Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Phát huy vai trò của giáo dục trong thích ứng với biến đổi khí hậu

26/04/2021

     TÓM TẮT

     Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Những tác động tiêu cực do BĐKH gây ra như mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, bão nhiệt đới… Những tác động này sẽ ảnh hưởng đến phát triển xã hội và kinh tế của đất nước bao gồm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng đường bộ… Vì thế, người dân cần nhận thức và trang bị thêm kiến thức về BĐKH và thích ứng với BĐKH. Bài báo này đề cập đến việc tăng cường vai trò của giáo dục về thích ứng với BĐKH trong các trường học, đây sẽ là giải pháp chiến lược để nâng cao nhận thức, thái độ và hành động.

     Từ khóa: Việt Nam, biến đổi khí hậu, giáo dục, thích ứng, trường học

     Nhận bài: 23/2/2021            Sửa chữa:  10/3/2021         Duyệt đăng: 17/3/2021

     1. Mở đầu

     BBĐKH đã và đang diễn ra trên toàn cầu với sự tác động ngày càng lớn, đây là thách thức to lớn mà con người phải đối mặt trong thế kỷ 21 và sự tác động lớn hay nhỏ của nó tùy thuộc vào sự nhìn nhận, khả năng thích ứng và hành động cụ thể của con người. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Theo kịch bản về BĐKH do Bộ TN&MT xây dựng và công bố năm 2016, mực nước biển dâng trung bình ở Việt Nam cao hơn so với toàn cầu, đến năm 2050 với kịch bản nước biển dâng ở mức trung bình cao, toàn dải ven biển Việt Nam sẽ dâng cao 22 cm, đến năm 2100 là 56 cm. Khi mực nước biển dâng 100 cm có khoảng 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 16,8% đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập úng, sẽ có 22 triệu người mất nhà và ¾ diện tích đất nông nghiệp ở đồng bằng ngập trong biển nước, đây là vựa lúa lớn của cả nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh lương thực của đất nước và khu vực. Trong những năm gần đây các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn bất thường, nhiệt độ trung bình tăng cao, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng phức tạp đều có liên quan đến BĐKH và trong tương lai những ảnh hưởng này được dự báo ngày càng nặng nề hơn nếu con người không có giải pháp để thích ứng với BĐKH. Việt Nam chịu nhiều thiên tai liên quan đến BĐKH do vị trí địa lý và địa hình, cũng như sự phát triển kinh tế và tăng dân số, đặc biệt tại vùng đồng bằng và dọc bờ biển ngày càng dễ bị ảnh hưởng và chịu rủi ro vì những đột biến và căng thẳng khí hậu ngày càng gia tăng [7].

     Từ thực tế đó, vấn đề thích ứng với BĐKH đã trở thành mục tiêu thiên niên kỷ và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành và toàn xã hội. Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình ứng phó với BĐKH như Chiến lược quốc gia về BĐKH và giảm nhẹ thiên tai. Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thích ứng với BĐKH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch hành động cụ thể hóa Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, cụ thể đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020”, bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng đưa các nội dung thích ứng với BĐKH vào chương trình giáo dục [5].

     Ngành giáo dục với sứ mệnh cao cả trong nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, với mạng lưới rộng khắp cả nước, với đội ngũ giáo viên hùng hậu, với chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục đóng vai trò to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến việc nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng thích ứng với BĐKH cho thế hệ trẻ.

     Việc tăng cường giáo dục, đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo về BĐKH ở các trường đại học, viện nghiên cứu; lồng ghép các nội dung về thích ứng với BĐKH; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên trong các chương trình giáo dục của các trường đào tạo nghề, các cấp học phổ thông là những nội dung được thực hiện trong chiến lược quốc gia để thích ứng với BĐKH [4]. Thông điệp của ngành Giáo dục trong giai đoạn 2018 - 2023 là: Chủ động thích ứng với BĐKH và phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của ngành giáo dục và của toàn xã hội.

