26/10/2020
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm sáng tạo, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả ấn tượng, thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối năm 2019, Hà Tĩnh có 201 xã đạt chuẩn (chiếm 88% tổng số xã); 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn NTM (Nghi Xuân, Can Lộc); thị xã Hồng Lĩnh và TP. Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn (Vũ Quang, Đức Thọ và Lộc Hà).... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là vấn đề vô cùng cấp thiết đặt ra cho Hà Tĩnh. Trước thực trạng đó, Văn phòng điều phối NTM tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và thực hiện thí điểm Đề tài “Đồng bộ hóa quản lý kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”, với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại Hà Tĩnh, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn chủ yếu phát sinh từ 3 nguồn: Sinh hoạt hàng ngày (khoảng 700 tấn); sản xuất trồng trọt (hàng năm, phát thải một lượng phụ phẩm xấp xỉ 700.000 tấn, chủ yếu là rơm rạ, hiện mới chỉ sử dụng khoảng 60% làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, chất độn chuồng, tủ gốc, số còn lại bị đốt hoặc bỏ, gây lãng phí nguồn tài nguyên và phát thải khí nhà kính); chất thải chăn nuôi (thải ra trên 1 triệu tấn/năm nhưng chỉ có khoảng 60% được xử lý). Đối với nước thải sinh hoạt nông thôn, nguồn thải chủ yếu từ sinh hoạt hàng ngày, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làng nghề, cơ sở giết mổ tập trung… Ngoài ra, Hà Tĩnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân như hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng mức, việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề BVMT còn thấp, ý thức trách nhiệm trong sản xuất, sinh hoạt còn yếu… Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, 4 Công ty môi trường đô thị thực hiện thu gom tại địa bàn TP. Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân. Tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm gồm: Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), với công suất 200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), với công suất 240 tấn/ngày và 6 bãi chôn lấp, chủ yếu là nơi đổ rác chưa được đầu tư công nghệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mô hình, việc tái chế, tái sử dụng chưa được chú trọng, dẫn đến lượng rác thải tập trung về các điểm tập kết, xử lý cao, gây quá tải, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước và người dân.
Nhận thức được tính bức thiết trong việc tháo gỡ “nút thắt” khi thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh đã “khai sinh” ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại gốc, theo quy mô hộ, nhóm hộ, phù hợp điều kiện kinh tế, địa hình khu vực nông thôn. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề tài là: Xây dựng quy trình kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, nhóm hộ và thiết kế hệ thống bể xử lý rác hữu cơ làm phân bón; Xây dựng quy trình kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn, thiết kế bể thu gom, xử lý nước thải phù hợp với điều kiện thực tiễn; Xây dựng bộ tem nhãn phân loại xử lý rác thải sinh hoạt.
Triển khai Đề tài, nhóm thực hiện đã lấy số liệu về thực trạng rác thải sinh hoạt và nước thải sinh hoạt tại Chi cục Môi trường; tiến hành điều tra, khảo sát tại 329 hộ 6 xã thuộc 4 tiểu vùng (ven rừng, đồng bằng, ven biển và ven đô thị). Đồng thời, thực hiện thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình tại một số xã của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Kết quả điều tra cho thấy lượng nước thải bình quân là 5,21 - 7,94 m3/người/tháng; khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình từ 0,29 - 0,36 kg/người/ngày.
Về mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình được thiết kế đơn giản theo nguyên lý sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm: các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm và một số vi khuẩn có hại. Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng để ngưng tụ lại và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây. Đối tượng nước thải được xử lý là: nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas. Về xử lý nước thải tại hộ gia đình: Xây dựng, lắp đặt các bể xử lý theo các hình thức composite, ống bê tông, xây gạch 3 ngăn với cơ chế bể vệ sinh tự hoại. Chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tùy quy mô công trình từ 5 - 7 triệu đồng. Các hộ dân tham gia đề tài được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, chế phẩm sinh học, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải. Giai đoạn đầu người dân còn thiếu ý thức tự giác, nếu không được nhắc nhở sẽ không phân loại rác; không đổ chế phẩm xuống hố xử lý nước thải… Tuy nhiên, sau khi được Văn phòng NTM tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn qua các buổi tập huấn cũng như đến tận hộ “cầm tay chỉ việc”, thấy được lợi ích mô hình mang lại, bà con bảo nhau cùng thực hiện. Từ mô hình thí điểm, đến nay đã có 45 xã của 11 huyện, thị triển khai, với khoảng 1.000 mô hình.
Ngày 4/8/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học nghiệm thu và đánh giá cao kết quả Đề tài. Nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt, 4 thông số còn lại tiệm cận với tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện phân tán của nông thôn tỉnh; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung; người dân dễ tiếp cận, nước thải đầu ra có thể phục vụ tưới tiêu. Kết quả đề tài cho thấy, phân loại xử lý rác thải tại nguồn tại nông thôn Hà Tĩnh có thể thực hiện theo 2 hình thức: Phân loại và xử lý tại hộ gia đình hoặc theo hình thức tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp; Xử lý sinh học rác thải hữu cơ dựa vào hoạt động phân huỷ của vi sinh vật nhằm phân hủy nhanh chất hữu cơ của rác. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Sau đó, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn, lượng phân bón này sẽ phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đốt bỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Cùng với đó, để xử lý rác và nước thải sinh hoạt cần các giải pháp quản lý như: Tuyên truyền, giáo dục để hình hành ý thức về BVMT từ gia đình và cộng đồng; Xây dựng quy chế quản lý và sự tham gia của các bên liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm huy động sự tham gia và đồng bộ hóa công tác quản lý và kỹ thuật trong quản lý phân loại xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; Bổ sung chỉ số cứng phân loại, xử lý nước thải, rác thải tại nguồn vào tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM; Có chế tài xử phạt hành vi vi phạm về xả thải chưa qua xử lý (thể hiện qua quy định BVMT địa phương/hương ước) cũng như khen thưởng các mô hình, địa phương điển hình trong thực hiện; Ban hành các chính sách khuyến khích (hiện Hà Tĩnh đã ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020"; Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND, 123/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017 - 2018…).
Việc BVMT nói chung và xử lý, cải thiện hệ thống nước thải ở khu dân cư nói riêng đang và sẽ góp phần tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại cho các vùng, nhất là khu vực nông thôn. Bài học trong thực hiên tiêu chí môi trường ở Hà Tĩnh cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ đến giải pháp công nghệ phù hợp. Đặc biệt, cần xây dựng các mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng.
Võ Văn Lợi
Học viện Chính trị Khu vực III
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề III/2020)