03/04/2020
TÓM TẮT
Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Việt Nam. Sự phát triển của hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Hiện nay, lượng khách du lịch đến bản trung bình khoảng 20.000 lượt/ năm. Việc gia tăng các hoạt động du lịch tại bản đã gây ra nhiều hệ luỵ nhất định, đặc biệt sức ép đến môi trường tự nhiên và xã hội. Thông qua việc tính toán sức chịu tải môi trường ở bản Lác, bài báo đã chỉ ra các yếu tố đã quá tải trong phát triển du lịch ở bản Lác, đặc biệt vào những ngày cao điểm. Các kết quả này là căn cứ giúp các nhà quản lý đề ra các giải pháp về quản lý môi trường nói riêng và phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại điểm du lịch này nói chung.
Từ khóa: Bản Lác, sức chịu tải môi trường du lịch, du lịch cộng đồng.
1. Mở đầu
Luật BVMT năm 2014 quy định, “Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi”. Theo đó, khái niệm về sức chịu tải môi trường và khả năng tự phục hồi của môi trường được xác định dựa trên việc nghiên cứu các chất ô nhiễm được đưa vào môi trường tự nhiên sẽ biến đổi theo thời gian và bị loại bỏ mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người được gọi là quá trình tự làm sạch hay tự phục hồi.
Sức chịu tải môi trường du lịch là một khái niệm có nội hàm rộng và được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đã có nhiều khái niệm được đưa ra, nhưng nhìn chung đều thống nhất cho rằng sức chịu tải môi trường du lịch là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu điểm du lịch mà không gây tổn hại tới môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và ảnh hưởng tới chất lượng trải nghiệm của khách du lịch [5-7]. Tùy theo tính chất của khu, điểm du lịch, sức chịu tải môi trường du lịch có thể bao gồm sức chịu tải của các yếu tố thành phần như sức chịu tải của không gian tài nguyên, sức chịu tải hệ sinh thái, sức chịu tải của hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) (hệ thống cấp nước, giao thông, thu gom và xử lý chất thải…) trong không gian phát triển du lịch.Mức độ quan trọng của các yếu tố thành phần này và mối liên hệ giữa chúng đối với sức chịu tải môi trường của điểm đến du lịch không như nhau, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể[7].
Việc tính toán sức chịu tải môi trường của điểm đến du lịch nhằm đánh giá mức chịu tải hiện tại của điểm đến và trên cơ sở kết quả đánh giá, khuyến cáo nhà quản lý phải có các biện pháp để kiểm soát tác động từ hoạt động du lịch nằm trong ngưỡng chịu tải của các thành phần môi trường tự nhiên cũng như phù hợp với khả năng đáp ứng của các điều kiện về KT - XH tại mỗi khu, điểm du lịch. Vì vậy, sức chịu tải môi trường của điểm đến du lịch có thể được coi là một trong các chỉ số quan trọng phản ánh mức độ phát triển bền vững của điểm đến[1, 3].
Bản Lác là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Việt Nam. Sự phát triển của hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Hiện nay, lượng khách du lịch đến bản ngày một tăng, với trung bình khoảng 20.000 lượt/ năm. Lượng du khách đến bản quá đông đã gây ra nhiều hệ lụy nhất định, đặc biệt sức ép về môi trường do các hoạt động du lịch ở bản đang ngày càng gia tăng, cả về môi trường tự nhiên và xã hội.Nghiên cứu này tập trung đánh giá sức chịu tải du lịch hiện tại của bản Lác làm căn cứ giúp các nhà quản lý đề ra các giải pháp phát triển bền vững điểm du lịch.
2. Tài liệu và phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu các số liệu thống kê về khách du lịch, số phòng lưu trú, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, hệ thống cung cấp nước,giao thông…được thu thập từ các báo cáo về phát triển KT - XH, các đề án phát triển du lịch của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Các yếu tố thành phần của sức chịu tải du lịch hiện tại của bản Lác được tính toán theo các công thức sau.
Sức chịu tải của không gian tài nguyên
E1 = U/PCC (1)
U - Số lượt khách du lịch/ngày
PCC - Số lượng khách du lịch có thể chứa được trong một không gian đã được xác định và được tính toán theo công thức của Boullón (1985):
PCC = A/D
với A là tổng diện tích sử dụng cho du lịch; D là diện tích tiêu chuẩn cho một khách được tính toán tuỳ theo tính chất của không gian sử dụng cho hoạt động du lịch (bãi tắm, khu vực quảng trường…).
