Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Phát động Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” thúc đẩy sự phát triển ngành tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam

15/04/2024

    Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) phát động Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhằm thúc đẩy giải pháp từ các đối tượng cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa. Tham dự Lễ phát động có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Chủ tịch Unilever Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc BritCham Christopher Jeffery; Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cùng đại diện các bên liên quan.

    Phát động Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”

    Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa là vấn đề môi trường nhức nhối, nghiêm trọng và cấp bách trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường. Sáng kiến tổ chức Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là hành động thiết thực và ý nghĩa để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa. Chương trình này sẽ giúp thúc đẩy, hỗ trợ việc thực hiện quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Lễ phát động

    Nhân sự kiện này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sở hữu các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp tích cực tham gia Chương trình này. Đồng thời, Thứ trưởng cũng kêu gọi các tổ chức tài chính đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa từ Chương trình này được triển khai, nhân rộng tại Việt Nam.

    Mục tiêu Chương trình nhằm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng giải pháp thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm tại Việt Nam; Nâng cao nhận thức về tính cấp bách trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa mềm tại Việt Nam; Khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến và giải pháp mới về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam.

    Cuộc thi bao gồm hai nội dung: Ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình, giải pháp mới và sáng tạo chưa tiếp cận thị trường, đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể, đang cần sự hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường; Giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam. Cuộc thi diễn ra từ tháng 4 tới tháng 8/2024.

    Mở khóa Kinh tế tuần hoàn nhựa thông qua đổi mới sáng tạo

    Nằm trong khuôn khổ Lễ phát động, buổi Tọa đàm với chủ đề Mở khóa Kinh tế tuần hoàn nhựa thông qua đổi mới sáng tạo: Thách thức và cơ hội cũng được diễn ra với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhà sản xuất - Công ty TNHHH Quốc tế Unilever Việt Nam; Nhà bán lẻ - Central Retail Vietnam; Nhà tái chế - Duy Tân Recycling; Đơn vị thu gom - VietCycle.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Cuộc thi

    Tại buổi Tọa đàm, các đại diện đã chia sẻ các thách thức của việc phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam, cụ thể rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp hiện nay chủ yếu được chôn lấp, đốt hoặc thải ra ngoài môi trường; một số loại bao bì nhựa có giá trị thì được thu gom, tái chế chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn; một số bao bì nhựa được tái chế lại không đúng cách, gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế. 

    Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đề xuất chính sách, chiến lược, quy định pháp luật để tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, tái sử đụng rác thải nhựa, đặc biệt là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR); các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng đã có nhiều hoạt động tích cực, sôi nổi, thiết thực để giảm thiểu, chống rác thải trên khắp cả nước; một số địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng đã có những mô hình, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thúc đây tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các mô hình thúc đẩy tuần hoàn nhựa trong khuôn khổ hợp tác công - tư của các doanh nghiệp.

    Kết thúc buổi Tọa đàm, các đại biểu đưa ra giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn