Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Kết quả xác định mức phát thải khí nhà kính theo GRDP tỉnh Bình Dương

19/07/2021

     Tóm tắt:

     Bài báo này sử dụng các hệ số phát thải theo hướng dẫn trong tài liệu của IPCC năm 2006 và IPCC năm 2019 cải tiến, kết hợp với các nghiên cứu xác định hệ số phát thải cụ thể đối với điều kiện của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa, chăn nuôi). Theo đó, ước tính tổng phát thải khí nhà kính (KNK) năm 2019 của tỉnh Bình Dương khoảng 20.406 nghìn tấn CO2 tđ/năm, thuộc nhóm phát thải cao so với cả nước. Phát thải KNK tính theo GRDP của tỉnh là 61,6 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng, thấp hơn so với mức phát thải trung bình của cả nước năm 2018 là 71,4 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng. Nếu tính theo tổng lượng phát thải KNK trên GRDP theo sức mua tương đương (PPP), phát thải của tỉnh Bình Dương năm 2019 là khoảng 0,51 tấn CO2 tđ/ppp GDP (1000 USD). Trong đó, giao thông là lĩnh vực có mức phát thải KNK theo GRDP cao nhất; quản lý chất thải có mức phát thải KNK theo GRDP cao thứ hai, trong khi năng lượng cố định là ngành có phát thải cao nhất của tỉnh nhưng với giá trị GRDP đạt được của ngành cũng rất cao dẫn đến mức phát thải theo GRDP của ngành nằm trong nhóm phát thải/GRDP thấp. Xét riêng các ngành sản xuất công nghiệp, cường độ phát thải theo GRDP của các ngành công nghiệp chính ước tính khoảng 44,1 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng.

     Keywords: Khí nhà kính, CO2 tương đương, GRDP, cường độ phát thải, Bình Dương.

     Nhận bài: 14/5/2021; Sửa chữa: 18/5/2021; Duyệt đăng: 22/5/2021.

     1. Đặt vấn đề

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một thách thức đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là khu vực kinh tế trong điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm lượng phát KNK toàn cầu cũng như hiểu rõ mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, Việt Nam đã ủng hộ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKh và chủ động tham gia các thỏa thuận pháp lý liên quan đến giảm nhẹ BĐKH. Cụ thể, Việt Nam đã ký Công ước Khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; Nghị định thư Kyoto năm 1998, phê chuẩn năm 2002; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto; gửi Ban Thư ký Công ước Khí hậu Thông báo quốc gia lần thứ nhất (năm 2003), lần thứ hai (năm 2010) và lần thứ ba (năm 2019); Báo cáo Cập nhật hai năm/lần lần thứ nhất (năm 2014) và lần thứ hai (năm 2018); phản ánh những nỗ lực mới nhất về việc ứng phó với BĐKH và kiểm kê KNK. Đến nay, Việt Nam chưa có kết quả báo cáo kiểm kê KNK cho năm 2018. Do đó, lượng phát thải KNK năm 2018 được dự báo dựa vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ước tính khoảng 407.668 nghìn tấn/năm. Giá trị này tương ứng với các kết quả ước tính của báo cáo của JRC thuộc Ủy ban châu Âu về tình hình phát thải KNK và CO2 từ hóa thạch của tất cả các nước trên thế giới - Báo cáo năm 2019 [1] và Báo cáo của Cơ quan Đánh giá môi trường Hà Lan thực hiện năm 2018 [2] về tổng lượng phát thải KNK của Việt Nam trong năm 2018 là trên 400 Mt CO2 tđ/năm.

     Với những tác động rõ rệt của KNK, các nước trên thế giới đã tiến hành kiểm kê, hướng tới mục tiêu giảm phát thải KNK nhằm hạn chế, phòng ngừa ứng phó với BĐKH. Một số tỉnh/thành phố lớn của nước ta hiện nay, trong đó có Bình Dương, với đặc trưng là địa phương phát triển ngành công nghiệp, tốc độ đô thị hóa cao, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và sự gia tăng của phát thải KNK. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế. 

     Báo cáo này tập trung vào việc xác định hệ số phát thải phù hợp với tỉnh Bình Dương và tính toán phát thải KNK cho toàn tỉnh năm 2019; xác định mức phát thải theo GRDP của từng ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để đánh giá cường độ phát thải KNK, từ đó đề xuất các giải pháp giảm phát thải một cách hiệu quả.

