL trẻ bị tiêu hao ở tuần thí nghiệm thứ 2 là do một phần MTL trẻ chuyển sang trạng thái già đã sử dụng vườn nấm. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Quảng (2003) [7], MT kiếm ăn ở loài mối cấy nấm Macrotermes annandalei không sử dụng trực tiếp thức ăn kiếm về mà thức ăn chính của chúng là vườn nấm. Do MT già đã tiêu thụ vườn nấm nên vườn nấm cho sẵn bị tiêu hao nhanh ở trong các hộp nuôi MTL già.

    Tóm lại, kết quả nghiên cứu về sự phân công lao động trong quá trình thu nhận và chế biến thức ăn cho thấy quá trình tìm kiếm, mang thức ăn về tổ hay quá trình thu nhận thức ăn là do MT già đảm nhiệm, trong đó MTL già là thành phần chính. Quá trình sử dụng thức ăn để xây dựng vườn nấm hay quá trình chế biến thức ăn là do mối thợ trẻ đảm nhiệm.

    4. Kết luận

    Mối Odontotermes hainanensis có sự phân công lao động theo các nhóm đẳng cấp mối thợ trong quá trình thu nhận và chế biến thức ăn. Mối thợ lớn già đóng vai trò chủ đạo trong công việc kiếm ăn (chiếm 81,94% trong đàn mối kiếm ăn), mối thợ nhỏ già giữ nhiệm vụ chính là xây dựng, sửa chữa tổ (chiếm 36,18% trong khoang vườn nấm sau 1h tác động). Mối thợ lớn trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất trong khoang vườn nấm (31,40%). Mối thợ trẻ sử dụng thức ăn do mối thợ già kiếm ăn mang về để xây dựng vườn nấm thông qua những viên phân sơ cấp.

    Lời cảm ơn: Trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bả kiểm soát mối Macrotermitinae gây hại đê, đập ở miền Bắc Việt Nam”. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thị My(1),(2), Nguyễn Quốc Huy (1), Nguyễn Thúy Hiền(1),

 Nguyễn Văn Quảng(2)

(1)Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình

(2)Đại học Khoa học Tự nhiên,  Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)

    Tài liệu tham khảo

  1. Wilson, E. O. (1971), The insect societies,  Belknap Press of Harvard University Press Cambridge, MA

  2. Oster, G. F., & Wilson, E. O. (1978), Caste and ecology in the social insects, Princeton University Press.

  3. Hinze, B., & Leuthold, R. H. (1999), “Age related polyethism and activity rhythms in the nest of the termite Macrotermes bellicosus (Isoptera, Termitidae)”, Insectes sociaux, 46(4), 392-397.

  4. Sieber, R. (1983), “Establishment of fungus comb in Laboratory colonies of Macrotermes michaelseni and Odontotermes montanus (Isoptera, Macrotermitinae)”, Insectes Sociaux, 30(2),204-209.

  5. Leuthold, R. H., Barella, L., Deneubourg, J. L., Goss, S., Veeresh, G. K., Mallik, B., & Viraktamath, C. A. (1990), “The formation of polyethic structures in the termite Macrotermes bellicosus”, In Social insects and the environment (pp. 389-390). EJ Brill.

  6. Sands, W. A. (1969), “The association of termites and fungi”. Biology of Termites, Vol. 1, 495-524.

  7. Nguyễn Văn Quảng (2003), Nghiên cứu thành phần, phân bố của mối Macrotermes (Isoptera, Termitidae) và đặc điểm sinh học, sinh thái học của loài Macrotermes annandalei (Silvestri) ở miền Bắc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

  8. Neoh Kok Boon, Nur Atiqah Jalaludin & Chow-Yang Lee (2011), “Elimination of Field Colonies of a Mound-Building Termite Globitermes sulphureus (Isoptera: Termitidae) by Bistrifluron Bait”, J. Econ. Entomol. 104(2): 607-613.

  9. Badertscher, S., Gerber, C., & Leuthold, R. H. (1983), “Polyethism in food supply and processing in termite colonies of Macrotermes subhyalinus (Isoptera)”, Behavioral Ecology and Sociobiology, 12(2), 115-119.

  10. Nguyễn Đức Khm (1976), Mối ở miền Bắc Việt Nam, Nhà xut bn Khoa hc và K thut, Hà Ni.

  11. Vũ Văn Tuyển (1982), Mối hại đập hồ chứa ở Việt Nam và biện pháp phòng trừ, Luận án Phó tiến sĩ Sinh học, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội.

  12. Trịnh Văn Hạnh (2008), Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái học của Coptotermes formosanus Shiraki; Odontotermes hainanensis Light và sử dụng chế phẩm từ Metarhizium anisopliae (Metsch) Sorok phòng trừ chúng. Luận án Tiến sĩ sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

  13. Ngô Trường Sơn (2009), Nghiên cứu mối (Isoptera) hại đê ở hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã và góp phần hoàn thiện biện pháp phòng chống, Luận Án Tiến sĩ Sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Hà Nội.

  14. Nguyễn Tân Vương, Nguyễn Thúy Hiền, Ngô Trường Sơn, Nguyễn Thị My (2007), Mối (Isoptera) hại các công trình di tích trên địa bàn tỉnh Hà Tây”, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số 10+11, tr. 157-160.

  15. Nguyễn Thị My, Trần Văn Thành, Nguyễn Hải Huyền (2014), “Dẫn liệu về thành phần loài mối và hiện trạng gây hại của chúng ở một số di tích thuộc tỉnh Thanh Hóa”, Báo cáo khoa học hội nghị côn trùng học quốc gia lần thứ 8, Hà Nội 2014, tr.929-933.

  16. Li, H., Yang, M., Chen, Y., Zhu, N., Lee, C. Y., Wei, J. Q., & Mo, J. (2015), “Investigation of age polyethism in food processing of the fungus-growing termite Odontotermes formosanus (Blattodea: Termitidae) using a laboratory artificial rearing system”, Journal of economic entomology, 108(1), 266-273.

Polyethism in food supply and processing of odontotermes hainanensis (isoptera: Macrotermitinae)

Nguyen Thi My(1),(2), Nguyen Quoc Huy(1), Nguyễn Thuy Hien(1) Nguyễn Van Quang(2)

(1) Institute of Ecology and Works protection

(2) VNU University of Science

    Abstract

    Odontotermes hainanensis is a pest to dykes, dams, houses, relics in Vietnam and it is necessary to control them. However, their prevention is still limited due to their complex food processing behavior. To find out the role of different castes among fungus-growing termites, the labor division of O. hainanensis in the food collecting and processing were conducted at 31 foraging areas and 18 nests. The results showed that the old major workers play important in food finding and bringing to the nest and young major workers undertook the task of building fungus gardens. There were 3 termite groups in foraging areas, including soldiers, the old major workers and the old minor workers, in which, the old major worker is very high percentage, accounting for 81.94%. Five groups of adult termites were found in the fungus comb cativities, including: soldiers, old major workers, young major workers, old minor workers and young minor workers, in which the major young workers termite was the highest proportion (31.4%). Besides, the study also showed that three termite groups (the old major workes, the old minor workers and soldiers) were recuited to protect and repair nest structure after 1 hour ago

Keywords: Macrotermitinae, Odontotermes hainanensis, polyethism.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn