11/10/2021
Tóm tắt
Năm 2021 là năm được Liên hợp quốc phát động cho một thập kỷ (2021 - 2030) phục hồi của các hệ sinh thái (HST) trên thế giới, giúp xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Là một quốc gia có HST đa dạng, phong phú, có giá trị ĐDSH cao, nhưng trước những áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng BĐKH, Việt Nam đang nỗ lực để bảo tồn, phục hồi các HST, nét đẹp của tự nhiên, hướng đến phát triển bền vững.
Từ khóa: Hệ sinh thái, thách thức, giải pháp phục hồi.
Nhận bài: 17/8/2021; Chỉnh sửa: 20/8/2021; Duyệt đăng: 26/8/2021.
Hiện trạng các HST tại Việt Nam
Có thể nói, địa hình và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các HST tự nhiên trên phần lục địa và trên biển. Một số HST vĩ mô của Việt Nam phù hợp với cách phân loại quốc tế như sau:
Bảng 1: Các HST vĩ mô ở Việt Nam
STT |
HST vĩ mô |
Khu vực phân bố |
1 |
HST núi |
Miền núi phía Bắc, Miền Trung, Tây nguyên |
2 |
HST đồi |
Các tỉnh Trung du |
3 |
HST ven sông |
Dọc các con song lớn |
4 |
HST nước nội địa |
Các ao, hồ, đất ngập nước |
5 |
HST nông nghiệp |
Đất trồng, cánh đồng |
6 |
HST nông thôn |
Các làng, xã |
7 |
HST thành thị |
Các thành phố, thị trấn, thị tứ |
8 |
HST mỏ |
Các mỏ khai khoáng, than, Boxit |
9 |
HST rừng |
Các khu vực có rừng |
10 |
HST đồng cỏ |
Các đồng cỏ |
11 |
HST ven biển |
Các vùng ven biển |
12 |
HST đảo |
Các hòn đảo |
13 |
HST nước mặn |
Các vịnh, biển |
14 |
HST rừng ngập mặn |
Các khu rừng ngập mặn |
Ở Việt Nam, có nhiều HST vĩ mô khác nhau, tuy nhiên, tác giả chỉ điểm 14 HST vĩ mô như trên. Nếu phân tích tới các HST vừa và vi mô, sẽ còn rất nhiều HST khác nữa. Sau đây, tác giả chỉ phân tích một số HST vĩ mô như HST rừng, HST đất ngập nước và HST nước mặn.
HST rừng
HST rừng (HSTR) chiếm tỷ lệ lớn ở Việt Nam, bao gồm các kiểu HST: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới; rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi; rừng lá kim tự nhiên; rừng thưa cây họ dầu; rừng khô hạn tự nhiên; rừng tràm đầm lầy nước ngọt; rừng tre, nứa; rừng ngập mặn. Bên cạnh các kiểu HSTR trên, các nhà khoa học còn phân chia 14 kiểu thảm thực vật rừng theo các yếu tố sinh thái. Dựa trên các yếu tố tự nhiên về khí hậu, địa hình, địa chất, thổ nhưỡng trên phần lục địa Việt Nam cho thấy, có 8 vùng sinh thái lâm nghiệp với 47 tiểu vùng có các đặc trưng riêng về kiểu thảm thực vật và cảnh quan.
Các khu rừng ở Việt Nam là nơi cư trú và sinh sống của hầu hết các loài động, thực vật hoang dã trên cạn, đồng thời cũng là nơi có ĐDSH cao nhất. Năm 1990, diện tích rừng là 9.175.000 ha, độ phủ của rừng chỉ chiếm 27,8%, nhưng nhờ phát triển trồng rừng mà đến năm 2017, diện tích rừng tăng lên 14.415.381 ha và độ phủ đạt 41,45%. Tuy nhiên, số liệu này vẫn còn thấp so với yêu cầu vì diện tích đất trống, đồi núi trọc vẫn còn tới hơn 2 triệu ha (Bộ NN&PTNT, 2017).
Trên cơ sở các nhóm nhân tố sinh thái khác nhau, các tác giả đã phân chia thảm thực vật rừng Việt Nam thành 8 HST chủ yếu dựa vào điều kiện sinh thái và đặc điểm cấu trúc nội tại của mỗi kiểu. Mỗi HST được coi là một kiểu rừng chính, mỗi kiểu rừng còn có các kiểu phụ miền và các ưu hợp chỉ thị mỗi HST được mô tả kỹ theo các đặc điểm phân bố, sinh thái và cấu trúc như: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; Rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới; Rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi; Rừng lá kim tự nhiên; Rừng thưa cây họ dầu; Rừng ngập mặn; Rừng tram; Rừng tre nứa (Nguyễn Ngọc Lung và nnk, 2010).
HST dất ngập nước
Hướng dẫn kỹ thuật phân loại đất ngập nước (ĐNN) của Tổng cục Môi trường được dùng cho các hoạt động liên quan đến điều tra, thống kê, kiểm kê ĐNN phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH và sử dụng khôn khéo tài nguyên ĐNN. Theo đó, hệ thống phân loại ĐNN ở Việt Nam bao gồm 3 nhóm với 26 kiểu, trong đó, các kiểu HST tương đương với các HST vi mô: Nhóm 1, ĐNN ven biển có 9 kiểu (thảm cỏ biển, rạn san hô, các vùng cửa sông, rừng ngập mặn (RNM), đầm phá, vùng biển nông, địa hình các-xtơ, vách đá, đất vùng gian triều); Nhóm 2, ĐNN nội địa gồm 8 kiểu (sông suối có nước thường xuyên, nước theo mùa, hồ, than bùn, ĐNN có cây bụi, cây gỗ, khu nước nóng, hệ thống tủy văn ngầm); Nhóm 3, ĐNN nhân tạo có 9 nhóm (nuôi trồng thủy sản nước mặn, nợ, đồng cói, đồng muối, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đất nông nghiệp, hồ nhân tạo, moong khai thác khoáng sản, hồ nước thải, sông đào) (Bộ TN&MT, 2013).
Hình 1. Diễn biến diện tích RNM giai đoạn 2010 - 2017
(Nguồn báo cáo Bộ NNPTNT, 2018)
Các nghiên cứu cho thấy, từ năm 1975, diện tích RNM bị suy giảm chủ yếu do bị chặt phá để nuôi tôm, thủy sản và bi chuyển đổi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư, kinh tế khác. Đến năm 2016, 2017, diện tích RNM tăng là do hoạt động trồng rừng mới trên đất mới bồi.
Thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam có 14 loài, phân bố ở hầu hết các vùng nước triều thuộc một số loại thủy vực ven bờ và ven các đảo Việt Nam, trừ vùng triều ở các cửa sông lớn là sông Hồng ở phía Bắc, sông Cửu Long ở phía Nam. Đây là HST có năng suất sinh học cao, đồng thời có hệ động vật biển sống trong thảm khá đa dạng. Quần xã sinh vật trên các thảm cỏ biển ở Việt Nam ước tính gần 1.500 loài sinh vật khác nhau, trong đó các thảm cỏ ven bờ có hơn 1.000 loài (Cao Văn Lương và nnk. (2014). Những khu vực có thảm cỏ với diện tích lớn, tập trung hiện nay chỉ còn trong các đầm phá ven bờ miền Trung, chiếm khoảng hơn 75% tổng diện tích các thảm cỏ ven bờ.
HST biển
Vùng biển Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng trên 1 triệu km2. Trên cơ sở về điều kiện tự nhiên, môi trường biển và giới sinh vật biển, vùng biển Việt Nam có khoảng 20 kiểu HST biển. Các HST biển điển hình ở đới ven bờ như bãi triều, RNM cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các HST vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, đặc biệt vùng nước và vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) (Báo cáo ĐDSH quốc gia, 2018).
Tuy chưa có tài liệu chính thống phân loại HST biển (ngoại trừ tài liệu về phân loại ĐNN), nhưng các nhà khoa học cũng xác định vùng biển nước ta có khoảng 20 kiểu HST điển hình, phân bố trên 1 triệu km2, với 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển... Ngoài ra, với 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ngoài khơi và vùng lãnh hải gắn với bờ biển rộng đến 226.000 km2 là nơi có đặc trưng cho các HST đảo (Báo cáo ĐDSH quốc gia, 2018).
Thách thức đối với HST tại Việt Nam
Mặc dù, diện tích rừng tăng từ 7,8 triệu ha (năm 1981) lên 14,6 triệu ha (năm 2019), nhưng hiện tượng mất rừng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, từ vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Hiện tượng mất rừng và phá vỡ sự gắn kết các mảng rừng làm cho rừng trở nên manh mún, khá phổ biến tại các khu rừng tự nhiên. Bên cạnh HSTR, BĐKH cũng làm cho các HST vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích, nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các quần thể động, thực vật có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi sự tương tác giữa sông - biển ở vùng cửa sông ven bờ và mất tới 60% các nơi cư trú tự nhiên.
Cùng với đó là sự suy giảm nhanh chóng của HST san hô, thảm cỏ biển, ngoài nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động phát triển kinh tế của con người, BĐKH cũng là yếu tố lớn, đe dọa đến các HST quan trọng này. Nhiệt độ nước biển tăng cao, cùng bức xạ mặt trời vượt khả năng chịu đựng của san hô, khiến chúng trở thành màu trắng (hiện tượng tẩy trắng san hô). Những hoạt động phát triển kinh tế của con người đã hủy hoại môi trường sống, làm suy giảm chất lượng nước và trầm tích. Bên cạnh đó, các hoạt động của thiên tai như bão, hoạt động của dòng chảy ven biển, sự vận chuyển trầm tích và phù sa vào mùa lũ của các sông, hay mực nước biển dâng cao cũng là những mối đe dọa đến các thảm cỏ biển. Trong khi, cơ cấu ngành nghề, phương thức khai thác và tổ chức quy hoạch quản lý vùng ven biển, vùng biển… chưa hợp lý, làm mất nơi cư trú, môi trường bị ô nhiễm, dẫn tới cạn kiệt các HST và động, thực vật biển.
Đề xuất một số giải pháp phục hồi HST
Phục hồi HST có ý nghĩa và mục đích quan trọng đối với công tác bảo tồn ĐDSH và cuộc sống con người, giúp phục hồi các loài động, thực vật đang trên bờ tuyệt chủng, tăng cường làm giàu cảnh quan, phát triển các dịch vụ HST khác nhau. Việc phục hồi sinh thái có thể có đóng góp tích cực cho việc thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH và cung cấp dịch vụ HST, tăng khả năng hấp thụ cácbon của HST.
Trên thực tế, HST là biến động, luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Vì vậy, mục tiêu dài hạn của việc phục hồi chính là HST và chức năng của chúng trở lại như trước khi chúng bị tổn thương, suy thoái. Thời gian qua, việc trồng rừng mới, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, rừng phòng hộ ven biển đã được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương, đạt được một số kết quả tích cực. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình trồng, tái tạo rạn san hô cũng được một số cơ quan thực hiện với sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Hiện nay, đã có một số mô hình kỹ thuật phục hồi rạn san hô được áp dụng ở các khu bảo tồn biển (KBTB) như Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), Vịnh Nha Trang, đảo Phú Quốc. Theo Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Viện Hải Dương học Nha Trang trồng được hơn 6.000 tập đoàn san hô tại khu vực Bãi Xếp, Hòn Lao, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bắc (Nha Trang). Tại Phú Quốc, KBTB Phú Quốc cũng phối hợp với Viện Hải Dương học Nha Trang tổ chức làm 2 vườn ươm san hô dưới biển, thay thế cho những rạn san hô bị chết, lão hóa. San hô được cắt, tỉa từ trong vùng đệm rồi được chuyển vào vùng lõi gồm 4 hòn đảo (hòn Vông, hòn Gầm Ghì, hòn Xưởng, hòn Móng Tay) để ươm và được bảo vệ nghiêm ngặt. Các mô hình phục hồi rạn san hô được thực hiện theo hướng xã hội hóa doanh nghiệp tham gia trồng san hô.
Rõ ràng, để triển khai các hoạt động phục hồi HST được hiệu quả, điều quan trọng nhất là những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, trong đó phải kể đến là các chương trình phục hồi rừng do Thủ tướng Chính phủ phát động (Chương trình số 327/1992 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc; Chương trình 661 về trồng mới 5 triệu ha rừng; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025), qua đó, góp phần BVMT sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với BĐKH. Bên cạnh các chương trình trồng rừng, Chính phủ cũng chủ động, tích cực thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH, phục hồi các HST rừng, biển, ĐNN bị suy thoái; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, kèm theo chính sách và cơ chế quản lý các HST, đặc biệt là các HST có mức ĐDSH cao, nhưng rất nhạy cảm với tác động của con người như rừng tự nhiên, RNM, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Để việc phục hồi các HST đạt được yêu cầu đề ra, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tập trung vào một số giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ĐDSH; quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên cả nước; Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, chú trọng các quy định về bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH, giảm các tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới các HST, xem đầu tư vào vốn tự nhiên là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững; Xây dựng Chiến lược và Quy hoạch quốc gia về bảo tồn ĐDSH cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác phục hồi các HST nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia và quốc tế về phục hồi HST đến năm 2030; Tăng cường các giải pháp quản lý thích ứng với BĐKH, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các HST; Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH nói chung và HST nói riêng, làm cơ sở cho công tác quản lý, phục hồi; Tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, thu hút khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý về các HST.
Bên cạnh đó, cần có chương trình quốc gia về nghiên cứu, phân loại các HST tổng thể, lập bản đồ phân bố các HST, đánh giá tính tổn thương của các HST và tránh sự trùng lặp trong quản lý, phát triển; Tăng cường khung bền vững để đánh giá hoặc giám sát hiện trạng các HST, và để so sánh sự suy thoái giữa các quốc gia, các khu vực và các dạng HST.
Qua những dẫn liệu trên cho thấy, Việt Nam có sự đa dạng các HST lớn ở các cấp độ khác nhau và Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phục hồi các HST đó bằng cách đưa ra cá giải pháp quan trọng như phục hồi HST, chính sách bảo tồn và khoa học để hưởng ứng thập kỷ phục hồi HST tới năm 2030 của Liên hợp quốc.
Kết luận
Ở Việt Nam, có nhiều HST vĩ mô khác nhau đặc trưng là các HST rừng, HST đất ngập nước và HST nước mặn.
Trên cơ sở các nhóm nhân tố sinh thái khác nhau và đặc điểm cáu trúc nội tại của mỗi kiểu, các tác giả đã phân chia thảm thực vật rừng Việt Nam thành 8 HST chủ yếu và 14 kiểu thảm thực vật.
HST ĐNN và HST nước mặn ở Việt Nam được phân thành 3 nhóm với 26 kiểu, trong đó, các kiểu HST tương đương với các HST vi mô: Nhóm 1, ĐNN ven biển có 9 kiểu, Nhóm 2, ĐNN nội địa gồm 8 kiểu và Nhóm 3, ĐNN nhân tạo có 9 kiểu.
Những thách thức đối với HST tự nhiên của Việt Nam ngày càng tăng do: sự gia tang dân số gây sức ép lên các HST(các hoạt động kinh tế, khai thác tài nguyên không kiểm soát), các điều kiện tự nhiên và BĐKH cũng làm suy giảm chức năng và cấu trúc của các HST (nhiệt độ nước biển tăng, thiên tai, thảm họa, bức xạ mặt trời vượt ngưỡng chịu đựng).
Để phục hồi hiệu quả các HST cần tập trung vào một số giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ĐDSH; Thực hiện mục tiêu quốc gia và quốc tế về phục hồi HST đến năm 2030; Tăng cường các giải pháp quản lý thích ứng với BĐKH; Xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH và HST; Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế; Xây dựng chương trình nghiên cứu, phân loại các HST, lập bản đồ phân bố các HST, đánh giá tính tổn thương của các HST.
PGS. TS. Lê Xuân Cảnh
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)
Tài liệu tham khảo
Bộ NN&PTNT, 2017. Công bố hiện trạng rừng năm 2016. Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017.
Bộ NN&PTNT, 2018. Công bố hiện trạng rừng năm 2017. Quyết định số 1187/QĐ-BNN-TCLN ngày 3/4/2018.
Bộ TN&MT, 2013. Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực hiện Công ước ĐDSH, giai đoạn 2009 - 2013.
Bộ TN&MT, 2016. Báo cáo giữa kỳ về tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Bộ TN&MT, 2018. Báo cáo ĐDSH quốc gia.
Ellenberg H., 1973. Versus einer Klassifikation der Okosysteme nach funktionalen Gesichtspunkten. In H. Ellenberg (ed) Okosystemforshung. Springer, Berlin/Heidelberg, pp 235-265.
Nguyễn Ngọc Lung, Đỗ Xuân Quát, Nguyễn Đình Sâm và nnk., 2010. Báo cáo cuối cùng - Phân vùng sinh thái lâm nghiệp ở Việt Nam. Tài liệu của UN-REDD, RECFEE.
Cao Văn Lương, Đàm Đức Tiến, Đỗ Công Thung, 2014. Hiện trạng cỏ biển khu vực ven bờ Tây vịnh Bắc bộ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 14, Số 3A; 2014: 223-229. DOI: 10.15625/1859-3097/14/3A/5196
WWF Việt Nam, 2003. Xây dựng các bản đồ HST tiêu biểu ở Việt Nam
Satus and challenges of ecosystems in Vietnam and some recommended restoration measures Aso. Prof. Le Xuan Canh Institute of Ecology and biological Resurces/VAST Abstract: In 2021 the UNDP is declearing the UN Decade on Ecosystem Restoration (2021-2030), is a call for the protection and revival of ecosystems all around the World, for the hunger eradication, poverty reduction, climate change adaptation and prevention of the extinction of many species due to the increasing of high preasure of human activities and climate change. Vietnam is trying to conserved and restored the natural ecosystems – natural beauty, toward to the suistanable development goals. Key Words: Ecosystems, Challenges, Restoration measures. |