Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn: 30 năm Việt Nam tham gia thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal

17/09/2024

    Ngày 16/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn năm 2024 - 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Điều phối viên ô-dôn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Pipat Poopeerasupong; đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và các địa phương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Năm 2024 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Ngay sau khi tham gia Công ước và Nghị định thư năm 1994, Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn năm 1995 và thành lập Văn phòng Chương trình quốc gia để điều phối, triển khai các hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal từ năm 1996. Sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê, đánh giá của Ban Thư ký Ô-dôn quốc tế công bố tại kỳ họp tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương từ khi tham gia đến nay.

    Trong thập niên đầu tiên tham gia Công ước và Nghị định thư (1994 - 2004) Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và ban hành các quy định quản lý, kiểm soát sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Trong giai đoạn 2004 - 2014, Việt Nam đẩy mạnh công tác bảo vệ tầng ô-dôn, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quản lý, văn bản chỉ đạo điều hành để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu các chất; kiểm soát thiết bị làm lạnh sử dụng môi chất lạnh CFC; hạn chế thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp sử dụng chất HCFC. Cùng với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010, ngưng ở mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ ngày 1/1/2013 và nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ.

    Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã đạt được bước tiến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ tầng ô-dôn với việc thiết lập các quy định quản lý và triển khai trong thực tiễn trong thời gian qua. Năm 2019, Chính phủ đã phê chuẩn tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal nhằm tăng cường công tác quản lý các chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC) được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đang dần bị loại bỏ. Nội dung bảo vệ tầng ô-dôn đã được thể chế, nội luật hóa cam kết quốc tế trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Triển khai thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thông tư số 20/2023/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (QCVN 76:2023/BTNMT). Các Nghị định và Thông tư đã quy định rõ về lộ trình quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát; quy định danh mục và hướng dẫn quản lý, sử dụng các chất được kiểm soát; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý. Việt Nam cũng đã ban hành các tiêu chuẩn quốc gia như TCVN 6739:2015 (ISO 817:2014): Môi chất lạnh - Ký hiệu và phân loại an toàn; TCVN 6104-1/2/3/4:2015 (ISO 5149-1/2/3/4:2014): Hệ thống lạnh và bơm nhiệt; TCVN 13334:2021 Xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất; đang xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về “Môi chất lạnh - Yêu cầu về an toàn trong sản xuất và lắp đặt điều hòa không khí treo tường sử dụng R-32…

Toàn cảnh Hội thảo

    Ngày 11/6/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg. Theo đó, nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương từ việc loại trừ các chất được kiểm soát, chưa kể đến lượng giảm phát thải đạt được thông qua những nỗ lực chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Để tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo lộ trình, Kế hoạch quốc gia và thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, loại trừ chất được kiểm soát và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu và việc sử dụng các chất được kiểm soát, trong đó các cơ quan quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý thị trường và lực lượng hải quan có vai trò rất quan trọng. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, cải thiện hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal; triển khai mô hình áp dụng công nghệ làm mát bền vững, kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng. Bên cạnh đó, triển khai chương trình tập huấn, tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát cho đội ngũ cán bộ thực thi, giám sát thực hiện pháp luật; giảng viên tại cơ sở đào tạo; cán bộ tại tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn