Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Nhân rộng và lan tỏa mô hình khu công nghiệp sinh thái để phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam

12/04/2024

    Ngày 12/4/2024, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP) và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được của Dự án trong việc đẩy mạnh triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và định hướng triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO); Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam chủ trì Hội thảo

Mô hình KCN sinh thái, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI

    Mô hình KCN sinh thái đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

    Đến nay, Việt Nam đã có hơn 412 KCN, trong đó có 293 KCN đang hoạt động trên 61 tỉnh/thành phố và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng, việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

    Theo xu thế phát triển, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển. Theo đó, KCN, khu kinh tế đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, khả năng hợp tác để sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, sản xuất. Đồng thời, các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đối khí hậu, cam kết giảm phát ròng và các Hiệp định FTA thế hệ mới đang đòi hỏi các quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp, thực hiện hoạt động sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị. Theo đó phát triển các KCN sinh thái được coi là tối ưu cho các mục tiêu trên nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống.

    Tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm cơ hội. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Cần tiếp tục nhân rộng việc thực hiện KCN sinh thái trong thời gian tới

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao đóng góp của dự án trong việc đẩy mạnh triển khai mô hình KCN sinh thái, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thực hiện KTTH và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, Vụ trưởng Lê Thành Quân đề nghị cần tiếp tục nhân rộng việc thực hiện KCN sinh thái trong thời gian tới, xây dựng hệ thống thông tin để đánh giá, chứng nhận và giám sát hoat động của các KCN sinh thái, kết hợp với tăng cường cơ chế đối thoại công tư. Vụ trưởng Lê Thành Quân nhận xét: “Tăng cường năng lực và cơ chế điều phối chặt chẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.

    Đại diện Quốc gia UNIDO tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Thảo nhấn mạnh sự tham gia tích cực của các Bộ/ngành, địa phương liên quan; Ban quản lý các KCN, khu kinh tế; nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN đã tham gia dự án. Bà Thảo cho rằng “Những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.”

    Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ của Dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn. Là đại diện cho Chính phủ Thụy Sỹ, một trong những quốc gia luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, bà Sibylle nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự cam kết của khu vực tư nhân trong đầu tư xanh. Ngoài ra, việc dự án dựng các tiêu chí và chỉ số của KCN sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, sẽ là công cụ thiết yếu để giám sát hoạt động của các KCN và KCN sinh thái.

Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết dự án “Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”

    Tại Hội thảo Tổng kết Dự án, các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn, các chuyên gia, Ban quản lý các KCN… chia sẻ kinh nghiệm về những thành công, thách thức và bài học trong quá trình phát triển các KCN sinh thái trên cả nước để triển khai trong giai đoạn tới.

    Trong chuỗi sự kiện liên quan đến Tổng kết Dự án, ngày 11/4/2024, các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ đã khảo sát thực tế tại KCN Amata Biên Hòa (Đồng Nai) và chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công từ sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đem lại tiềm năng tiết kiệm về năng lượng, nước và lượng khí thải CO2.

     Một số hình ảnh khen thưởng cho Tập thể và cá nhân tham gia đồng hành cùng Dự án:

 

    Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 đô la Mỹ do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, tại 05 tỉnh/thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các KCN: Hiệp Phước, Amata - Biên Hòa, Đình Vũ (Deep C), Hòa Khánh và Trà Nóc 1&2. 

   Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.   

   Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên (RECP), trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm. Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn