Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Đánh giá tác hại của ô nhiễm nguồn nước đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu

15/04/2022

1. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam

    Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Việt Nam hiện có 108 lưu vực sông (LVS) với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn (chiều dài từ 10 km trở lên), trong đó có 9 hệ thống sông lớn (diện tích lưu vực (LV) lớn hơn 10.000 km2), bao gồm: Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỷ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có khoảng 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tương đối lớn (dung tích từ 0,2 triệu m3 trở lên) đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng, với tổng dung tích các hồ chứa trên 65 tỷ m3. Ngoài ra còn rất nhiều ao, hồ nhỏ tại các đô thị và vùng nông thôn trên cả nước.

    Hầu hết, khu vực thượng nguồn của các LVS đều có chất lượng nước tương đối tốt. Một số khu vực thượng nguồn có hiện tượng ô nhiễm do chịu tác động bởi hoạt động khai thác khoáng sản. Khu vực trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, làng nghề), môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm do tác động của chất thải. Mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào yếu tố thủy văn (tăng cao vào mùa khô) và đặc biệt phụ thuộc vào việc kiểm soát các nguồn thải. Tại các khu vực bị ô nhiễm, hầu hết là ô nhiễm hữu cơ, các thông số đặc trưng cho chất hữu cơ và vi sinh vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản. Tại các khu vực cửa sông, đặc biệt là các cửa sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng tăng mức độ nghiêm trọng.

    Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), chất lượng nước trên các LVS lớn như: Hồng - Thái Bình, Mã, Vu Gia - Thu Bồn và Mê Công duy trì ở mức tốt. Nhiều sông, đoạn sông, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn ô nhiễm cục bộ, chất lượng nước ở mức kém, song đã có sự cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước (đoạn sông Cầu trước khi vào TP. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội, đoạn chảy qua chợ Đông Ba trên sông Hương…). Bên cạnh đó, các điểm nóng về môi trường nước trên LVS vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét...) thuộc LVS Nhuệ; sông Ngũ Huyện Khê, cầu Bóng Tối thuộc LVS Cầu và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật... thuộc LV hệ thống sông Đồng Nai. ÔNMT trên các LVS chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm hóa chất BVTV. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản.

    Các điểm nóng về ÔNMT nước tập trung trên các LV sông Nhuệ - sông Đáy, LVS Cầu và LV hệ thống sông Đồng Nai. Tại các LVS khác, giai đoạn 2016 - 2020 chưa ghi nhận các điểm nóng về ÔNMT nước mặt; tuy nhiên, tại các đoạn sông chảy qua khu vực hoạt động dân sinh phát triển như chợ Đông Ba, ngã ba Sình trên sông Hương, chợ bến cá Cẩm Hòa, cầu Vĩnh Điện trên sông Thu Bồn hay khu vực cầu Thuận Phước trên sông Vu Gia..., chất lượng môi trường nước sông bị suy giảm so với các đoạn sông khác, song mức ô nhiễm giảm dần từ năm 2016 - 2020.

    Kết quả quan trắc giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy LV sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước sông thường xuyên ở mức “kém”, có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả chất lượng nước ở mức “xấu” trở xuống (WQI < 50), trong đó 31% số điểm quan trắc cho kết quả ở mức “ô nhiễm nặng” (WQI < 25), cần các biện pháp xử lý trong tương lai. Đa phần các thông số quan trắc đều có giá trị vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, nhóm hữu cơ và nhóm dinh dưỡng có tỷ lệ vượt cao nhất, luôn ở mức trên 60% tổng số kết quả quan trắc trong năm.

