Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Đánh giá biến động khối lượng chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất công nghiệp và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý cho tỉnh Hải Dương

01/07/2022

 Tóm tắt

    Cùng với mức tăng tổng sản phẩm bình quân trên 11,8%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 12% thì tốc độ phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng tăng 17 lần sau 10 năm. Do vậy, vấn đề quản lý chất thải nói chung và CTNH nói riêng là một thách thức cho các đơn vị quản lý nhà nước thuộc tỉnh Hải Dương để duy trì được mục tiêu của tỉnh, đó là: Phát triển nhanh và bền vững, toàn diện và gắn với BVMT; quan tâm phát triển văn hóa và lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bài báo này trình bày kết quả khảo sát và đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom CTNH trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTNH phù hợp với định hướng phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

    Từ khóa: Chất thải rắn, chất thải rắn xây dựng, quản lý chất thải rắn xây dựng, kinh tế tuần hoàn.

    Nhận bài: 6/6/2022; Sửa chữa: 13/6/2022; Duyệt đăng: 16/6/2022.

1. Đặt vấn đề

    Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), vì vậy Hải Dương đã có nhiều giải pháp chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong thời gian qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm, nhiều sản phẩm quan trọng, chủ lực tăng cao so với năm trước, như: sản phẩm may trang phục tăng 11,7%, than cốc tăng 20,1%, điện sản xuất tăng 51,4%, sắt thép tăng 21,3%, ô tô tăng 193%... Tính đến ngày 27/11, tỉnh Hải Dương đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 70 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 12.590 tỷ đồng (trong đó có 56 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN), 14 dự án trong KCN); Điều chỉnh 54 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 636,5 tỷ đồng (52 dự án ngoài KCN và 2 dự án trong KCN). Để đáp ứng với sự phát triển công nghiệp trên địa bàn, trong năm 2021 tỉnh đã phê duyệt xây dựng thêm 4 KCN trong năm 2021 và triển khai thêm 2 KCN mới. Các KCN phê duyệt xây dựng gồm: An Phát 1 (180 ha), Phúc Điền mở rộng (214,6 ha), Gia Lộc (197,94 ha), Kim Thành (165 ha).

Hình 1. Các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương [3]

    Sự phát triển mạnh hoạt động công nghiệp cũng kéo theo sự gia tăng khối lượng lượng CTNH phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đây là một thách thức cho các đơn vị quản lý nhà nước thuộc tỉnh Hải Dương. Bài báo trình bày kết quả khảo sát và đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom CTNH trên địa bản tỉnh Hải Dương, từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTNH phù hợp với định hướng phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh. 

2. Hiện trạng biến động CTNH trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ hoạt động sản xuất công nghiệp

    Tỉnh Hải Dương đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao như điện tử, viễn thông, thép chất lượng cao, thép chuyên dụng, ô tô, vật liệu xây dựng mới, công nghệ chế biến thực phẩm, phát triển công nghệ hỗ trợ đồng thời duy trì các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống của tỉnh. Với việc triển khai nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư, trong giai đoạn từ 2016 - 2020 đã có 7.660 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,2%/năm với vốn đăng ký tăng 21,8%/năm (Bảng 1).

Bảng 1. Thông tin về các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Thông số

Năm

2017

2018

2019

2020

Số doanh nghiệp hoạt động

7.427

8.208

8.981

9.687

Số lượng hợp tác xã

470

458

437

426

Số lượng hộ cá thể

116.242

113.304

115.257

110.925

Chỉ số sản xuất công nghiệp

109,6

110

110,24

102,37

Nguồn [4]

    Trong số 18 KCN đã được phê duyệt tại văn bản số 1156/TTg-KTN ngày 14/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có 10 KCN được thành lập (bảng 2). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích gần 3.000 ha với 10 KCN đã đi vào hoạt động với gần 500 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 9,1 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ôtô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác... Các KCN này đều đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Bảng 2. Các KCN - CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương

TT

Tên KCN - CCN

Diện tích (ha)

Tỷ lệ lấp đầy (%)

