Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Tình hình triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2024

18/06/2024

    Ngày 18/6/2024, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo về Tình hình triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn 2017-2024 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

    Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để đại diện các bộ, ngành, cơ quan và địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và SDGs giai đoạn 2017-2024, qua đó, thảo luận định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đóng góp vào quá trình xây dựng Đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện NAP 2030 và ra soát, cập nhật Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT cho biết, trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tuy nhiên, việc duy trì mức độ tiến bộ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 và những thách thức toàn cầu như: bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, đặc biệt, dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng những tác động của tiêu cực sẽ còn kéo dài tới trung và dài hạn, làm trầm trọng hơn những thách thức, khó khăn để hoàn thành SDGs đến năm 2030. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế. Đặc biệt nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa tương xứng với nhu cầu đặt ra.

Ông Dennis Quennet - Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững, GIZ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Dennis Quennet – Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững, GIZ Việt Nam chia sẻ, báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện SDGs năm 2023 cho thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực như tiến độ thực hiện giữa các mục tiêu không đồng đều, điều này cũng xảy ra khi thực hiện SDGs tại các địa phương. Do đó, Việt Nam cần có những biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các bộ ngành cũng như địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030.

    Các ý kiến đóng góp từ Hội thảo này và sự kiện tương tự đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiếp thu và tác động tới nỗ lực chung của chúng ta trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs tại Việt Nam. GIZ sẽ tiếp tục là một người bạn đồng hành đáng tin cậy cùng các bạn trên hành trình này, ông Dennis Quennet cho biết thêm.

        Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiến độ trung bình để đạt được tất cả các SDG tăng chậm từ 4,4% năm 2017 đến 17% năm 2023. Tại Việt Nam, kết quả thực hiện các mục tiêu SDGs ở mức khả quan, từ năm 2016 đến năm 2023, Việt Nam đã tăng 33 bậc, xếp thứ 55/166 quốc gia và chỉ xếp sau Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam có 7 chỉ tiêu đúng tiến độ (SDG 1, 6, 9, 10, 11, 16 và 17); 3 chỉ tiêu đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn và 7 chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, cần tăng tốc hơn nữa. Hiện nay, khoa học – công nghệ , chuyển đổi số phát triển nhanh chóng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển bền vững và chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng phát triển chung của toàn thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT trình bày về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

    Liên hợp quốc nhận định, toàn cầu đang đứng trước rất nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, khoảng cách giàu nghèo… để đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Do đó, Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia cần tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện SDGs, đặc biệt là 6 lĩnh vực mang tính chuyển đổi: Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, Chuyển đổi trong giáo dục, Bảo trợ xã hội và việc làm, Hệ thống lương thực, thực phẩm, Hạ tầng số hoá và Năng lượng. Đây là 6 lĩnh vực trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và chuyển đổi thực hiện SDGs, mang tới nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế theo hướng xanh, bên vững, đồng thời cũng là bước nhảy giúp đón đầu tiếp cận khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chũng như huy động nguồn tài chính quốc tế.

    Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, bà Thanh Nga cho rằng, cần đưa ra chính sách trong đó lấy con người làm trung tâm phát triển, chú trọng giảm thiểu sự bất bình đẳng, phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo và giáo dục nghệ nhiệp bình đẳng, bao trùm, toàn diện; Lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là, một trong 3 đột phá chiến lược bên cạnh các cải cách thể chế và phát triển kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam cần không ngừng quan tâm đến vấn đề BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính; tăng cường số hoá trong công tác thu thập, tổng hợp, phổ biến dữ liệu…

Quang cảnh Hội thảo

    Tại phiên thảo luận, các đại biểu được lắng nghe tình hình triển khai và thực tiễn điển hình về thực hiện SDGs tại các bộ ngành và địa phương, trong đó, tập trung thảo luận về mục tiêu phát triển bền vững và kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng hợp thông tin của Bộ NN&PTNT, tình hình thực hiện SDGs tại Hà Giang và mô hình điển hình trong thực hiện SDGs tại Thừa Thiên Huế… Đồng thời, đưa ra các giải pháp, khuyến nghị trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương.

Phùng Quyên - Bảo Bình

Ý kiến của bạn