      2. Kết quả nghiên cứu

     2.1. Sơ lược về giáo dục thích ứng với BĐKH ở Việt Nam

     Giáo dục là quá trình truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội qua các thế hệ, giúp cho mỗi cá nhân tích lũy kiến thức, kỹ năng, hình thành văn hóa, đạo đức và đóng góp trí lực giúp xã hội bảo toàn và phát triển nền văn hóa. Giáo dục cung cấp cho con người hệ thống kiến thức khoa học, bồi dưỡng phương pháp tư duy sáng tạo, kỹ năng hoạt động thực tiễn, nâng cao trình độ học vấn, phát triển năng lực của mỗi cá nhân và hình thành lối sống văn hóa [2]. Qua giáo dục con người tham gia một cách có ý thức trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng, là nhân tố tích cực phát triển xã hội đi đôi với BVMT sống. Phát triển giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước xem là quốc sách hàng đầu được thể hiện trong chiến lược phát triển đất nước qua nhiều thời kì.

     Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục được phát triển rộng khắp đất nước từ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học với nhiều loại hình đa dạng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020 cả nước có 5,5 triệu trẻ mầm non, 17 triệu học sinh bậc phổ thông và 1,5 triệu sinh viên chính quy. Tổng số giáo viên, giảng viên khoảng 1,2 triệu người và đội ngũ cán bộ quản lý 154 nghìn người [8][9]. Đây là lực lượng đông đảo chiếm gần 28% dân số cả nước và đây sẽ là đội ngũ tuyên truyền viên hoạt động rộng khắp, có hiệu quả góp phần tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng khắp các vùng miền tổ quốc về vấn đề môi trường nóng bỏng này một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục của Việt Nam là nơi có điều kiện để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về thích ứng với BĐKH và Chiến lược quốc gia về BĐKH.

     Hoạt động giáo dục, đào tạo, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về BĐKH trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động này được thực hiện thông qua các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sự kiện có liên quan. Các hoạt động tuyên truyền, vận động liên quan đến tăng cường thích ứng với BĐKH đã được triển khai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã có chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân về BĐKH. Một số trường đại học, cao đẳng đã đưa môn học BĐKH vào giảng dạy chính khóa. Nhiều trường phổ thông trung học, tiểu học đã có sinh hoạt chuyên đề, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về BĐKH, BVMT, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới…

     Trong chương trình giáo dục Việt Nam đã từng bước đề cập đến vấn đề BĐKH, hậu quả của BĐKH, tuy nhiên chưa tập trung đến đào tạo kỹ năng thích ứng với BĐKH. Việc khai thác các nội dung này chủ yếu tập trung vào việc nâng cao năng lực nhận thức của học sinh, sinh viên, trong khi đó việc hình thành kỹ năng tham gia BVMT, kỹ năng thích ứng trong điều kiện khí hậu thay đổi, thái độ hành vi ứng xử thân thiện với môi trường chưa đạt như mong muốn. Ở các trường phổ thông, chưa hình thành môn học riêng, chưa có tài liệu giảng dạy riêng, do đó chưa được chú trọng và đầu tư một cách đầy đủ về cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên chuyên sâu. Việc lồng ghép một số nội dung môn học chưa mang tính logic, thậm chí quá tải, do đó việc dạy và học khó đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, cần nghiên cứu phương thức và nội dung triển khai giáo dục về thích ứng với BĐKH đối với từng bậc học phù hợp là vấn đề rất cần thiết và cấp thiết.

     2.2. Phát huy vai trò của giáo dục trong thích ứng với BĐKH ở Việt Nam

     Công tác thích ứng với BĐKH là hoạt động lâu dài và phức tạp cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Hiện nay, một trong những hoạt động thích ứng với BĐKH được đánh giá cao là công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp phổ biến kiến thức thông qua các chiến dịch thông tin, giáo dục từ nhiều kênh khác nhau từ đó dẫn đến việc thay đổi hành vi. Trước đây, những hoạt động này ít được chú ý đến và ít được ưu tiên, tuy nhiên tầm quan trọng và tính hiệu quả của chúng càng tăng do đó cần có sự hợp tác, phối hợp, và đầu tư cho công tác giáo dục gắn liền với thích ứng với BĐKH.

     Giáo dục thích ứng với BĐKH hiện nay không chỉ làm cho mọi người hiểu rõ sự cần thiết mà quan trọng hơn là nâng dần ý thức và kỹ năng ứng phó với những vấn đề do BĐKH gây ra. Điều này đòi hỏi quá trình lâu dài bắt đầu từ tuổi ấu thơ, từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Thầy cô giáo có vai trò hết sức quan trọng, là đội ngũ có trách nhiệm trực tiếp trong triển khai đến học sinh, sinh viên trong các điều kiện cụ thể của từng vùng miền. Học sinh, sinh viên là nhân tố cơ bản, là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực nhất, năng động nhất lan tỏa trong xã hội, những kiến thức các em học được từ ghế nhà trường sẽ dần hình thành trong tư duy, chuyển biến hành hành động nếu được chăm lo, bồi dưỡng, động viên đúng cách, những hành động của các em sẽ có tính lan tỏa, khích lệ gia đình, cộng đồng xung quanh và toàn xã hội thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, cách ứng xử của con người đối với xã hội, với môi trường và BĐKH. Đây là lực lượng chủ lực trong thực hiện và duy trì các hoạt động trong xã hội. Vì vậy, việc đầu tư vào hệ thống giáo dục quốc dân trong chiến lược thích ứng với BĐKH là một giải pháp chiến lược lâu dài nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và có tính bền vững cao. Các nhà giáo dục khẳng định: tư cách của một con người, cách ứng xử đối với xã hội và môi trường được hình thành một cách cơ bản trong những năm tháng trên ghế nhà trường, và trong vấn đề thích ứng với BĐKH thì con người là yếu tố quyết định nhất.

     Giáo dục thích ứng với BĐKH phải được thực hiện thường xuyên, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học. Trong điều kiện hiện nay, cần giáo dục thích ứng BĐKH bằng nhiều hình thức, nội dung khác nhau, được tổ chức lồng vào các môn học trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học.

     Đối với giáo dục mầm non, do đặc thù lứa tuổi nên chỉ cần cho các em những nhận thức ban đầu về cuộc sống xung quanh, môi trường xung quanh từ đó khơi gợi tình yêu thiên nhiên, có ý thức nhắc nhở mọi người, góp phần hình thành thói quen, kỹ năng sống thân thiện với môi trường. Cần quan tâm công tác bồi dưỡng giáo viên mầm non về tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ BVMT là vô cùng cần thiết, vì khi giáo viên nhận thức và hiểu biết sâu sắc về nhiệm vụ từ đó sẽ quan tâm đi sâu giáo dục trẻ BVMT. Bên cạnh đó cần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện với môi trường, đầu tư cơ sở vật chất an toàn và thân thiện môi trường, tạo điều kiện cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, thông qua các hoạt động hàng ngày trẻ được củng cố lại kiến thức, hình thành những nề nếp, thói quen tạo cơ sở cho việc hình thành nhân cách tốt đẹp. Công tác giáo dục cần phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh, giữa học và hành cùng trẻ tham gia BVMT và là những tấm gương cho trẻ.

     Đối với giáo dục phổ thông, nên tích hợp vào các môn học chính khóa như Địa lý,Vật lý, Công nghệ, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân… đây là giải pháp hữu hiệu để thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh, hướng thê hệ trẻ trở thành “công dân toàn cầu”, nổ lực hành động để thích ứng với BĐKH. Các nội dung có liên quan đến thích ứng với BĐKH cần được liên kết với chương trình chính khóa và ngoại khóa, việc khai thác các nội dung được tiến hành bằng nhiều phương pháp khác nhau như thuyết trình với sự tham gia tích cực của người học; thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án… Tuy nhiên, cần chú ý tính logic của nội dung và không làm quá tải lượng kiến thức cho học sinh, có thể kết hợp với các giờ sinh hoạt dưới cờ, công tác Đoàn, Đội... Bên cạnh đó nhà trường cần phối hợp với cộng đồng trong giáo dục thích ứng với BĐKH nhằm tạo tác động lớn hơn, tạo môi trường học tập cho học sinh vừa học vừa hành, rèn luyện kỹ năng sống, làm việc từ đó giáo dục thái độ, hành vi, ứng xử chuẩn mực mực phù hợp với môi trường tự nhiên [6]. Tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất từ các ban ngành, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng môi trường học tập thân thiện với môi trường; cần tổ chức nghiên cứu, thiết kế mô hình mô phỏng các thảm họa thiên nhiên do BĐKH gây ra, xây dựng thí điểm lớp học kiểu mẫu, lớp học phòng chống thiên tai ở khu vực đặc thù.

     Đối với giáo dục đại học, cao đẳng, đây là lứa tuổi tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị bước ra xã hội, do đó cần hệ thống hóa kiến thức, có thể thực hiện các môn học chuyên sâu, đây sẽ là lực lượng năng động, tích cực đóng góp thực tế cho xã hội. Cần tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho mỗi sinh viên về vai trò, trách nhiệm của bản thân, chuyển biến thành hành động cụ thể, tạo cho mình thói quen văn hóa trong việc ứng xử với môi trường, đồng thời, tuyên truyền người thân cùng bạn bè chung tay thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm sát sao hơn của các cấp đến công tác này, triển khai thêm nhiều hoạt động tuyên truyền kiến thức về thích ứng BĐKH, thiết lập các chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với sinh viên có sáng tạo trong việc thích ứng với BĐKH, đặc biệt là tổ chức các diễn đàn giao lưu thiết thực để đông đảo sinh viên và người dân cùng tham gia, hiểu biết chung tay thích ứng với BĐKH ở Việt Nam và trên thế giới.

     Đối với nhà giáo, cần tập trung tổ chức bồi dưỡng về thích ứng với BĐKH cho giáo viên đứng lớp, đảm bảo nội dung, phương pháp được phổ biến đến từng giáo viên giảng dạy các nội dung có liên quan. Các trường đại học cần mở rộng đào tạo chuyên ngành về BĐKH và thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó cần quan tâm điều chỉnh chế độ lương, thưởng hợp lí để giúp giáo viên chuyên tâm vào công tác giảng dạy, đầu tư nghiên cứu chuyên môn, đồng thời có chế độ khen thưởng hợp lí đối với giáo viên có thành tích tốt trong việc giáo dục thích ứng với BĐKH và tham gia tốt, phát động tốt các phong trào về thích ứng với BĐKH trong trường học.

     Cần đổi mới hình thức và phương pháp giảng dạy kích thích sự hứng thú, chủ động của người học. Điều quan trọng là cần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phát huy vai trò sáng tạo tích cực của giáo viên, bên cạnh đó, không nên chỉ hạn chế trong bài học khô cứng mà cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Phương pháp này rất hiệu quả để giải quyết khó khăn về quỹ thời gian học tập của học sinh, sinh viên. Giáo dục ngoại khóa có ưu điểm sinh động, gắn liền thực tế, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng vừa có tác dụng rèn luyện nhận thức, thái độ. Các hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, tùy vào lứa tuổi, điều kiện vùng miền có thể lựa chọn nội dung, phương pháp tổ chức phù hợp. Với mục tiêu giáo dục về thích ứng với BĐKH có thể tiến hành nhiều hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, dự án về BVMT, các câu lạc bộ yêu môi trường, các hội thi, trò chơi, thể dục thể thao…

     Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và địa phương. Tổ chức học tập, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường, cán bộ xã phường, các tổ chức đoàn thể về vai trò của BVMT, giáo dục về BĐKH; trong đó, xác định rõ những nội dung trọng tâm cần tuyên truyền; phân giao nhiệm vụ tuyên truyền cho nhà trường, chính quyền địa phương, đoàn thể tại địa bàn có trường học.

