Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Nâng cao năng lực thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

08/01/2021

     Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định[1]. Giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường bao gồm giám định trong các lĩnh vực chuyên môn: đất đai; tài nguyên nước; địa chất, khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; biển và hải đảo; viễn thám.

     Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm: (1) Người giám định tư pháp (giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc) và (2) Tổ chức giám định tư pháp (tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc).

     Hiện nay, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện dưới sự quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và là công tác luôn được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo. Thực tiễn triển khai cho thấy, hiệu quả thực hiện giám định phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

     1. Người giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

     a. Giám định viên tư pháp

     Tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quy định tại Luật giám định tư pháp năm 2012, Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT.

     Theo đó, giám định viên tư pháp được bổ nhiệm phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, như: Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên thuộc một trong các lĩnh vực chuyên ngành sau đây: đất đai; tài nguyên nước; địa chất, khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; biển và hải đảo; viễn thám; đã trực tiếp làm công tác chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo liên tục từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động[2].

     Giám định viên tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm. Việc lập, công bố, điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp đã được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT. Tuy nhiên hiện nay chưa có giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, lập, công bố, điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp chưa được thực hiện.

     b. Người giám định tư pháp theo vụ việc

     Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc dựa trên quy định tại Điều 18 Luật giám định tư pháp năm 2012 như sau:

     Điều 18. Người giám định tư pháp theo vụ việc

     1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc:

     a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

     b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

     2. Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

     3. Người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật này. Người giám định tư pháp theo vụ việc có quyền và nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6 và 7 Điều 11 của Luật này.

     Việc lập và công bố danh sách và kiện toàn đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc đã được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT và luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo, hàng năm Bộ đều rà soát và có các điều chỉnh kịp thời đối với đội ngũ cán bộ giám định tư pháp theo vụ việc, cụ thể:

     - Năm 2013, Bộ đã ban hành Quyết định số 2443/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 12 năm 2013 công bố Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gồm 55 giám định viên tư pháp theo vụ việc).

     - Năm 2015, Bộ đã ban hành Quyết định số 3563/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 công bố Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gồm 53 giám định viên tư pháp theo vụ việc).

     - Năm 2018, Bộ đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 3 năm 2018 công bố Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gồm 54 giám định viên tư pháp theo vụ việc).

     Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 03 Quyết định công bố Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tính đến nay, số lượng người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ quản lý là 54 người, về cơ bản đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

     Việc lập và công bố danh sách và kiện toàn đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã có chuyển biến nhiều so với trước đây nhưng vẫn chưa kịp thời, chưa có giám định viên tư pháp mà chỉ có giám định viên tư pháp theo vụ việc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hơn nữa, danh sách đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc được lập nhiều khi không sát với thực tế, chưa thực sự bảo đảm chất lượng, chưa sát vào nhu cầu của hoạt động tố tụng cũng có phần nguyên nhân vì thiếu thông tin, số liệu cụ thể từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

     Hằng năm, Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó có pháp luật về giám định tư pháp), bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về giám định tư pháp cho đội ngũ cán bộ thực hiện giám định tư pháp của Bộ, tuy nhiên, hiện nay, phần lớn đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc của Bộ thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu một cách bài bản và có kiến thức pháp lý cần thiết, mà chủ yếu chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy và kinh nghiệm thực tiễn công tác, hệ thống pháp luật trong trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để thực hiện giám định nên còn lúng lúng, khó khăn khi thực hiện giám định. Ngoài ra, giám định tư pháp theo vụ việc kiêm nhiệm nên chủ yếu làm công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định, có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao, trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa bảo đảm.

     2. Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

     Tổ chức giám định tư pháp bao gồm tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường chưa có Tổ chức giám định tư pháp.

     Theo Luật giám định tư pháp quy định thì tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp[3].

     Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập cụ thể là Văn phòng giám định tư pháp mới chỉ được luật quy định thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả[4].

     Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có đủ điều kiện sau đây: Có tư cách pháp nhân; Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp[5].

     Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp, công bố Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc nhưng chưa thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập lĩnh vực tài nguyên và môi trường và cũng chưa lựa chọn, lập, công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

     Ngoài ra, hiện nay chưa có tổ chức giám định tư pháp công lập lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Luật Giám định tư pháp cũng quy định Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định. Do đó chưa có các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo yêu cầu giám định.

     Các yêu cầu/trưng cầu giám định tại địa phương chưa có đủ điều kiện để giám định nên cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu cơ quan giám định ở cấp Trung ương gây quá tải cho cơ quan đó và làm kéo dài thời gian làm giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ việc/vụ án (chủ yếu được gửi đến các cơ quan chuyên môn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường… và hoạt động giám định được thực hiện bởi người giám định tư pháp theo vụ việc).

     Thực tế cũng cho thấy các cơ quan điều tra chưa hướng đến trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực nhà nước nên chưa bảo đảm sự cân đối trong trưng cầu giám định hoặc một số trường hợp cơ quan trưng cầu không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết cho việc thực hiện giám định nên việc bổ sung hồ sơ làm kéo dài thời hạn thực hiện giám định.

      Như vậy hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường chưa được mở rộng và xã hội hóa, chưa đáp ứng được yêu cầu giám định tư pháp trên thực tế.

     Để khắc phục những tồn tại, khó khăn và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên thực tế, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cá nhân, tổ chức giám định, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cụ thể như sau:

     Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại các thành viên giám định theo vụ việc, bảo đảm các lĩnh vực trong Bộ đều có cán bộ tham gia giám định tư pháp, bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Luật Giám định tư pháp. Từ đó thiết lập hệ thống danh sách các giám định viên tư pháp bảo đảm được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; có sự tham gia của cán bộ quản lý các lĩnh vực trong Bộ, cũng như các cán bộ đã nghỉ hưu có kinh nghiệm chuyên môn. Việc lựa chọn, bổ nhiệm, lập, công bố danh sách giám định viên tư pháp tài nguyên và môi trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật:

     Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định, lập danh sách và gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp tài nguyên và môi trường đối với từng người được đề nghị bổ nhiệm đến Vụ Pháp chế xem xét hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

     Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

     Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp lĩnh vực tài nguyên và môi trường để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong thời gian qua.

     Thứ ba, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Cụ thể, cần mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định đối với các lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng có nhu cầu cao, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức giám định nhất là trong thời gian đầu mới thành lập vì đây là lĩnh vực khó và trách nhiệm cao. 

     Thứ tư, người giám định phải tuân thủ quy chuẩn chuyên môn của chuyên ngành đó. Giám định phải được tiến hành theo một trình tự nhất định, không chủ quan, võ đoán, hay bỏ qua một bước, một khâu nào trong quá trình giám định. Tuân theo quy chuẩn chuyên môn là cơ sở để đánh giá kết luận giám định, đảm bảo tính đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ án.

     Thứ năm, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác giám định tư pháp. Cụ thể, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giám định tư pháp; đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức tập huấn để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp.

     Thứ sáu, xác lập, duy trì cơ chế thông tin, phối hợp giữa các Bộ, ngành, nhất là quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trưng cầu và các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý giám định tư pháp, trong đó xác định rõ nội dung, cách thức, cơ chế phối hợp cho phù hợp với tính chất đặc thù của giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường:

     - Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan được trưng cầu giám định để nội dung trưng cầu giám định sát với yêu cầu giám định; phù hợp với tính chất chuyên môn theo từng lĩnh vực; cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết cho việc thực hiện giám định để việc thực hiện giám định có hiệu quả và đảm bảo thời hạn quy định.

     - Cơ quan điều tra cần cung cấp hồ sơ đầy đủ, kịp thời để các cán bộ giám định có đủ căn cứ và thời gian nghiên cứu hồ sơ để trả lời theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

     - Trường hợp hồ sơ các vụ việc nhiều trường hợp có sự đan xen và liên quan đến nhiều quy định pháp luật của các lĩnh vực khác nhau, đề xuất Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị Bộ Tư pháp có ý kiến về vấn đề áp dụng pháp luật để đảm bảo theo đúng chức năng được Chính phủ giao. Tổ giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ giám định các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai.

     Một số yêu cầu giám định liên quan đến tài chính (gây thiệt hại, thất thoát ngân sách nhà nước là bao nhiêu tiền), đề xuất Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) trưng cầu giám định viên của Bộ Tài chính đề nghị giám định theo đúng chức năng được giao để có kết luận đúng theo quy định của pháp luật

     Thứ bảy, chú trọng tăng cường công tác phổ biến, quán triệt về nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan về thực hiện các nhiệm vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành chủ quản, cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm cụ được giao theo kế hoạch liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong triển khai Luật Giám định tư pháp năm 2012.

     Thứ tám, bảo đảm nguồn kinh phí chi trả chi phí giám định cũng như giải quyết vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán chi phí giám định tư pháp; rà soát, thống kê và có phương án cấp bổ sung kinh phí để thanh quyết toán, chi trả cho hết số nợ chi phí giám định, tiền bồi dưỡng giám định kéo dài nhiều năm nay; lập mục chi ngân sách riêng về kinh phí chi trả chi phí giám định tư pháp cho các cơ quan điều tra.

      Thứ chín, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở cấp Bộ và địa phương.

ThS. Nông Ánh Dương, ThS Hoàng Bích Hồng

Viện Khoa học Môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2020)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Giám định tư pháp năm 2012.
  2. Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.
  3. Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
  4. Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2014 quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
  5. Báo cáo việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 9 tháng 5 năm 2019.
  6. ThS.Trần Diện (2009), Xã hội hóa giám định tư pháp ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ luật học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 


[1] Khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp năm 2012

[2] Điều 3 Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT

[3] Điều 12 Luật giám định tư pháp năm 2012

[4] Điều 14 Luật giám định tư pháp năm 2012

[5] Điều 19 Luật Giám định tư pháp năm 2012

Ý kiến của bạn