Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Đánh giá sự sẵn sàng thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của người dân thành phố Bắc Ninh và thành phố Cẩm Phả theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

03/01/2025

Tóm tắt:

    Theo quy định của Luật BVMT năm 2020, từ ngày 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự hiểu biết của người dân cũng như việc triển khai hướng dẫn cần thiết cho công tác phân loại CTRSH còn khá hạn chế. Do đó, thái độ và sự sẵn sàng của người dân trong việc áp dụng thực hiện các nội dung được quy định trong Luật BVMT năm 2020 rất quan trọng để Luật được triển khai hiệu quả, công bằng và nghiêm minh. Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu gồm: Thu thập số liệu thứ cấp, khảo sát thực địa, điều tra xã hội học. Kết quả điều tra, khảo sát tại các phường Cẩm Sơn, Cẩm Đông (TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) và phường Kinh Bắc, Ninh Xá, Tiền An (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã cho thấy mức độ hiểu biết của người dân về phân loại CTRSH tại nguồn chỉ chiếm tối đa 60%, tỷ lệ thực hiện phân loại còn thấp chưa đạt được 50%, nhất là ở TP. Bắc Ninh. Công tác thực hiện phân loại chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do ý thức người dân và sự hướng dẫn chưa hiệu quả của chính quyền địa phương. Điều này sẽ gây khó khăn đến việc triển khai thực hiện nội dung phân loại và thu gom CTRSH, cũng như xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật BVMT. Do đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn như: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách nhận biết và tầm quan trọng của phân loại CTRSH tại nguồn; Triển khai các biện pháp cụ thể  cho công tác phân loại và thu gom.

Từ khóa: CTRSH, phân loại, Luật BVMT năm 2020, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Ngày nhận bài: 6/11/2024; Ngày sửa chữa: 2/12/2024; Ngày duyệt đăng: 20/12/2024.

 

Assessing the Readiness of Residents in Bac Ninh city and Cam Pha city to Implement Household Waste Classification under the 2020 Environmental Protection Law

Abstract:

    According to the provisions of the 2020 Environmental Protection Law, from December 31, 2024, the classification of household solid waste (HSW) will be mandatory for all individuals and households. However, it is evident that public understanding and the implementation of necessary guidelines for HSW classification remain quite limited. Therefore, the attitude and readiness of the public in adopting the provisions of the 2020 Environmental Protection Law are crucial for the effective, fair, and strict enforcement of the law. This study employs methods such as collecting secondary data, field surveys, and sociological investigations. Surveys conducted in Cam Son and Cam Dong wards (Cam Pha city, Quang Ninh province) and Kinh Bac, Ninh Xa, and Tien An wards (Bac Ninh city, Bac Ninh province) revealed that public awareness about HSW classification at the source is only up to 60%, and the actual implementation rate is much lower, not reaching 50%, especially in Bac Ninh city. The low effectiveness in classification is due to various reasons, primarily public awareness and inadequate guidance from local authorities. These challenges complicate the implementation of HSW classification and collection, as well as the enforcement of penalties for violations as stipulated in the Environmental Protection Law. Consequently, this research proposes several solutions to enhance the effectiveness of waste classification at the source, such as raising community awareness about the importance and methods of HSW classification at the source, and implementing specific measures for classification, collection, and treatment.

Keywords: Household solid waste, classification, the 2020 Environmental Protection Law, Quang Ninh, Bac Ninh.

JEL Classifications: O13, P48, Q15, Q53.

1. Mở đầu

    Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về kinh tế và dân số nhanh trên thế giới. Cùng với đó, sự gia tăng CTRSH đã gây ra nhiều vấn đề nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (2020), tổng lượng CTRSH từ các khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn mỗi ngày, chiếm khoảng 55% tổng lượng CTRSH trong cả nước. Tốc độ thu gom, xử lý CTRSH tăng trung bình 2%/ năm. Khu vực nông thôn có tỷ lệ thu gom trung bình khoảng 63% và phần lớn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tỷ lệ thu gom ở các đô thị loại I, II, III đạt trên 80%, tại các đô thị loại IV, V, tỷ lệ thu gom chỉ đạt trên 50%. Các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thu gom chưa đạt yêu cầu do hạn chế về nguồn lực, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị. Ngoài ra, việc chưa phân loại tốt rác thải tại nguồn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng đến hiệu quả thu gom.

