Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Phiên họp lần thứ 10 triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Cầu

15/09/2015

     Ngày 13/8/2014, tại Bắc Ninh, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông (BVMT LVS) Cầu đã tổ chức Phiên họp lần thứ 10 đánh giá tình hình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, kế hoạch triển khai năm 2015. Tham dự và chủ trì phiên họp có Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu Bùi Văn Hải; Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Bùi Cách Tuyến; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cùng đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan thuộc 6 tỉnh LVS.      Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, 100% các tỉnh, thành phố trên LVS đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS Cầu và đang tích cực triển khai Kế hoạch đã được phê duyệt. Các địa phương trên địa bàn đã triển khai hơn 60 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT, nổi bật là Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu (Bắc Cạn); Mô hình xử lý các nguồn thải công nghiệp, khai khoáng (Thái Nguyên); Mô hình xử lý môi trường làng nghề, hỗ trợ xây dựng hầm Biogas (Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương…).      Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT được các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/TP đặc biệt quan tâm và triển khai. Trong năm 2013, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra đối với 68 cơ sở sản xuất và chủ đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Kết quả thanh tra cho thấy, công tác BVMT tại các cơ sở này ngày càng được chú trọng. Bên cạnh đó, Tổng cục đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng và Bắc Giang  với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.      Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương cũng được đẩy mạnh. Hiện có 38/45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Cầu theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, 1 cơ sở đã cơ bản hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, đang chờ được chứng nhận hoàn thành và 6 cơ sở vẫn đang trong quá trình triển khai xử lý triệt để. Tỉnh Bắc Cạn và Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý, một số cơ sở đang trong quá trình hoàn thiện, đóng cửa hoặc trình hồ sơ phê duyệt hoàn thành.   Toàn cảnh Phiên họp        Bên cạnh những kết quả đã đạt được của Đề án, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn có một số hạn chế như: Bộ, ngành, địa phương rất khó phân tách các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án với các nhiệm vụ, dự án BVMT nói chung nên việc tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá rất khó khăn, đôi khi chồng chéo; công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ đã được triển khai nhưng chưa tạo bước đột phá. Ngoài ra, các địa phương chưa chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số doanh nghiệp còn hạn chế…      Triển khai Đề án BVMT LVS Cầu đến năm 2015, Chủ tịch Ủy ban Bùi Văn Hải cho biết, các tỉnh sẽ tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về BVMT; giải quyết các khó khăn vướng mắc về vốn, cơ chế; tăng cường nguồn lực đầu tư cho các dự án, nhiệm vụ cụ thể triển khai Đề án BVMT LVS trên địa bàn.       Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban Bùi Cách Tuyến khẳng định, BVMT LVS Cầu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh trong khu vực và các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai tiến độ các dự án môi trường, các giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu; xem xét, giải quyết các khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc thúc đẩy giám sát, kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm.      Tại phiên họp, Ủy ban BVMT LVS Cầu tiếp tục đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần hạn chế đầu tư tại một số địa bàn thuộc các lưu vực sông liên tỉnh; các Bộ, ngành Trung ương và địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Đề án sông Cầu hiệu quả hơn nữa.   PV      
Ý kiến của bạn