     2. Phạm vi, nội dung và phương pháp nghiên cứu

     2.1. Phạm vi nghiên cứu

     Bài báo chỉ xem xét và đánh giá phát thải theo phạm vi 1 (Phát thải KNK từ các nguồn trong phạm vi tỉnh/thành) và phạm vi 2 (Phát thải KNK do sử dụng hệ thống điện, nhiệt, hơi nước và/hoặc làm lạnh).

     Những KNK được tính toán bao gồm: Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4), Nitrous oxide (N2O), v Sulphur hexafluoride (SF6). Các KNK khác được trình bày trong Hướng dẫn của IPCC năm 2006 nhưng nghiên cứu này không đề cập đến vì lượng phát thải không đáng kể.

     2.2. Thu thập tài liệu sơ cấp

     Nhóm tác giả sử dụng phiếu điều tra để thu thập thông tin từ các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sử dụng phần mềm Excel để xử lý số liệu, kiểm tra việc nhập dữ liệu, tính toán và chỉnh sửa các sai sót (nếu có).

     2.3. Tính toán phát thải KNK

     Về phương pháp tính phát thải KNK, nhóm tác giả chọn phương pháp tính toán lượng phát thải KNK dựa theo hệ số phát thải theo Hướng dẫn của IPCC năm 2006 (các tập 1, 2, 3, 4, 5) và IPCC năm 2019 cải tiến. Ngoài ra, kết hợp với các nghiên cứu về xác định hệ số phát thải KNK được thực hiện ở một số lĩnh vực khác nhau nhằm đề xuất các hệ số phát thải cụ thể hơn đối với điều kiện của Bình Dương, điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa [8], chăn nuôi [9])

     Bảng 1. Các hệ số phát thải sử dụng cho từng lĩnh vực tính toán

STT

Lĩnh vực

Hệ số

Ghi chú

1

Năng lượng

 

 

 

Tiêu thụ điện năng

Sử dụng hệ số phát thải CO2 đối với lưới điện quốc gia

  • Năm 2017: 0,8649 Tấn CO2/MWh [3]
  • Năm 2018: 0,9130 Tấn CO2/MWh [4]
 

Tiêu thụ nhiên liệu

Theo IPCC [5]

 

2

Giao thông

 

 

 

Phương án 1

Dựa theo tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu theo tiểu lĩnh vực và loại nhiên liệu tại Việt Nam

 

 

Phương án 2

Theo IPCC [5]

Phát thải KNK = nhu cầu vận tải x tổng mức tiêu thụ nhiên liệu x hệ số phát thải

3

Công nghiệp

 

 

 

Sản xuất xi măng

Dựa vào năng lượng điện sử dụng cho máy nghiền ximăng, ước tính 44,14 kWh/tấn sản phẩm

Do không có quá trình sản xuất clinker, không có trong hướng dẫn của IPCC

 

Sản xuất thép

Theo IPCC [5]

Hệ số phát thải được chọn theo giá trị của “hệ số trung bình của thế giới”

 

Sản xuất Nhôm (tái chế)

Dựa vào năng lượng điện sử dụng, ước tính 744 KWh/tấn sản phẩm

 

 

Máy cắt điện cao thế

Theo IPCC [5]

Giá trị của châu Âu được sử dụng cho tính toán.

4

Chất thải

 

 

 

Hoạt động chôn lấp CTR

  • Hằng số tốc độ sinh khí CH4 (k): 0,4 năm-1
  • Khả năng sinh khí CH4 (Lo): 176 m3/tấn
  • Tỷ lệ CH4 trong khí rác: 50%

Sử dụng mô hình LandGEM [6]

 

PP sinh học

Theo IPCC [5]

 

 

Lò đốt và đốt lộ thiên

Theo IPCC [5]

Chỉ số phát sinh chất thải rắn phát sinh bình quân đầu người là 1,13 kg/người/ngày [7]

 

Nước thải sinh hoạt

Theo IPCC [5]

 

 

Nước thải công nghiệp

Theo IPCC [5]

Tính toán đối với các KCN tập trung

5

Nông nghiệp

 

 

 

Trồng trọt

382,77 (kg CH4/ha)

Vận dụng kết quả từ nghiên cứu Nghiên cứu phát thải khí Mêtan từ hoạt động trồng lúa ở Việt Nam [8]

 

Sử dụng phân bón

Theo IPCC

 

 

Chăn nuôi

Theo IPCC

+ Quá trình tiêu hóa thức ăn: Bò (27 Kg CH4/con/năm), Trâu (49 Kg CH4/con/năm).

+ Quản lý chất thải: Bò (2,4 Kg CH4/con/năm), Trâu (2,8 Kg CH4/con/năm).