+ Sức chịu tải của hệ thống cấp nước
E2 = Pyc/Phc (2)
Phc là tổng công suất nước cấp hiện có của điểm du lịch (m3/ngày.đêm)
Pyc là tổng công suất nước cấp cần có của điểm du lịch, đảm bảo cho sinh hoạt của dân cư và khách du lịch(m3/ngày.đêm)
+ Sức chịu tải của hệ thống xử lý chất thải
E3 = M / N (3)
M: Tổng lượng chất thải rắn/ngày hoặc tổng lượng chất thải lỏng/ngày
N: Lượng CTR đã được thu gom và vận chuyển đi xử lý/ngày hoặc tổng lượng chất thải lỏng đã được xử lý/ngày.
+ Sức chịu tải của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
E4 = U/B (4)
U - Số lượt khách du lịch /ngày
B - Số lượng giường ngủ hiện có của điểm du lịch
+ Sức chịu tải của hệ thống giao thông
E5 = U/X (5)
U- Số lượt khách du lịch/ngày
X - Số lượng khách du lịch cao nhất mà hệ thống giao thông có thể đáp ứng. X được xác định bằng cách sử dụng công thức Boullón (1985):
X = n x L/D
L- chiều dài tuyến đường; D là mật độ xe lưu thông hay là chiều dài chiếm dụng của một xe lưu thông; D= K+ Lx trong đó K làkhoảng cách an toàn cho phép giữa hai xe và Lx là chiều dài của xe tham gia giao thông; n - số khách/xe
Các kết quả tính toán sức chịu tải nêu trên đều là các giá trị không thứ nguyên. Theo Cui Fengjun (1995) và LiuShi-dong (2009) [5, 8], kết quả tính toán thường được phân thành 3 loại:
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Sức chịu tải của không gian tài nguyên
Để tính sức chịu tải của không gian tài nguyên tại bản Lác, sử dụng công thức (1).
Tổng diện tích tự nhiên của bản Lác: 65.000 m2, tuy nhiên diện tích có thể để phục vụ cho hoạt động du lịch chỉ chiếm khoảng 20% tương ứng với 15.000 m2
Diện tích chuẩn cho một khách : Tạm tính 20 m2/người
PCC của Bản Lác = 15.000 m2/20 = 750 người/ngày
Tuy nhiên với thực tế tại bản Lác, khách du lịch chỉ tập trung phần lớn tại khu vực bản Lác 1, và một phần nhỏ diện tích của khu vực bản Lác 2, với khoảng diện tích 30% của 15.000 m2 là 5.000 m2, như vậy PCC thực tế của bản Lác chỉ khoảng 5.000 m2/20 = 250 người/ngày là hợp lý.
Theo thống kê lượng khách du lịch tại bản Lác năm 2018 là 19.350 hay trung bình 1 ngày có 53 khách du lịch đến.
Theo công thức (1) ta có : E1 = 53/250 =0,21 (21%).
Tuy nhiên, đối với bản Lác, thông thường có khoảng 80% lượng khách tập trung vào các dịp cuối tuần (và thường ở trong 2 ngày) ta có con số tương ứng với 52 dịp cuối tuần.Như vậy, vào những ngày cao điểm, số khách du lịch đến bản Lác là 19.350x0,8/52=298người/ngày. Khi đó, E1= 298/250 =1,19 (119%).
Nếu tính toán các yếu tố về mùa vụ (mùa cao điểm thường vào tháng 4 đến tháng 10), du khách thường đến đây tập trung vào mùa cao điểm, chiếm khoảng 70% thì thực tế số khách có thể sẽ vào khoảng 19.350 x 80% x 70% /26 = 417 người/ngày. Khi đó E1 = 417/250 = 1,67 (167%)
Như vậy, vào những ngày bình thường bản Lác vẫn đủ sức đón khách, tuy nhiên vào những dịp cuối tuần lượng du khách đã vượt ngưỡng chịu tải về không gian của bản Lác. Để đảm bảo sức tải không gian trong ngưỡng chịu tải của điểm du lịch, cần phải có những tác động để thay đổi giá trị những hằng số của phép tính PCC, ví dụ, hạn chế lượng khách đến hoặc tăng diện tích thực tế dành cho du lịch…
3.2. Sức chịu tải của hạ tầng KT- XH
- Sức chịu tải của hệ thống cấp nước
Trạm cấp nước Chiềng Châu hiện đang cấp nước cho toàn bộ xã Chiềng Châu (trong đó có bản Lác) với công suất khoảng 550m3/ngày.đêm. Tổng dân số toàn bộ xã Chiềng Châu năm 2018 là 3780 (trong đó Bản Lác có 527 nhân khẩu). Mỗi nhân khẩu trung bình cần 115 lít nước/ngày.đêm. Giả định toàn bộ số lượng khách đến bản Lác là khách có lưu trú, trung bình cần khoảng 320 lít nước/ngày.đêm. Như vậy, trung bình 1 ngày thường có 53 khách và ngày cao điểm có 417 khách. Theo đó, đối với ngày thường:
E2 = (3780x0,115 + 53 x 0.32)/550 = 0,82 (82%)
Ngày cao điểm:
E2 = (3780 x 0,115 + 417 x 0.32)/550 = 1,03 (103%)
Như vậy, ngày thường, nước sạch đủ dùng cho cả xã Chiềng Châu và khách du lịch, trong đó có bản Lác. Tuy nhiên, ngày cao điểm thì công suất nước hiện tại là không đủ.
- Sức chịu tải của hệ thống thu gom và xử lý chất thải
+ Hệ thống thu gom và xử lý nước thải
Như đã phân tích ở nội dung hiện trạng môi trường, nước thải từ các hoạt động kinh doanh du lịch và sinh hoạt của người dân địa phương tại Bản Lác hầu hết chỉ được lắng lọc qua bể lắng và bể tự hoại và xả ra môi trường. Những số liệu về quan trắc môi trường gần đây ở bản Lác cho thấy các thông số NH4+ và PO43- của một số mẫu vượt quá giới hạn cho phép [2]. Bởi vậy, có thể coi khả năng chịu tải của hệ thống thu gom và xử lý nước thải đã quá tải vì thực tế với việc xả ra môi trường và chất lượng môi trường nước như vậy là không đảm bảo yêu cầu cho hoạt động du lịch.
+ Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn
Theo báo cáo của UBND huyện Mai Châu[4], lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch chiếm tỷ lệ lớn (40.77%) trongtổng lượng chất thải rắn của toàn bộ khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu gom và xử lý CTR hiện nay tại Bản Lác chỉ đạt 60 - 70%, số còn lại vẫn tồn tại ngoài môi trường tại các điểm dừng chân, bờ suối hay khe núi…Như vậy, có thể tính sơ bộ, khoảng 35% khối lượng rác thải chưa được thu gom xử lý (tương đương khoảng 172 kg/ngày) và năng lực xử lý thu gom, xử lý rác thải của bản Lác là khoảng 321 kg/ngày.
Theo công thức (3): E3 = 1,35 (135%).
- Sức chịu tải của hệ thống cơ sở lưu trú
Bản lác hiện có 74/121 hộ gia đình kinh doanh lưu trú. Mỗi hộ gia đình có thể đón trung bình 30-50 khách tại một thời điểm. Như vậy, tổng số giường hiện có tính trung bình là 2.500.
Đối với ngày thường: E4 = 53/2500 = 0,021 (2,1 %)
Đối với ngày cao điểm: E4 = 417/2500 = 0,167 (16,7 %)
- Sức chịu tải của hệ thống giao thông
Tuyến giao thông đối ngoại chính của bản Lác được xem là tuyến quyết định đến khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông. Tuyến này dài 500m, một làn xe. Chiều dài của xe tham gia giao thông tính quy đổi cho ô tô loại 45 chỗ ngồi là 12,2 m; Khoảng cách an toàn cho phép giữa hai xe 24,4 m. Số lượng khách ngày bình thường là 53 và cao điểm là 417.
Theo đó, đối với ngày thường: E5 = 53 /(45 x 500/36,6) = 0,086 (8,6 %)
Đối với ngày cao điểm: E5 = 417 /(45 x 500/36,6) = 0,678 (67,8 %)
Trên cơ sở các tính toán nêu trên, ta có bảng tổng hợp về sức chịu tải môi trường của Bản Lác (Bảng 1).
Bảng 1. Tổng hợp kết quả tính toán sức chịu tải môi trường của bản Lác
Sức chịu tải thành phần |
Chỉ số ngày thường (%) |
Chỉ số ngày cao điểm (%) |
Sức chịu tải không gian tài nguyên (E1) |
0,21 |
1,67 |
Sức chịu tải hạ tầng KTXH |
|
|
+Hệ thống cấp nước(E2) |
0,82 |
1,03 |
+Hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (E3) |
1,35 |
1,35 |
+Hệ thống cơ sở lưu trú(E4) |
0,021 |
0,167 |
+Hệ thống giao thông(E5) |
0,086 |
0,678 |
4. Một số vấn đề đặt ra đối với quản lý phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lác
Những kết quả tính toán ở bảng 1 cho thấy,những ngày bình thường, sức chịu tải môi trường của bản Lác nhìn chung không vượt quá khả năng cho phép, thậm chí ở mức tải rất nhẹ, ngoại trừ khả năng đáp ứng của hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn. Điều này cho thấy lượng khách du lịch đến bản Lác nhìn chung ít so với năng lực hiện có ở ngày bình thường. Tuy nhiên, vào những dịp cuối tuần, ngày lễ lượng du khách đã vượt ngưỡng chịu tải về không gian, về khả năng thu gom rác thải và khả năng cung cấp nước sạch của bản Lác. Thực tế, tình trạng quá tải cục bộ thường xuyên diễn ra tại khu vực trung tâm ở bản Lác(vào những dịp cuối tuần). Một trong những nguyên nhân là bản Lác không có sự phát triển cân bằng giữa các khu vực, chưa phát huy được lợi thế của các khu vực khác trong bản.
