Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2014 - 2016

15/09/2015

     Ngày 3/4/2014, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã tiếp ông Peter Witterauf - Tổng Giám đốc Quỹ Hanns - Seidel (HSF- Đức). Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT và ông Peter Witterauf - Tổng Giám đốc Quỹ HSF đã ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2014 - 2016.   Ông Nguyễn Văn Tài Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường và ông Peter Witterauf - Tổng Giám đốc Quỹ Hanns - Seidel cùng ký Thỏa thuận hợp tác        Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ niềm vui mừng được tiếp và làm việc với Tổng Giám đốc Peter Witterauf cùng các cộng sự của Quỹ HSF, qua đó cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về bức tranh TN&MT của Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu (BĐKH), biển - hải đảo, viễn thám…      Hệ thống văn bản pháp luật về TN&MT được hoàn thiện và cập nhật liên tục, đảm bảo việc quản lý nhà nước gắn với tình hình thực tế. Trong đó, về lĩnh vực quản lý tài nguyên đất, Chính phủ vừa ban hành Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Vấn đề bất cập trong công tác quản lý đất đai là sự bất thuận giữa việc huy động nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng với việc sở hữu đất của người dân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, định giá đất…      Bên cạnh đó, môi trường vẫn là một thách thức lớn của Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật BVMT năm 2005. Trên thực tế, môi trường ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí. Trong khi đó, công tác quy hoạch, xử lý chất thải rắn tại các địa phương chưa cao, công nghệ còn yếu kém. Việt Nam còn là nới có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ rừng, các hệ sinh thái, động, thực vật đang suy giảm nhanh. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội và cần sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Vấn đề “nóng” của Việt Nam hiện nay chính là BĐKH. Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Sự gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ 21 sẽ tạo ra những nguy cơ lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các cơn bão sẽ gia tăng cả về số lượng và cường độ, gây thiệt hại từ 1 - 3 % GDP. Theo tính toán, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, con số thiệt hại này sẽ tăng lên đến 10% GDP/năm. Do vậy, để chống lại BĐKH, nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam hiện nay là huy động nguồn lực để xây dựng đê biển, đê sông, hồ chứa nước, phục hồi rừng ngập mặn, trồng lại rừng để bảo vệ nguồn nước và phòng chống lụt bão nhằm ứng phó với BĐKH…      Mặt khác, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình kinh tế, từ nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, tiết kiệm sang nền Kinh tế xanh, đảm bảo phát triển bền vững.      Khí tượng thủy văn là lĩnh vực ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng. Tuy nhiên, cơ sở vật chất để phục vụ công tác này còn lạc hậu.      Kinh tế biển chiếm tới 30 - 40% GDP nên biển và hải đảo là lĩnh vực cần được quản lý tốt trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Biển; Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Tranh chấp giữa các quốc gia ở khu vực Biển Đông chưa được giải quyết ổn thỏa.      Về lĩnh vực địa chất - khoáng sản, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khoáng sản Việt Nam đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác điều tra, thăm dò. “Việt Nam rất cởi mở với các đối tác quốc tế cùng hợp tác điều tra, thăm dò với điều kiện có thiện chí, có năng lực và công nghệ”, Thứ trưởng nói.      Về quản lý tài nguyên nước, Thứ trưởng cho biết, đây chính là vấn đề sống còn của Việt Nam. Tài nguyên nước hiện được khai thác để xây dựng các nhà máy thủy điện. Song việc này đã tạo nên xung đột mục đích sử dụng nước giữa thượng nguồn và hạ nguồn, giữa lợi ích của thủy điện với nhu cầu cuộc sống của người dân.      Đo đạc bản đồ là lĩnh vực được Bộ TN&MT thực hiện tương đối tốt. Bên cạnh đó, viễn thám là một lĩnh vực mới, đòi hỏi nhiều sự đầu tư về vật chất kỹ thuật cũng như những cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả.      Từ thực trạng về ngành TN&MT, Thứ trưởng đề nghị sự hợp tác của Quỹ HSF, dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi.   Theo Monre   
Ý kiến của bạn