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị BOD5 trên sông Nhuệ giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

    Trên dòng chính sông Nhuệ, chất lượng môi trường nước sông biến động qua các năm, song giá trị trung bình năm của các thông số ô nhiễm khá cao, vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Theo dòng chảy của sông, ô nhiễm cục bộ xuất hiện thường xuyên trên đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực nội thành Hà Nội (đoạn từ cầu Tó đến điểm cầu Chiếc). Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất và làng nghề trong khu vực (nước thải làng nghề lụa Vạn Phúc, làng nghề miến Cự Đà...).

    Sau khi tiếp nhận nước sông Tô Lịch (vận chuyển nước thải từ các quận nội thành Hà Nội), nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm nặng. Đoạn sông chảy qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên cũng bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và làng nghề. Bên cạnh đó, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm cũng gián tiếp ảnh hưởng, làm suy giảm chất lượng nước sông Đáy, đặc biệt vào mùa khô.

Biểu đồ 2. Diễn biến giá trị amoni trên sông Đáy giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

    Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) là các điểm nóng ÔNMT trên LV sông Nhuệ - sông Đáy. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã có nhiều công trình, dự án, đề án bảo vệ, cải thiện môi trường nước các sông nội thành, giúp làm giảm mức độ ÔNMT (đặc biệt là thông số TSS), tuy nhiên giá trị các thông số hữu cơ, nitơ vẫn khá cao, vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trên sông Tô Lịch, đoạn chảy qua khu vực nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn có giá trị thấp (< 25), nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như chưa có sự cải thiện qua các năm. Các sông nội thành khác như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu... cũng ở trong tình trạng tương tự. Diễn biến giá trị BOD5 trên các sông nội thành Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Biểu đồ 3. Diễn biến giá trị BOD5 trên các sông nội thành Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020

 Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

Biểu đồ 4. Diễn biến chỉ số WQI trên các sông nội thành Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

    Sông Ngũ Huyện Khê vẫn là một trong những điểm nóng ô nhiễm nghiêm trọng, gây ÔNMT nước sông Cầu (đoạn Bắc Giang - Bắc Ninh). So với giai đoạn trước, chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê đã có sự cải thiện nhưng vẫn thường xuyên bị ô nhiễm nặng (cầu Đào Xá, Văn Môn, Song Thát, Lộc Hà). Bên cạnh đó, việc điều tiết nước sông tại cống Đặng Xá của tỉnh Bắc Ninh (nơi tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu) tại một số thời điểm chưa hợp lý, xả quá lớn và vượt quá khả năng tự làm sạch của sông Cầu, gây nên hiện tượng cá chết tại vùng hạ lưu sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

 Biểu đồ 5. Diễn biến giá trị amoni trong nước sông Ngũ Huyện Khê giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

    Chất lượng môi trường nước biển chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển KT-XH khu vực ven bờ, đặc biệt là hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển hay hoạt động phát triển du lịch biển.

Biểu đồ 6. Diễn biến giá trị thông số tổng dầu mỡ khoáng trong môi trường nước biển ven bờ giai đoạn 2018 - 2019

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

Biểu đồ 7. Diễn biến giá trị thông số amoni trong môi trường nước biển ven bờ tại khu vực cửa sông giai đoạn 2018 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

2. Các nguồn thải gây ÔNMT (nguồn) nước ở Việt Nam

    Hiện nay, các con sông, suối, hồ chứa, hồ và biển của Việt Nam nhiễm các loại hóa chất, chất thải, nhựa và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác. Đây là lý do mà nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người cũng như các loại động vật và thực vật do ÔNMT nước gây ra.

Nguồn ô nhiễm từ các loại nước thải

    Nước thải sinh hoạt: Tùy theo khu vực, vùng miền, tỷ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Tuy nhiên, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh. Bên cạnh các nguồn nước thải nêu trên, một lượng không nhỏ chất thải rắn (CTR) không được kiểm soát, đổ bừa bãi cùng với các khu vực xử lý CTR không đảm bảo quy định cũng là nguy cơ làm ô nhiễm các các nguồn nước trong LVS. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2018, tỷ lệ khu đô thị (từ loại III trở lên) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung là 39% với 43 nhà máy XLNT tập trung đã đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế" đạt 926.000 m3/ngày đêm. Nếu kể cả các dự án đang xây dựng, có khoảng 80 hệ thống XLNT tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 2.400.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, các nhà máy đã đi vào hoạt động mới chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu. Nhiêu nhà máy đã xây dựng xong hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn thành hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, dẫn đến các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, chỉ khoảng trên dưới 20% công suất thiết kế" (Cục Quản lý Tài nguyên nước, 2017).