Bản Lác là điểm du lịch cộng đồng có thương hiệu, nổi tiếng và quen thuộc đối với khách du lịch trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện tại bản Lác đã quá tải, đã mất đi thị trường khách quốc tế, còn lại chủ yếu là khách nội địa. Để phát triển du lịch bền vững tạibản Lác, một số vấn đề cần quan tâm đối với quản lý nhà nước về du lịch như sau:
Cần xem xét một cách nghiêm túc hướng phát triển bản Lác là điểm du lịch cộng đồng hay mang tính đại trà để có căn cứ quy hoạch, đầu tư có hiệu quả. Hiện nay du lịch ở bản Lác có nhiều đặc tính của du lịch đại trà hơn là du lịch cộng đồng vì vậy quy hoạch theo hướng tập trung đón khách nội địa là chủ yếu. Xóm Lác 2 thì còn giữ được vẻ đặc trưng của du lịch cộng đồng hơn, còn có những đặc tính văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của đồng bào Thái vì vậy cần tập trung đầu tư và giữ gìn và đình hướng quy hoạch để phục vụ đón khách du lịch là người nước ngoài là chủ yếu.
Đánh giá lại việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa ở bản Lác và hướng tới chỉ tổ chức các hoạt động mang tính chất dân gian, văn hóa dân tộc của người Thái.
Cần thiết giãn bớt các hoạt động du lịch để giảm tải cho bản Lác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tăng cường các sản phẩm trải nghiệm văn hóa chân thực nhất, trải nghiệm cuộc sống thường ngày, các hoạt động sản xuất của người dân bản địa…
Tuy nhiên, cần lưu ý diện tích đất ở tại các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch đã khai thác và sử dụng hết diện tích vốn có của mình. Vì vậy, việc gia tăng thêm số lượng khách du lịch hoặc mở rộng phát triển thêm các dịch vụ du lịch kèm theo là hết sức hạn chế. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu đãđược phê duyệt với nhiều giải pháp tổng thể nhằm giảm tải cho bản Lác.
Trương Sỹ Vinh1
1Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Hoàng (2012), "Đánh giá sức tải trong hoạt động du lịch - sự cần thiết cho quy hoạch và quản lí phát triển du lịch biển", Tạp chí Khoa học ĐHSP Tp.HCM. số 38 năm 2012.
2. Trần Thị Hương (2018), "Đánh giá tác động của hoạt động du lịch sinh thái tới môi trường tự nhiên và xã hội tại Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình", Tạp chí Khoa học Và Công nghệ Lâm nghiệp. 1/2018.
3. Khương Thị Hồng Nhung (2016), Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình, Luận văn thạc sỹ, Học viện Khoa học xã hội.
4. UBND huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình (2018), "Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018".
5. Cui Fengjun, Liu Jiaming (1998), "A study on the theory and application of tourism environmental bearing capacity", Progress in Geography. vol. 17, pp. 86-91.
6. Hens, Luc (1998), Tourism and Environment, Free University of Brussels, Belgium.
7. Li, Zhiqiang (2016), "A Research on Evaluation Method of Tourism Environmental Bearing Capacity in the Context of Ecological Environment Protection", International Journal of Earth Sciences and Engineering. Vol. 9.
8. SunRui-hong, LiuShi-dong; (2009), "Research on Tourism Environmental Carrying Capacity of ChongMing Island", Proceedings of the 2009 International Conference on Environmental Science and Information Application Technology. Vol. 3. July 2009, pp. 177-181.
TOURISM ENVIRONMENTAL CARRYING CAPACITY OF LAC VILLAGE AND RECOMMENDATIONS FOR CBT DEVELOPMENT MANAGEMENT
Trương Sỹ Vinh Institute for Tourism Development Research
Abstract: Lac Village in Hoa Binh Province is one of the famous community-based tourism sites in Vietnam. The development of tourism activities has contributed to creating jobs and improving the lives of local people. Currently, the number of tourists to Lac village is about 20,000 turns per year on average. The increase in tourism activities in the village has caused certain consequences, especially pressure on the natural and social environment. Through the calculation of the tourism environmental carrying capacity in Lac Village, the article points out the overloaded factors in tourism development in Ban Lac, especially on peak days. These results are the basis for managers to devise solutions for sustainable community tourism development in the destination. Keywords: Lac Village, Tourism Environmental Carrying Capacity, Community Based Tourism. |