Riêng phát thải CH4 từ quá trình tiêu hóa và quản lý chất thải của Trâu và Bò: Vận dụng kết quả từ nghiên cứu trên trâu, bò VN [9]

 

6

Sử dụng đất

Theo IPCC

 

     Giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) trong khoảng thời gian 100 năm của các KNK (hệ sốchuyển đổi so với CO2) mới nhất được điều chỉnh từ Báo cáo Đánh giá lần thứ 5 của IPCC, 2014 (AR5). Thông báo quốc gia lần thứ 3 của Việt Nam tới UNFCCC đã sử dụng các giá trị GWPs của Báo cáo đánh giá lần thứ 4. Tuy nhiên, IPCC khuyến nghị các quốc gia sử dụng GWPs mới nhất, do đó trong nghiên cứu này sẽ sử dụng giá trị GWP theo Báo cáo đánh giá lần 5.

     Bảng 2. Bảng giá trịtiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP)

Khí nhà kính

GWP (AR4)

(theo báo cáo đánh giá lần 4)

GWP (AR5)

(theo báo cáo đánh giá lần 5)

CO2

1

1

CH4

25

28

N2O

298

265

SF6

22.800

23.500

     3. Kết quả và thảo luận

     Tổng phát thải KNK năm 2019 của tỉnh Bình Dương ước tính khoảng 20.406 nghìn tấn CO2 tđ/năm, trong đó, lĩnh vực năng lượng cố định và lĩnh vực giao thông phát thải cao nhất (chiếm khoảng 88%); lĩnh vực quản lý chất thải chiếm vị trí thứ hai nhưng chỉ có 6,9%; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (3,6%); lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 1,3%; lĩnh vực chuyển mục đích sử dụng đất chiếm tỷ lệ rất thấp (0,01%).

     Bảng 3. Tổng hợp phát thải khí nhà kính Tỉnh Bình Dương năm 2019

Lĩnh vực

Đơn vị

Phát thải

Năng lượng cố định

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

14.634,13

Giao thông

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

3.347,42

Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

739,44

Chất thải

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

1.417,41

Nông nghiệp, lâm nghiệp

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

265,56

Chuyển mục đích sử dụng đất

Nghìn tấn CO2 tđ/năm

2,74

Tổng cộng

20.406,70

 

Hình 1. Biểu đồ tỷ lệ phát thải khí nhà kính tỉnh Bình Dương năm 2019

     Tổng giá trị GRDP trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm  2019 của các khu vực kinh tế chính là 331.097.342triệu đồng [10]. Trong đó:

  • Khu vực I (Nông, Lâm, Thủy) đạt 2,9%
  • Khu vực II (Công nghiệp, Xây dựng) là 72,7%
  • Khu vực III (Dịch vụ) duy trì ở mức 24,4%

Hình 2. Giá trị GRDP phân theo khu vực kinh tế tỉnh Bình Dương năm 2019

     Cường độ phát thải thường được đo bằng mức độ phát thải KNK trên một đơn vị GRDP (sản lượng kinh tế). Dữ liệu GRDP cho chỉ số này thường được trình bày theo tiêu chuẩn sức mua tương đương (PPP), do đó, loại bỏ những sai lệch do chênh lệch mức giá giữa các quốc gia. Việc xem xét mối quan hệ này từ góc độ phát triển bền vững nhằm phân tích xem liệu phát thải KNK có thể tách khỏi tăng trưởng kinh tế hay không. Nói cách khác, để xác định xem áp lực môi trường có liên quan đến tăng trưởng kinh tế như thế nào? Kết quả tính toán tại tỉnh Bình Dương cho thấy, có mối tương quan thuận giữa giá trị sản xuất GRDP và phát thải KNK. Như vậy, lượng phát thải CO2 tăng là do kết quả của tăng trưởng kinh tế, kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Jenny Cederborg & Sara Snöbohm (2016). [11]

     Mức phát thải theo GRDP của tỉnh Bình Dương năm 2019 là 61,6 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng, thấp hơn so với mức phát thải trung bình của cả nước là 71,4 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng (năm 2018). Nếu tính theo tổng lượng phát thải CO2 chia cho tổng giá trị của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP), thì phát thải của tỉnh Bình Dương năm 2019 là khoảng 0,50 tấn CO2 tđ/ppp GDP (1000 USD), còn của Việt Nam ước tính năm 2018 là 0,57 tấn CO2 tđ/ppp GDP (1000 USD).

   

Hình 3. Cường độ phát thải KNK theo GRDP của các lĩnh vực

     Xét theo từng lĩnh vực:

  • Giao thông là lĩnh vực có mức phát thải KNK theo GRDP cao nhất. Nguyên nhân có thể là do thu nhập bình quân đầu người tăng và tăng trưởng dân số cũng như di cư nông thôn/thành thị đang ngày càng làm gia tăng nhu cầu đi lại. Trong khi đó, thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng ô tô đang nhanh chóng thay thế xe máy, đặc biệt là ở các thành phố lớn; đồng thời, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng vẫn còn thấp, một phần do mức độ phát triển mạng lưới giao thông công cộng thấp, một phần do tính thuận tiện của phương tiện cá nhân, là nguyên nhân hàng đầu làm tiếp tục tăng phát thải LNL từ hoạt động này.
  • Lĩnh vực quản lý chất thải tại Bình Dương có mức phát thải KNK theo GRDP cao thứ hai, với nguồn phát thải chủ yếu từ hoạt động xử lý chất thải rắn (do còn tình trạng đốt lộ thiên chất thải rắn) và việc xử lý nước thải.
  • Năng lượng cố định là ngành có phát thải cao nhất của tỉnh, nhưng giá trị GRDP đạt được của ngành cũng rất cao, do đó, mức phát thải theo GRDP của ngành nằm trong nhóm phát thải/GRDP thấp (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất).

     Xét riêng về phát thải từ các ngành công nghiệp chính:

  • Phát thải KNK từ các ngành công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng phát thải KNK của tỉnh. Ước tính cường độ phát thải theo GRDP của các ngành công nghiệp chính là khoảng 44,1 tấn CO2 tđ/ tỷ đồng.
  • Tăng trưởng kinh tế thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn các tài nguyên liên quan đến năng lượng, dẫn đến tăng phát thải CO2. Các ngành công nghiệp: Luyện kim, chế biến các sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm… có phát thải CO2 tđ cao, đồng thời giá trị GRDP thu được của 2 ngành này cũng rất cao. Tuy nhiên, một số ngành có GRDP thấp nhưng phát thải KNK lại khá cao: Ngành công nghiệp khai khoáng, khoáng phi kim và chế biến mủ cao su. Nguyên nhân có thể là do nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch khá lớn hiện nay, ngoài ra, công nghệ sản xuất cũng như thiết bị máy móc sử dụng còn lạc hậu.

Hình 4. Cường độ phát thải KNK phân theo các ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương

     Nếu tính phát thải theo đầu người trung bình năm 2019 của tỉnh Bình Dương là 8,31 tấn CO2 tđ/người, cao hơn so với trung bình chung của cả nước năm 2018 (ước tính là 4,27 tấn CO2 tđ/người) và cao hơn cả TP. Hồ Chí Minh năm 2018 (khoảng 4,38 tấn CO2 tđ/người). Điều này có thể lý giải vì Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp khá mạnh, trong khi đó, dân số của tỉnh không cao, chỉ khoảng 2,5 triệu người, nên tính theo bình quân theo đầu người, tỷ số phát thải/người sẽ cao. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh tuy cũng phát triển công nghiệp khá mạnh, nhưng các hoạt động kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, du lịch… cũng là thế mạnh và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, thêm vào đó, dân số của TP. Hồ Chí Minh lại gấp hơn 4 lần so với Bình Dương. Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh/thành phố phát triển công nghiệp khác ở Trung Quốc (Thượng Hải khoảng 9,5 tấn CO2 tđ/người), Mỹ (California khoảng 10,7 tấn CO2 tđ/người) thì mức phát thải của tỉnh Bình Dương vẫn ở mức thấp hơn.

     4. Kết luận

     Kết quả xác định lượng phát thải KNK tại Bình Dương có xu hướng tăng trong những năm gần đây, đồng thời, phát thải KNK trên một đơn vị GRDP cũng tăng. Một mặt là do nhu cầu sử dụng năng lượng khá lớn để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa - đô thị hóa, mặt khác, có thể do công nghệ sản xuất cũng như thiết bị máy móc sử dụng còn lạc hậu, làm tăng lượng phát thải LNL. Nhìn chung, phát thải KNk chưa thể tách khỏi tăng trưởng kinh tế, việc tạo ra của cải vẫn còn bị phụ thuộc vào sử dụng nhiều năng lượng.

     Ngành năng lượng vẫn là nguồn chủ yếu phát thải KNK của toàn tỉnh. Trong đó, phát thải do tiêu thụ năng lượng điện chiếm chủ yếu (gần 70%), nguyên nhân là do cường độ sử dụng năng lượng của Bình Dương nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Xét riêng từng ngành, sản xuất công nghiệp là nguồn phát thải KNK do tiêu thụ điện năng lớn nhất (48,45%), tiếp theo là phát thải do hoạt động sinh hoạt dân dụng (10,92%). Trong phát thải do sử dụng nhiên liệu, phát thải từ hoạt động giao thông là nguồn lớn nhất (19,67%), đứng thứ hai là sản xuất công nghiệp (10,67%). Do vậy, việc xem xét giảm phát thải KNk nên tập trung vào các hoạt động có lượng phát thải khá lớn này.

Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Phước1

Tào Mạnh Quân, Nguyễn Thế Tùng Lâm2

 1Hội Nước và Môi trường TP.Hồ Chí Minh

2Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bình Dương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2021)

     Tài liệu tham khảo:

  1. Crippa, M., Oreggioni, G., Guizzardi, D., Muntean, M., Schaaf, E., Lo Vullo, E., Solazzo, E., Monforti-Ferrario, F., Olivier, J.G.J., Vignati, E. Fossil CO2 and GHG emissions of all world countries - 2019 Report. JRC SCIENCE FOR POLICY REPORT, 2019.
  2. J.G.J. Olivier and J.A.H.W. Peters. Trends In Global CO2 and Total Greenhouse Gas Emissions - 2019 Report.
  3. Công văn số 330/BĐKH-GNPT, ngày 29/3/2019 của Cục BĐKH - Bộ Tài nguyên và môi trường.
  4. Công văn số 263/BĐKH-TTBVTOD ngày 12/3/2020 của Cục BĐKH - Bộ Tài nguyên và môi trường.
  5. IPCC (2006), IPCC (2019), IPCC Guidelines for National Greenhouse Gas Inventories.
  6. EPA, LandGEM (Landfill Gas Emissions Model) v3.02
  7. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2019 - chuyên đề chất thải rắn.
  8. Nguyễn Việt Anh (2010), Một số kết quả nghiên cứu về quản lý nước mặt ruộng nhằm giảm phát thải khí mêtan, tiết kiệm nước và không giảm năng suất lúa trên đất phù sa trung tính đồng bằng sông Hồng, Đại học Thủy Lợi
  9. Nguyễn Mộng Cường (2008), Trung tâm nghiên cứu Biến đổi Khí hậu và Phát triển Bền vững đã có nghiên cứu “Cải thiện các Hệ số phát thải (EF) trong Kiểm kê khí nhà kính tiểu khu vực chăn nuôi (Trâu, Bò) Việt Nam”
  10. Niên giám thống kê Tỉnh Bình Dương, 2018 - 2019.
  11. Jenny Cederborg & Sara Snöbohm , Södertörns University - Institution of Social Sciences, 2016 “Is there a relationship between economic growth and carbon dioxide emissions?”.

 

DETERMINATION RESULTS OF GREENHOUSE GAS EMISSIONS ACCORDING TO GRDP OF BINH DUONG PROVINCE

Nguyen thi Thu Hien, Nguyen Van Phuoc1

Tao Manh Quan, Nguyen The Tung Lam2

 1HCMC Association of Water and Environment

2Binh Duong center of Natural Resources and Environment Technical -Monitoring

     Abstract:

     This paper uses emission factors as guided in IPCC 2006 and IPCC 2019 Refinement, combined with the emission factors studied specific to the Vietnam 's events in the agricultural sector (rice cultivation, livestock). Accordingly, it is estimated that Binh Duong's total greenhouse gas (GHG) emissions in 2019 are about 20,406 thousand tons of CO2eq/ year, belonging to the group of high emitters compared to the whole country. GHG emissions calculated according to the province's GRDP are 61.6 tons CO2/ billion VND, lower than the average emission level of the whole country in 2018 of 71.4 tons CO2 /billion VND. If calculating the total GHG emissions in the GRDP based on purchasing power parity (PPP), Binh Duong's emissions in 2019 are about 0.51 tons CO2eq / ppp GDP (1000 USD). In particular, transport is the sector with the highest GHG emissions/GRDP, waste management has the second highest GHG emissions/GRDP, while energy is the sector with the highest emissions but with the achieved GRDP value of the sector is also very high, leading to low GRDP emissions/ GRDP. Regarding industrial sectors, the emission intensity according to GRDP of major industries is estimated at 44.1 tons CO2/ billion VND.

     Keywords: Greenhouse gas, CO2 eq, GRDP, emission intensity, Binh Duong Province.

 

Ý kiến của bạn