Theo quy hoạch chi tiết

Đất công nghiệp đã được bàn giao

1

Nam sách

62,42

48,08

100

2

Phúc điền

82,88

61,25

100

3

Phú Thái

56,7

41,60

96,42

4

Tân Trường

198,06

133,26

100

5

Đại An và Đại An mở rộng

324,98

232,74

80,83

6

Kỹ thuật cao An Phát

46,4

30,99

48,6

7

Lai Vu

212,89

152,5

90,59

8

Lai Cách

135,42

60,3

32,84

9

Cộng Hòa

201,23

145,54

53,55

10

Cẩm Điền - Lương Điền

149,23

110,43

97,37

 

Tổng

1.470,21

1.016,69

81,57

Nguồn [5]

    Theo quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Hải Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt thì Hải Dương sẽ có 76 CCN, hiện nay có 53 CCN đã có Quyết định thành lập (trong đó có 25 CCN có chủ đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích đất theo phê duyệt là 2.685.0219 ha, 33 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.416 ha (diện tích đất công nghiệp khoảng 960 ha) và đã thu hút được trên 300 dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đều đạt trên 62% nhưng công tác BVMT tại các CCN chưa được đầu tư thỏa đáng, cụ thể mới có 4 CCN được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Lương Điền, Văn Tố, Nhân Quyền, CCN dịch vụ thương mại Lương Điền), 11 CCN được phê duyệt Đề án BVMT chi tiết (CCN Cẩm Thượng, Nghĩa An, Ngũ Hùng, Kỳ Sơn, Tân Dân, Hoàng Tân, Văn An 1, Văn An 2, Quỳnh Phúc, Cộng Hòa, Cao An). Các CCN đã đi vào hoạt động hầu hết chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở trong CCN đều phải tự xử lý tại cơ sở và thải ra mương tiếp nhận chung của địa phương, phần lớn các CCN chưa đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cụ thể chỉ có CCN Lương Điền xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung.

    Các KCN và CCN đã góp phần quan trọng vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Việc phát triển các khu, CCN góp phần hình thành và phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như dịch vụ tín dụng - ngân hàng, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ nước, điện, dịch vụ logicstic… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh (nhất là doanh nghiệp nội địa) vẫn sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới, việc chuyển đổi công nghệ thực hiện chậm do hạn chế về vốn, năng lực tài chính [6]. Ngoài ra, quá trình cạnh tranh thu hút các nguồn vốn đã đặt nhẹ các tiêu chuẩn môi trường và quy chuẩn về công nghệ cũng chưa được sát sao.

3. Thực trạng quản lý nhà nước CTNH từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Hình 2. Sơ đồ quản lý nhà nước về CTNH

    Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn tỉnh Hải Dương liên tục được UBND tỉnh rà soát và kiện toàn đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành TN&MT trong giai đoạn mới, theo hướng hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 275 cán bộ công chức, viên chức thực hiện làm công tác quản lý nhà nước về BVMT, trong đó cấp tỉnh là 13 người, cấp huyện là 25 người (phòng TN&MT của 12 huyện, thị xã, thành phố, mỗi phòng đã có từ 1 - 2 cán bộ tốt nghiệp đại học chuyên ngành môi trường để theo dõi về lĩnh vực môi trường) và tại cấp xã, cán bộ kiêm nhiệm công tác môi trường là 235 người (phòng Địa chính - xây dựng - môi trường thuộc UBND các xã, phường, thị trấn có 1 cán bộ kiêm nhiệm về lĩnh vực môi trường), ngoài ra số lượng cán bộ quản lý chuyên trách môi trường tại Ban quản lý KCN là 3 nhân viên. Hàng năm, chi ngân sách cho hoat động BVMT đạt 3,48% tổng chi ngân sách. Hoạt động quản lý nhà nước về CTNH tại tỉnh được thể hiện như sơ đồ Hình 2. Trong đó, UBND tỉnh Hải Dương là đại diện cho quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý các doanh nghiệp toàn diện từ khi đầu tư đến khi doanh nghiệp đi vào vận hành. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom xử lý CTNH thì cần được cấp giấy phép từ Bộ TN&MT.