    Nước thải công nghiệp: Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2020, cả nước đã có 698 cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 65%, trong đó chỉ có 109 CCN có hệ thống XLNT tập trung đã hoạt động, chiếm 17,2%. Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ CCN có hệ thống XLNT tập trung ít nhất (3%), nhiều nhất là vùng Đông Nam Bộ (43%)

    Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Đến năm 2020, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT. Hàng năm sẽ thải ra lượng rất lớn CTR, nước thải có chứa các chất độc hại: N2O, CO2, CH4… gây hiệu ứng nhà kính, một số kim loại nặng và các vi sinh vật có hại, nguy cơ gây ÔNMT không khí, đất, nước mặt và nước ngầm nếu như không có các biện pháp thu gom xử lý đúng kỹ thuật.

Nguồn ô nhiễm theo các lĩnh vực

    Nguồn ô nhiễm do dân số và đô thị hóa: Việt Nam đang ở thời điểm then chốt của quá trình phát triển đô thị, mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy quá trình phát triển đô thị cả về lượng và chất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2020, Việt Nam có 862 đô thị, tăng thêm 62 đô thị so với năm 2016. Trong đó tăng thêm 5 đô thị loại I, 6 đô thị loại II, 7 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 39 đô thị loại V. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng từ 36,7% năm 2016 lên 39,3% năm 2020. Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% vào năm 2026, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu. Tỷ lệ đô thị hóa cao nhất ở vùng Đông Nam Bộ (71,68%), thấp nhất tại vùng Trung du miềm núi phí Bắc (trung du miền núi phía Bắc), (21,89%). Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ dân số đô thị cao bao gồm TP. Hồ Chí Minh với 83%, Đà Nẵng với 78,6%, Bình Dương là 84,23% và Quảng Ninh là 68,86%.

    Nguồn ô nhiễm từ các khu công nghiệp (KCN), CCN, khai thác khoáng sản: Đến hết năm 2020, toàn quốc đã có 369 KCN được thành lập (bao gồm 329 KCN nằm ngoài KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 6 KCN nằm trong KKT cửa khẩu) với tổng diện tích khoảng 114 ngàn ha. Trong đó, có 284 KCN đã đi vào hoạt. Có 258/284 KCN (hay 90,69%) có nhà máy XLNT tập trung hoạt động với tổng công suất XLNT đạt hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm. Lao động trong các KCN khoảng trên 3 triệu lao động. Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, hiện tượng ÔNMT nước đã làm cho hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt. Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ Công Thương, hoạt động khai thác khoáng sản phát sinh khoảng 150 triệu m3 đất, đá bóc, hơn 100 triệu m3 nước thải và hàng nghìn tấn chất thải khác mỗi năm.

    Ô nhiễm từ nông thôn, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70% dân số đang sinh sống ở nông thôn, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân. Thời gian qua các trang trại chăn nuôi tập trung ngày càng được mở rộng về quy mô và diện tích, do đó số lượng gia súc, gia cầm vẫn duy trì ổn định ở mức 30 triệu con gia súc và 400 triệu con gia cầm/năm. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc, thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.

3. Tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với kinh tế - xã hội

    Các loại CTR (túi ni lông, nhựa, các chai nước ngọt…); hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Những chất gây ô nhiễm này rất độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước vô tình sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, kết quả là nguồn nước sẽ bị giảm ôxy một cách đáng kể. Sự thiếu ôxy này sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết, nơi mà các nguồn nước không có sự sống của sinh vật. Không chỉ vậy, mùi nước hôi thối gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt sống của người dân xung quanh. Mọi vật trong tự nhiên đều tồn tại theo một vòng tuần hoàn, nước ô nhiễm đã phá vỡ mắt xích đó, gây nguy hiểm cho các sinh vật khác trong đó có con người.  

    Đối với sức khỏe con người, một số dấu hiệu nhiễm bệnh dễ thấy khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đó là: Nhiễm chì hay gặp các bệnh về thận, thần kinh; Nhiễm Amoni làm da xanh, cơ thể thiếu sức sống; Nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch; Nhiễm Cadimi có thể gây đau lưng hoặc thoái hóa đốt sống; Các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác ói, nôn hoặc cao hơn là ngộ độc. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, có khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; Khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻm em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém; khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen.

    Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. ÔNMT nước ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh doanh thủy hải sản của người dân và làm cho người dân không có nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, dòng sông Cửu An đoạn chảy qua huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân các xã Đa Lộc, Bãi Sậy. Đoạn sông dài gần 3 km chảy qua các khu vực nói trên thường xuyên có màu đen kịt, nổi váng, sủi bọt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, về mùa hanh khô, nước sông Cửu An luôn trong trình trạng đen đặc, không thể sử dụng để làm nguồn nước tưới cho cây vụ Đông. Nước ô nhiễm chảy đến đâu, cây cối chết ở đó. Ngay cả rau bèo trên sông cũng bị nhiễm độc và chết. Nguyên nhân được xác định phần lớn là do nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi và nước thải sinh hoạt xả trực tiếp với lưu lượng lớn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt sông Cửu An còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người dân. Tại các xã dọc theo hai bên bờ sông, nhiều hộ nông dân luôn trong tình trạng không có nước tưới. Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có hơn 30 ha nuôi thủy sản của xã Đa Lộc, hàng trăm ha đất nông nghiệp của các xã Bãi Sậy, Đa Lộc… bị thiếu nước sản xuất vì dòng sông ô nhiễm.

    Sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 đã gây ra thiệt hại lớn đối với ngành du lịch. Số liệu thống kê cho thấy, tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), tỷ lệ khách du lịch hủy tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, công suất sử dụng phòng tại các địa phương của Hà Tĩnh chỉ đạt từ 10 - 20%.

4. Kiến nghị một số giải pháp chủ yếu để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2025

      Trách nhiệm công dân: Người dân tự nâng cao ý thức cá nhân trong cộng đồng. BVMT là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức chính trị, xã hội.

      Nhà nước, chính quyền các cấp: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dấn thi hành Luật BVMT năm 2020; Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BVMT; Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về BVMT các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã; Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm XLNT công nghiệp, sinh hoạt tập trung; Tổ chức tốt hoạt động thu phí BVMT đối với nước thải.

      Đối với các bên liên quan: Các chủ nguồn thải tự giác thực hiện nghĩa vụ XLNT, BVMT; Các cơ quan tư vấn tăng cường nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới tiên tiến trong việc xử lý các loại nước thải từ nguồn phát sinh; Tăng cường xã hội hóa, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về BVMT

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Các Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc Gia 2012, 2015, 2016, 2018, 2019, 2020.

2. Nguyễn Đức Khiển. Thực trạng và giải pháp hạn chế ô nhiêm nguồn nước tại Việt Nam.

3. Trần Lâm. Thực trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước. Tạp chí Sức khỏe và đời sống 1-2016

4. Trần Hiếu Nhuệ, Lâm Minh Triết. XLNT.NXB KHKT, 2015

5. Trần Hiếu Nhuệ và các đồng nghiệp. Quá trình Vi sinh vật trong các công trình xử lý nước. NXB KHKT 1998.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

Ý kiến của bạn