    Các nghiên cứu trước đó về công tác quản lý CTRSH tại huyện Quốc Oai (Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Thanh Nhung, 2022), thị trấn Đông Anh, xã Tiên Dương, xã Uy nỗ thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội (Nguyễn Mai Lan et Mai Hương Thảo, 2022), huyện Đan Phượng, Hà nội (Phạm Thị Tố Oanh, 2020) và quận Cầu Giấy, Hà Nội (Phạm Thị Tố Oanh, 2021) cho thấy CTRSH có nguồn gốc từ các hoạt động nấu nướng và ăn uống của các hộ gia đình chiếm gần 50% và chất thải có khả năng tái chế chiếm xấp xỉ 20% tổng lượng CTRSH. Như vậy, nếu thực hiện công tác phân loại tại nguồn triệt để thì khối lượng CTR cần được thu gom và xử lý giảm đi đáng kể, góp phần giảm chi phí thu gom, xử lý, đặc biệt trong bối cảnh đang đẩy mạnh hoạt động kinh tế tuần hoàn.

    Theo Luật BVMT số 72/2020/QH14 ban hành ngày 17/11/2020, Khoản 1 Điều 75 quy định, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành ba loại: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Các khoản 3, 4, 5 Điều 75 quy định việc chuyển giao CTRSH sau khi đã được phân loại theo khoản 1 đối với các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị và ở nông thôn. Trong đó, với các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Tại khoản 2 Điều 77 của Luật BVMT năm 2020 cũng nêu rõ các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 79 của Luật BVMT quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được tính theo khối lượng và thể tích chất thải đã được phân loại đối với CTR có khả năng tái chế, tái sử dụng, chất thải nguy hại đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ, thu gom, xử lý như với các CTRSH khác. Khoản 7 Điều 79 nêu rõ thời gian thực hiện đối với khoản 1 Điều 75 và khoản 1 Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này có nghĩa là kể từ ngày 1/1/2025, việc thực hiện phân loại rác thải và xử phạt nếu vi phạm đối với các hộ gia đình, cá nhân sẽ là bắt buộc áp dụng. Do đó, thái độ và sự sẵn sàng của người dân trong việc áp dụng thực hiện các nội dung được quy định trong Luật BVMT năm 2020 rất quan trọng để Luật được triển khai hiệu quả, công bằng và nghiêm minh.

    Quảng Ninh và Bắc Ninh đều là hai thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc với, có mức GRDP thuộc thứ hạng cao cả nước. Cả hai tỉnh đều có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế và thu hút du lịch.

    Trong đó, Cẩm Phả là một thành phố loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 200 km về phía đông bắc, cách TP. Hạ Long khoảng 30 km với nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế. Trong thời gian 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thành phố tăng 16,2% so với cùng kỳ (tăng 1,1% so với kịch bản tăng trưởng) (Báo Doanh nghiệp, 2023). Phường Cẩm Sơn, thuộc trung tâm TP. Cẩm Phả, có diện tích 10,84 km², dân số Cẩm Sơn 6 tháng đầu năm 2023 là 18.959 người, gồm 5.535 hộ gia đình, mật độ dân số đạt 1.131 người/km² (Cổng thông tin điển tử TP. Cẩm Phả và Cổng thông tin điện tử Cẩm Sơn). Theo số liệu của chi cục thống kê TP. Cẩm Phả, đời sống kinh tế của người dân với 70% là công nhân ngành than, 5% làm nông - ngư nghiệp, còn lại là kinh doanh buôn bán nhỏ và lao động tự do. Phường Cẩm Đông cũng là một phường thuộc khu vực trung tâm thành phố Cẩm Phả, tuy nhiên địa hình chủ yếu là đồi núi, nằm trong khu đô thị Vũng Đục. Diện tích phường Cẩm Đông là 7,32 km². Dân số Cẩm Đông 6 tháng đầu năm 2023 là 11.039 người, gồm 3.272 hộ gia đình, mật độ dân số đạt 1.531 người/km². Phường Cẩm Đông là nơi tập trung nhiều mỏ than và công ty than. Ngoài ra phường cũng đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch do có khu hang động Vũng Đục, 1 trong 5 điểm du lịch của thành phố Cẩm Phả (Cổng thông tin điện tử Cẩm Đông).