    Sở TN&MT là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh quản lý môi trường. Ngoài ra, Ban quản lý các KCN hỗ trợ trong việc quản lý các doanh nghiệp. Sở Công Thương quản lý doanh nghiệp thông qua nhiệm vụ quản lý hoạt động an toàn trong sản xuất, cũng như phòng ngừa sự cố tai nạn về hóa chất.

    Theo số liệu tổng hợp của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, trong vòng 10 năm từ 2011 - 2021, số lượng sổ chủ nguồn thải trên địa bản tỉnh đã tăng 2,5 lần trong khi khối lượng CTNH theo đăng ký tăng 17,2 lần (Hình 3). Đây là hệ quả của sự phát triển công nghiệp trên địa bàn, điều này gây áp lực lớn nên việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Hình 3. Biến động số lượng sổ chủ nguồn thải và khối lượng CTNH trên địa bàn

    Lượng CTNH phát sinh chủ yếu là chất thải từ các cơ sở cơ khí, mạ, tẩy rửa bề mặt, dệt nhuộm, điện tử, sản xuất khung nhôm,… trong đó lượng chất thải lớn nhất tập trung từ hoạt động của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát (chiếm 35% tổng lượng phát sinh). Với khối lượng phát sinh CTNH gia tăng theo thời gian, cùng với khối lượng chất thải các doanh nghiệp tự xử lý cũng tăng theo (Hình 3), các doanh nghiệp tự xử lý thường là tận dụng lò nung trong dây chuyền xử lý để thiêu đốt chất thải phát sinh, gồm có các đơn vị sản xuất xi măng, thép. Ví dụ như Hòa Phát, mặc dù là doanh nghiệp có tỷ lệ phát sinh chất thải lớn nhưng đây cũng là một doanh nghiệp có tỷ lệ tự xử lý CTNH cao nhất (99,6%). Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường,... và tạm dừng thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, sản xuất hóa chất, pin, ắc quy...

    Theo tổng hợp báo cáo quản lý CTNH năm 2021, hiện đang có 18 đơn vị trên địa bàn tỉnh Hải Dương được cấp giấy phép tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH. Trong đó có 7 doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý CTNH: Công ty TNHH Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại Môi trường xanh (có 2 cơ sở); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công; Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc; Công ty Cổ phần Môi trường An Sinh; Công ty TNHH SAEHAN GREEN VINA (chỉ xử lý than hoạt tính đã qua sử dụng hấp phụ dung môi hữu cơ); Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (xử lý bụi lò luyện thép và bùn thủy luyện kẽm) và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ TN&MT.

    Theo thông tin khảo sát, vấn đề chính trong quản lý CTNH tại tỉnh Hải Dương là việc trao đổi và quản lý thông tin. Tại các doanh nghiệp nhỏ, việc hạn chế thông tin về cách nhận biết các yếu tố nguy hại dẫn đến thực hiện lấy mẫu, phân tích xác định CTNH theo ngưỡng CTNH của các chủ nguồn thải còn nhiều hạn chế dẫn đến việc kê khai đăng ký chưa chính xác các loại CTNH và báo cáo chưa đầy đủ các loại chất thải (nguy hại, thông thường) phát sinh và quản lý tại cơ sở. Tại các cơ sở đã thực hiện đầy đủ báo cáo thì số liệu tại cơ quan quản lý nhà nước cập nhật chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hoạt động quản lý dữ liệu chưa thực hiện được thu thập và phân tích dữ liệu toàn diện, theo thời gian thực, đây chính là cơ sở để đưa ra các quyết định quản lý và ứng phó sự cố một cách nhanh nhạy hơn. Mặc dù Chương trình Dự án quản lý nhà nước cấp tỉnh tại Việt Nam - tỉnh Hải Dương (Dự án VPEG) đã xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên phần mềm quản lý ô nhiễm công nghiệp nhằm quản lý nguồn thải của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất nhưng các cơ sở y tế, sản xuất quy mô nhỏ không khai báo trong hệ thống này. Đơn vị quản lý sever là Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Khoa học và Công nghệ nên Sở TN&MT Hải Dương chưa chủ động về máy chủ và đường truyền nên gây khó khăn cho việc quản lý thông tin. Ngoài ra, Dự án được triển khai từ năm 2013, phần mềm quản lý thời kỳ này chưa được xây dựng để kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác. Đặc biệt, với các đơn vị vận chuyển CTNH hiện được yêu cầu bắt buộc gắn GPS để quản lý hành trình, thì việc quản lý mới chỉ dừng ở mức theo dõi đường đi chứ chưa thực hiện giám sát quản lý tổng thể kết hợp với ứng phó sự cố. Như vậy, có thể thấy, việc quản lý thông tin về hoạt động phát sinh, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH tại tỉnh Hải Dương hiện nay thiếu tính kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có sự chuyển đổi số ngay trong hoạt động quản lý CTNH nói riêng và quản lý môi trường nói chung cho tỉnh.

