Tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất
15/09/2015
Trong 2 ngày 6 - 7/10/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất, nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý có liên quan đến công tác kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất; Đồng thời, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong công tác kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất xuyên biên giới. Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, hiện tượng vận chuyển bất hợp pháp chất thải và hóa chất xuyên biên giới đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người và hiện đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia Châu Á. Riêng chất thải điện tử, hằng năm có khoảng 1 triệu tấn được xuất khẩu bất hợp phát sang các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, Luật BVMT cấm nhập khẩu chất thải (trừ một số loại phế liệu sau khi làm sạch thì được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất). Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bất hợp pháp một số loại chất thải dưới hình thức phế liệu nhập khẩu như sắt, thép, nhựa, đồng, nhôm, giấy, cao su, silicon, ny lông, máy móc, thiết bị cũ có chứa chất thải nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép… gây ô nhiễm môi trường. Thành phố Hải phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh là những địa phương phát hiện và xử lý nhiều nhất vi phạm này. Do vậy, việc tìm ra các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển và buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất xuyên biên giới đang là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận về: Các Hiệp định môi trường đa phương về chất thải và hóa chất (MEAs); Xu hướng hiện nay trong buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất (chất thải điện tử), phương pháp tiếp cận toàn cầu và khu vực; Tình hình thực hiện các công ước Basel, Rotterdam, Stốckhôm tại Việt Nam; Chính sách pháp luật và quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu tại Việt Nam; Hoạt động của Văn phòng liên lạc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO AP RILO) trong công tác phòng, chống tội phạm môi trường về chất thải và hóa chất; Kết quả và kinh nghiệm quốc tế về phòng chống buôn bán trái phép chất thải…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận về phương án giải quyết các trường hợp xoay quanh việc thực hiện và kiểm soát chất thải; Thách thức đang phải đối mặt và nhu cầu cần phải tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất tại Việt Nam. Đa số các ý kiến cho rằng, để kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất, trước hết, đội ngũ cán bộ làm công tác này phải nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế cũng như các quy định quốc gia về xuất - nhập khẩu phế liệu và nhập khẩu bất hợp pháp chất thải và hóa chất vào Việt Nam.
Gia Linh