11/02/2020
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được quan tâm. Theo đó, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe được bổ sung, các bệnh viện, trạm y tế được xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn TP. Hà Nội, cũng như các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, vấn đề thu gom và xử lý chất thải y tế (CTYT), đặc biệt là chất thải y tế nguy hại (CTYTNH) đang là vấn đề cần được quan tâm. Tại một số cơ sở y tế (CSYT), hệ thống lò đốt rác thải hoạt động không hiệu quả, việc kiểm soát khí thải lò đốt gặp khó khăn, trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) thứ cấp; nguồn kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải, trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy CTYT còn thiếu... Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để quản lý, thu gom, xử lý CTYT đang ngày càng gia tăng.
Thực trạng công tác quản lý CTYTNH tại các CSYT trên địa bàn TP. Hà Nội
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có tổng cộng khoảng 3.676 CSYT, trong đó có 46 CSYT tuyến Trung ương (25 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý; 21 bệnh viện và trung tâm khám, chữa bệnh do các Bộ, ngành khác quản lý); 41 CSYT tuyến TP; 30 trung tâm y tế quận, huyện thị xã; 584 trạm y tế tuyến xã/phường/thị trấn và 2.956 CSYT tư nhân. Theo số liệu thống kê, tổng lượng CTYT phát sinh trên địa bàn TP khoảng 27.522 kg/ngày, trong đó CTYTNH khoảng 8.448 kg/ngày (chiếm 30%), chất thải rắn (CTR) thông thường khoảng 19.074 kg/ngày. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các CSYT trên địa bàn TP phát sinh trung bình mỗi năm khoảng 90 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng 150 tấn/ngày.
Trong thời gian qua, công tác BVMT tại các CSYT trên địa bàn TP Hà Nội đã được quan tâm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các CSYT thuộc tuyến Trung ương, TP, quận/huyện/thị xã về cơ bản lượng CTYT được phân loại tại nguồn bằng các bao, túi, thùng theo đúng màu sắc quy định; bố trí các điểm thu gom rác thải phù hợp và đúng quy cách để tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý; 90% đơn vị có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý CTYT theo quy định. Tại các trạm y tế xã/phường và cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, số lượng CTNH ít (<600 kg/năm), nên việc phân loại, thu gom chưa tốt, nhiều nơi còn để lẫn rác y tế nguy hại với CTYT thông thường và rác sinh hoạt hoặc sử dụng bao, túi, thùng đựng CTYT chưa đúng màu sắc theo quy định.
Đối với việc thu gom, vận chuyển CTYTNH tại các CSYT thuộc tuyến Trung ương, TP, quận/huyện/thị xã được thực hiện bởi các đơn vị như Công ty URENCO 10, 11, 13; Công ty Môi trường Thuận Thành; Công ty Môi trường xanh... thông qua các hợp đồng xử lý CTNH; tần suất và thời gian thu gom, vận chuyển tuân thủ theo đúng quy định. Tại các trạm y tế xã/phường và CSYT tư nhân, việc thu gom, vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn do số lượng CTYTNH phát sinh nhỏ, địa bàn phân bố rất rộng. Vì vậy, tại nhiều CSYT thuộc nhóm này, việc ký hợp đồng đôi khi chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ mà không tiến hành thu gom, vận chuyển hoặc vận chuyển không đúng tần suất theo quy định; dẫn đến CTNH bị để lẫn với chất thải thông thường, gây ÔNMT, cũng như nguy cơ mất an toàn cho công nhân vận chuyển, xử lý chất thải thông thường.
Chất thải y tế được phân loại tại nguồn bằng các bao, túi, thùng theo đúng màu sắc quy định
Đối với công tác xử lý, theo kết quả điều tra tại 104 CSYT do Sở TN&MT thực hiện năm 2018, tại các CSYT ở các tuyến Trung ương, TP, quận/huyện và khối tư nhân, gồm có: 20 cơ sở công lập thuộc tuyến Trung ương, 20 cơ sở công lập thuộc tuyến TP; 23 bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế quận/huyện, 16 CSYT tuyến phường xã và 25 CSYT tư nhân cho thấy, hầu hết các CSYT thuộc đối tượng phải đăng ký cấp Sổ chủ nguồn thải (>600 kg/năm) đã thực hiện đăng ký sổ chủ nguồn thải CTNH; không có cơ sở nào tự xử lý chất thải; 1 cơ sở xử lý CTR theo cụm là Trạm y tế Tây Hồ (gồm hệ thống các trạm y tế xã/phường/thị trấn và các phòng khám trực thuộc); các cơ sở còn lại đều ký hợp đồng thuê đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý tập trung.
Như vậy, CTYTNH tại Hà Nội hiện được xử lý chủ yếu bằng hình thức xử lý tập trung; thu gom, xử lý 100% lượng CTNH lây nhiễm thuộc khối công lập do TP quản lý, tương ứng 1,15 tấn/ngày theo đúng quy định; 31/2.956 CSYT tư nhân (đã được khảo sát, thống kê) đã ký hợp đồng thu gom, xử lý CTYTNH với đơn vị có đủ chức năng với tổng khối lượng thu gom, xử lý là 901 kg/ngày.
Đánh giá về năng lực xử lý CTYTNH tại TP. Hà Nội
Hiện TP. Hà Nội có khoảng 10 cơ sở xử lý CTYTNH đang ký hợp đồng xử lý với các CSYT; trong đó địa điểm xử lý CTYTNH duy nhất tại Hà Nội của Công ty URENCO 13 (Khu xử lý chất thải Cầu Diễn) hiện đang thực hiện xử lý CTYTNH theo công nghệ hấp với công suất được cấp phép xử lý 5 tấn/ngày (xử lý các CTYTNH lây nhiễm), chiếm 66,25% lượng CTYTNH phát sinh thu gom được trên địa bàn TP; chất thải sau xử lý được chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn. Lò đốt CTYT Delmolego (Ý) được đầu tư của Công ty URENCO 13 đưa vào sử dụng năm 1998, với công suất xử lý 200kg/h; hiện đã xuống cấp trầm trọng và dừng hoạt động từ năm 2016.
Do vậy, với hiện trạng thu gom, xử lý CTYTNH tại các cơ sở xử lý chất thải hiện nay của Hà Nội; năng lực thu gom, xử lý CTYT của khoảng 10 chủ xử lý đang hoạt động trên địa bàn TP; cùng với quá trình xã hội hóa công tác xử lý môi trường đang diễn ra, số lượng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTNH nói chung, CTYTNH nói riêng đã, đang và sẽ gia tăng tại một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, có thể đảm bảo xử lý đối với toàn bộ lượng CTR y tế nguy hại không lây nhiễm phát sinh trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Hà Nội còn có các địa điểm xử lý CTNH khác như Urenco 10 (công suất xử lý theo giấy phép là 28.800.000 kg/năm, tương đương 80 tấn/ngày, không bao gồm hầm chôn lấp chất thải hiện đã đầy) được phép thu gom, xử lý CTNH khác (không có mã 13) từ các CSYT như: vỏ bao bì chai lọ, thùng phuy, hóa chất thải, bóng đèn, thủy tinh chứa thủy ngân thải.... Dự án Lò đốt Nedo (công suất 75 tấn/ngày) hiện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và xin cấp phép xử lý CTNH; Khu xử lý CTR Việt Hùng, huyện Đông Anh (công suất 500 tấn/ngày) đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có chức năng xử lý CTNH, đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý CTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi các dự án nêu trên được cấp phép và đưa vào vận hành, sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ xử lý CTNH nói chung và CTYTNH nói riêng trên địa bàn TP, dự kiến sẽ nâng tỷ lệ CTNH nói chung được xử lý lên > 355 tấn/ngày.
Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng quản lý và xử lý CTR y tế nguy hại trên địa bàn TP
Để giải quyết các vấn đề môi trường có thể phát sinh trong quá trình quản lý và xử lý CTYTNH trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 20/3/2019, UBND TP ban hành Đề án “Xử lý CTYTNH TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp thực hiện và triển khai các dự án ưu tiên để tăng cường công tác quản lý, xử lý CTYT trên địa bàn TP. Theo đó, Đề án đưa ra một số giải pháp trọng tâm:
Xây dựng và bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTYT phù hợp với điều kiện thực tế của TP; xây dựng cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý CTYTNH, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường; xây dựng và ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý CTYTNH trên địa bàn TP theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT; Thực hiện lồng ghép việc triển khai nhiệm vụ quản lý CTYT vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP…
Thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường đối với các CSYT trên địa bàn TP; tăng cường năng lực quản lý, quan trắc, giám sát các hoạt động BVMT và đánh giá mức độ ÔNMT tại các CSYT nhằm kiểm soát ô nhiễm, từng bước khắc phục tình trạng ÔNMT tại các CSYT.
Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý CTYT tại các CSYT; thực hiện xử lý chất thải theo mô hình cụm, trong đó xây dựng hệ thống quản lý CTR y tế từ cấp TP đến cấp xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, khu vực.
Chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông, đào tạo, tập huấn: Xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và nhân viên y tế về quản lý CTYT phù hợp với từng đối tượng quản lý tại các CSYT; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý môi trường, quản lý CTYT cho đối tượng là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường và y tế, quản lý CTR tại các Sở, ban, ngành và UBND các cấp; tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về việc quản lý chất thải tại các CSYT.
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường nhằm tái chế CTYT và xử lý CTYTNH đảm bảo quy chuẩn quốc gia về môi trường, có suất đầu tư, chi phí xử lý, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Đối với CTR y tế nguy hại, ưu tiên xử lý bằng phương pháp không đốt; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dữ liệu về CTYT; tổ chức thẩm định, đánh giá và phổ biến công nghệ tái chế, xử lý CTYT đáp ứng được yêu cầu về BVMT; các hóa chất khử trùng, xử lý CTR, chất thải lỏng y tế mới, có hiệu quả, phù hợp trong ứng dụng xử lý CTYT tại các CSYT có quy mô phát thải thấp; gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học với các CSYT trên địa bàn TP.
Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong việc tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; trong học tập, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, xử lý CTYT thông qua các các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Lệ Hà
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)