Hình 4. Khối lượng phát sinh và chuyển giao cho các đơn vị xử lý

4. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý môi trường

    Việc thu gom, phân loại, xử lý, đóng gói, vận chuyển và lưu giữ các đối tượng nguy hại từ các hoạt động thương mại, cũng như phân phối chúng đến các cơ sở xử lý cụ thể, tạo thành dòng vật chất được gọi là CTNH “Logistics ngược” (Reverse Logistics). Và cũng tương tự như các hệ thống logistics khác, tại các doanh nghiệp, việc xem xét và tối ưu hóa các biến số (viability) và dữ liệu (data) ở mọi quy trình của chuỗi cần phải được xem xét rõ ràng để đảm bảo tối ưu hóa hoạt động, vì vậy các doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom CTNH hiện chỉ được cung cấp số liệu về nhu cầu bằng cách thủ công dẫn tới chi phí cho dịch vụ còn cao. Do đó, việc tiếp cận được thông tin theo thời gian thực sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc giảm bớt chi phí cũng như giảm bớt tiêu hao năng lượng cho hoạt động thu gom. Ngoài ra, với đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, việc cập nhật số liệu theo thời gian thực cũng sẽ giúp cho việc ra quyết định khi xảy ra sự cố nhanh hơn (Hình 5).

Hình 5. Hệ thống quản lý CTNH theo thời gian thực

    Như vậy, tỉnh Hải Dương đang trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử cũng cần xây dựng một hệ thống quản lý CTNH hoàn chỉnh dựa trên thời gian thực bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu nền, các hệ thống giám sát theo thời gian thực, các chức năng quản lý tại cơ sở phát sinh cũng như quản lý nhà nước. Trong hệ thống này, cơ sở hạ tầng dữ liệu là nền tảng để cả hệ thống vận hành, các thông tin cần được thu thập ngoài thông tin về các đơn vị trực tiếp nằm trong hệ thống quản lý CTNH thì các thông tin về cơ sở hạ tầng đô thị, các vị trí khu dân cư, thông tin không gian công cộng, điều kiện môi trường tự nhiên của khu vực như cây xanh, thủy vực, cơ sở y tế, giáo dục... đòi hỏi phải được cung cấp ngay lập tức. Việc thu thập, chia sẻ, xử lý và phân tích dữ liệu là yếu tố quan trọng, cho phép các nhà quản lý, cung cấp dịch vụ nâng cao hiệu quả của hệ thống thu gom xử lý, hỗ trợ công tác bảo vệ sức khỏe, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố... GIS hoạt động như một hệ thống chung để quản lý dữ liệu không gian, có khả năng kết hợp với nhiều loại hình công nghệ, phân tích và gắn kết thông tin bằng các mạng lưới cảm biến tiên tiến nhằm tăng cường khả năng giám sát giao thông, cơ sở hạ tầng, môi trường của các đô thị.