     Việc biên soạn tài liệu giảng dạy về BĐKH phù hợp cho từng đối tượng là yêu cầu rất cần thiết và cấp thiết. Bộ giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đầu tư biên soạn tài liệu giảng dạy cho giáo viên, tài liệu tham khảo cho học sinh. Đối với giáo dục phổ thông tiếp tục nghiên cứu tích hợp vào các môn học như Địa lí, Vật lí, Sinh học, Hóa học, Giáo dục công dân… một cách logic, cần nghiên cứu thay đổi cách đánh giá môn học bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đối với cao đẳng, đại học nên có môn học riêng, tài liệu riêng, giúp sinh viên hệ thống kiến thức, đi vào nghiên cứu chuyên sâu. Cần đầu tư xây dựng website về giáo dục thích ứng với BĐKH phục vụ cho giáo dục; xây dựng thư viện bài giảng điện tử về phóng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH cho các cấp học. Với nguồn tài liệu phong phú, thường xuyên được cập nhật sẽ là điều kiện thuận lợi cho công tác tăng cường giáo dục về thích với BĐKH.

     Ngoài ra cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về thích ứng với BĐKH, thông qua các dự án hợp tác của nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giáo dục của các nước và tranh thủ nguồn đầu tư tài chính nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục về ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

     3. Kết luận

     Con đường hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH là tăng cường công tác giáo dục bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tất cả các bậc học và chương trình giáo dục cần được đổi mới và định hướng lồng ghép những nội dung quan trọng cần trang bị cho học sinh, sinh viên. Điều đó có nghĩa là hệ thống giáo dục Việt Nam cần chứa đựng nội dung, tiêu điểm về nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, phương pháp giáo dục cần đa dạng, hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh trãi nghiệm, phát hiện vấn đề và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề dưới sự tổ chức và hướng dẫn của người dạy.

     Tuổi trẻ Việt Nam với bản chất năng động, ham học hỏi sẽ là những tuyên truyền viên cho thay đổi hành vi của xã hội, do đó, việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thích ứng với BĐKH là rất cần thiết và cấp thiết nên cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, đặc biệt là ngành giáo dục.

Phan Thị Trang

Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

 

     Tài liệu tham khảo

     [1] Bộ Giáo dục và đào tạo (2015), Tài liệu hướng dẫn dạy và học về ứng phó với BĐKH.

     [2] Bộ Giáo dục và đào tạo (2013), Tài liệu hướng dẫn dạy và tập huấn ứng phó với BĐKH trong các trường CĐCĐ.

     [3] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho VN, NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

     [4] Cục BĐKH (2020), Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chiến lược 2021-2030, Hà Nội

     [5] Nguyễn Thị Hiền (2019), Giáo dục BĐKH trong trường phổ thông qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore, Tạp chí Giáo dục kỳ 3.

     [6] Nguyễn Khánh Huyền (2019), Biện pháp phối hợp giữa nhà trường và cộng đồng trong giáo dục BVMT cho học sinh trung học cơ sở, Tạp chí giáo dục kì 2.

     [7] Phan Đình Tuấn (chủ biên 2017), Giáo trình BĐKH, NXB khoa học tự nhiên và công nghệ.

     [8] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke.aspx

     [9] https://vneconomy.vn/hon-24-trieu-hoc-sinh-sinh-vien-chinh-thuc-khai-giang-nam-hoc-moi-20190905101349465.htm

   

PROMOTING THE ROLE OF EDUCATION IN CLIMATE CHANGE ADAPTATION

Phan Thi Trang

Soc Trang Community College

     Abstract

     According to a recent International Panel on Climate Change report, Vietnam is one of the countries most affected by climate change. These negative effects include sea level rise, salinity intrusion and weather extremes like flood, drought, typhoon, etc. These will exert on the country’s social development and economy including agriculture, aquaculture, road infrastructure, etc. So people need to be more awareness and enrich their knowledge about the change in climate and adapting with climate change. The article mention promoting education about climate change adaptation in school, along other sollutions, it would be a strategic solution to educate their awareness, attitude and actions.

     Keywords: Vietnam, climate change, education, adaptation, school.

 

Ý kiến của bạn