Hình 6. Các thành phần chính trong hệ thống quản lý CTNH theo thời gian thực

    Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống quản lý chất thải dựa trên thời gian thực sẽ còn yêu cầu nền tảng bảo mật hệ thống, cơ sở dữ liệu, các hoạt động quản lý và giám sát thời gian thực. Một hệ thống kiểm soát theo thời gian thực được xây dựng để thu thập và truyền dữ liệu cho các hoạt động quản lý CTNH ngay từ khi nó phát sinh đến khi xử lý, có khả năng phát hiện các vi phạm về đổ thải hoặc xử lý dựa trên IoT thông qua các cảm biến, thiết bị GPS và modul camera kết hợp với bộ định tuyến wifi. Các thiết bị này sẽ truyền dữ liệu đến trung tâm thu thập dữ liệu lớn, nơi cơ quan quản lý chất thải có thể truy cập để thực hiện các hoạt động ra quyết định, bao gồm đưa ra các biện pháp ứng phó ngay lập tức với các trường hợp có sự cố, ra quyết định xử phạt với trường hợp vi phạm. Việc ứng dụng hệ thống này sẽ làm tăng hiệu quả quản lý CTNH nhưng không làm gia tăng nhân lực quản lý, điều này khá phù hợp với xu thế xây dựng các đô thị thông minh, phù hợp với yêu cầu về giảm biên chế trong các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, theo Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống quản lý CTNH cũng góp phần hỗ trợ cho người dân thông qua việc sử dụng các phần mềm ứng dụng.

5. Kết luận

    Cùng với mức tăng tổng sản phẩm bình quân trên 11,8%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 12% thì tốc độ phát sinh CTNH trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng tăng 17 lần sau 10 năm. Lượng CTNH phát sinh mạnh gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý môi trường của tỉnh. Các vấn đề còn tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước về CTNH là việc trao đổi và quản lý thông tin. Để nâng cao hiệu quả quản lý CTNH, cần có chiến lược xây dựng một hệ thống quản lý CTNH trên cơ sở xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Hệ thống quản lý cần có tính cập nhật, bảo mật nhưng vẫn phải đảm bảo sự tương tác theo dõi của cộng đồng và người quản lý để đảm bảo việc ra quyết định chính xác, nâng cao năng lực giám sát CTNH ngay từ khi phát sinh. Việc tăng cường ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý để có thể nâng cao hiệu quả giám sát nhưng không gia tăng quá lớn yêu cầu về nhân lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương http://haiduong.gov.vn/

2. UBND tỉnh Hải Dương, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

3. https://vietnambiz.vn/sau-quoc-tuan-an-binh-hai-duong-se-phat-trien-nhung-kcn-nao-20210224120226477.htm

4. Tổng cục Thống kê https://www.gso.gov.vn/

5. UBND tỉnh Hải Dương, Đề án điều chinh bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

6. UBND tnh Hải Dương, 2020, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ Hải Dương.

7. Sở TN&MT Hải Dương, Công văn số 409/STNMT-CCBVMT  ngày 9  tháng 3 năm 2021 về kết quả tự đánh giá thực hiện các chỉ số môi trường 2020.

Nguyễn Thu Huyền

Trương Đức Cảnh

Phan Đức Nhân

Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Tôn Hoàng Hổ

Đại học Kiên Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số chuyên đề Tiếng Việt II/2022)

 

 Research on changes in hazardous waste amount from industrial activities and propose measures to improve management efficiency based on smart city foundation for Hai Duong area

Nguyen Thu Huyen

Truong Duc Canh

Phan Duc Nhan

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Ton Hoang Ho

Kien Giang University

ABSTRACT

    Along with the increase in average gross product (over 11.8%/year) and average industrial index (over 12%), the rate of hazardous waste generation in Hai Duong province also increased 17 times after 10 years. With the strong development of industrial activities, the amount of hazardous waste arising from the industrial production activities has also increased, therefore, the management of waste in general and hazardous waste in particular is a challenge for state management units in Hai Duong province to maintain the province’s goal: Rapid economic development goes hand in hand with sustainability, comprehensiveness and environmental protection; paying attention to cultural and social development, improve people's living standards. This article presents the results of survey and assessment of the current situation of hazardous waste generation and collection in Hai Duong province, thereby proposing measures to improve the efficiency of hazardous waste management in line with the development orientation of e-government and smart cities. The main problem remaining in the state management of hazardous waste is from the exchange and management of information. To improve the efficiency of hazardous waste management, it is necessary to have a strategy to build a hazardous waste management system on the basis of building e-government and smart cities. The management system needs to be updated and secure, but it still has to ensure the interaction of the community and managers to ensure accurate decision-making, improve the monitoring capacity of hazardous waste immediately. Since its inception, the application of information technology has been increased in management activities to improve monitoring efficiency, but without too much increase in human resource requirements.

Keywords: Solid waste, construction solid waste, construction solid waste management, circular economy. 

Ý kiến của bạn