Bản đồ TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

    TP. Bắc Ninh nằm ở phía Nam sông Cầu, phía Đông Bắc của tỉnh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30 km về phía Nam, cách thành phố Bắc Giang 20 km về phía Bắc. Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 13,9%. Năm 2021, quy mô GRDP đạt hơn 133 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng (Báo VOV, 2022). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng đạt trên 97%. Đây là khu vực tập trung xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị lớn của cả tỉnh. Phường Kinh Bắc có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi là một trong những phường trung tâm của TP. Bắc Ninh. Dân số của phường là 14.649 nhân khẩu với 10.118 lao động. Trên địa bàn phường Kinh Bắc có gần 100 doanh nghiệp và 822 cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Phường Ninh Xá có diện tích tự nhiên 80,8 ha, dân số trên 15 nghìn người với trên 3.000 hộ. Phường tập trung phát triển các hoạt động liên quan đến thương mại và dịch vụ. Phường Tiền An có diện tích tự nhiên là 34 ha, dân số khoảng hơn 6.000 người. Trong thời gian gần đây, phường Tiền An đã trở thành một đơn vị tiêu biểu của Thành phố Bắc Ninh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tập trung đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ (Cổng thông tin điên tử TP. Bắc Ninh).

Bản đồ TP. Bắc Ninh

    Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu được thực hiên thông qua công tác khảo sát, điều tra thực tế về việc thái độ và hành vi phân loại rác tại nguồn đối với các hộ gia đình ở các phường Cẩm Sơn, Cẩm Đông (thuộc TP. Cẩm Phả) và các phường Kinh Bắc, Ninh Xá, Tiền An (thuộc TP. Bắc Ninh).

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp nhằm hoàn thiện thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, hiện trạng môi trường, hiện trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn nghiên cứu.

- Phương pháp khảo sát thực địa và đánh giá thực tế hiện trạng quản lý rác thải sinh hoạt tại địa bàn nghiên cứu thông qua việc chụp ảnh, quan sát thực tế những vấn đề về hiện trạng quản lý rác thải sinh hoạt như: thu gom, xử lý, vận chuyển rác; cảnh quan khu vực.

- Phương pháp điều tra xã hội học được thực hiện với cán bộ quản lý môi trường của UBND phường nhằm thu thập thông tin tổng quát về hiện trạng quản lý cũng như ý thức người dân trong công tác BVMT, các ý kiến về ý thức, mức chấp hành của người dân và các vấn đề khi thu gom CTRSH; Đối với nhân viên, công nhân thu gom rác nhằm thu thập các ý kiến về ý thức, mức chấp hành của người dân và các vấn đề khi thu gom CTRSH; Đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, BVMT sống xung quanh và sức khỏe của bản than và khảo sát ý kiến của họ về nhu cầu thu gom và xử lý CTRSH, hiệu quả thu gom trên địa bàn nghiên cứu và mức phí thu gom CTRSH cũng như công tác tuyên truyền BVMT. Mẫu phiếu điều tra được xây dựng cho 3 nhóm đối tượng: Cán bộ UBND phường, nhân viên thu gom CTRSH, và người dân sinh sống trên địa bàn nghiên cứu.

    Áp dụng công thức của Glover để tính quy mô mẫu, tổng số phiếu cho cả 3 nhóm đối tượng tại các phường Cẩm Sơn, Cẩm Đông của TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh trong 101 phiếu và phường Kinh Bắc, Ninh Xá, Tiền An (TP. Bắc Ninh) là 108 phiếu. Cụ thể đối với mỗi địa phương và mỗi nhóm đối tượng như trong Bảng 1.

Bảng 1. Số lượng phiếu khảo sát tại các phường nghiên cứu

STT

Địa điểm điều tra

Số phiếu cán bộ quản lý nhà nước

Số phiếu nhân viên vệ sinh

Số phiếu các hộ gia đình

Tổng

1

Phường Kinh Bắc

2

4

30

36

2

Phường Ninh Xá

2

4

30

36

3

Phường Tiền An

2

4

30

36

4

Phường Cẩm Sơn

3

7

41

51

5

Phường Cẩm Đông

3

7

40

50

 

    Việc điều tra khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024.

3. Kết quả và đề xuất một số giải pháp

3.1. Kết quả

3.1.1. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH của địa phương và việc thực hiện phân loại của người dân

    Tại 3 phường thuộc TP. Bắc Ninh, CTRSH được hướng dẫn phân loại thành 3 nhóm: Rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế. Việc hướng dẫn phân loại này chưa đúng với quy định tại Luật BVMT năm 2020. Ngoài ra, trong thành phần cụ thể của từng nhóm vẫn còn sự lẫn lộn với chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và chế biến thực phẩm. Qua đó cho thấy, việc thực hiện phân loại của người dân không đúng theo yêu cầu, CTR tại nguồn hầu hết chưa được phân loại triệt để, đặc biệt là với chất thải thực phẩm và các loại chất khác vẫn hay bị trộn lẫn với nhau và đổ tại các sọt, thùng xốp trước cửa nhà hoặc các thùng rác được đặt trên địa bàn, một phần chất thải bị xả rác bừa bãi, không đúng quy định rải rác trên khắp địa bàn nghiên cứu. Theo kết quả điều tra, 99% hộ gia đình ở các điểm nghiên cứu cho biết họ không nhận được hướng dẫn cụ thể từ các cán bộ quản lý môi trường về phân loại rác tại nguồn, một số bộ phận nhỏ, chiếm 26% biết về phân loại chất thải tại nguồn thông qua báo chí, internet, 3% là người dân địa phương chỉ nhau, truyền đạt cách phân loại.

Hình 1. Một thùng rác tại phường Ninh Xá

    Tại các phường thuộc TP. Quảng Ninh, việc hướng dẫn phân loại của chính quyền đúng theo quy định của Luật BVMT năm 2020, thành 3 nhóm: Chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác. Do đó, số lượng người được hỏi trả lời họ có biết đến việc phân loại rác tại nguồn đạt tương đối cao (chiếm 61,7%); Thực tế, có đến 40% số hộ dân đã chủ động phân loại tại nguồn để tận dụng thức ăn thừa cho chăn nuôi và những chai, lọ, các vật dụng bằng nhựa, sắt, thủy tinh… tái chế lại để bán đồng nát (Hình 2); tuy nhiên quá trình phân loại chưa được triệt để, tất cả chất thải vẫn được cho chung vào bao bì, túi ni lông… sau đó đưa ra điểm thu gom và được vận chuyển đến điểm tập kết. Trong số những người dân có thực hiện phân loại tại nguồn, có 23,5% người tái chế lại thức ăn, CTR thực phẩm thừa để bón cây hoặc phục vụ làm thức ăn trong chăn nuôi; 30,86% người dùng các chai, lọ, ni lông, CTR tái chế để đem bán phế liệu. Tỷ lệ người dân có ý thức phân loại CTR tại nguồn là chưa cao (chưa được 50%).

Hình 2. Biểu đồ khảo sát ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn nghiên cứu thuộc TP. Quảng Ninh

    Hiện nay, hình thức tuyên truyền tại các địa bàn nghiên cứu chủ yếu thông qua chương trình phát thanh của phường hay được phổ biến trong các cuộc họp của thôn, xã,… Các buổi vận động chủ yếu tập trung vào việc kêu gọi các hộ gia đình tham gia BVMT bằng cách dọn rác tại các khu vườn hoa công cộng, nhà văn hóa, trước cửa của các hộ gia đình phối hợp với công nhân môi trường để thu gom, vận chuyển CTRSH mà không đề cập đến việc phân loại CTR tại nguồn. Đa số các hộ đều cho biết nguyên nhân mà họ không thực hiện phân loại CTR tại nguồn là vì: (i) Xe thu gom không có thiết kế các ngăn để đựng rác thải phân chia theo từng loại; (ii) số lượng thùng phân loại chất thải đặt tại các khu đan cư còn ít, chủ yếu nằm ở những khu vực công cộng cách xa nơi ở; (iii) kinh nghiệm, kiến thức phân loại tại nguồn còn hạn chế gây mất thời gian.

    Việc hướng dẫn phân loại và thực hiện phân loại của người dân trên địa bàn nghiên cứu thuộc TP. Quảng Ninh tốt hơn so với trên địa bàn nghiên cứu của TP. Bắc Ninh. Điều này thể hiện sự quan tâm đối với việc phân loại CTRSH của chính quyền TP. Quảng Ninh cao hơn. Tuy nhiên, với tỷ lệ người dân thực hiện phân loại chưa đạt 50% thì công tác hướng dẫn và giám sát người dân thực hiện phân loại cần cụ thể, chặt chẽ hơn.

3.1.2. Hoạt động thu gom CTRSH trên địa bàn

    Tại các phường Cẩm Đông, Cẩm Sơn thuộc TP. Quảng Ninh, 91,4% các hộ cho biết CTRSH được đựng trong túi ni lông, 13,6% hộ lưu trữ CTRSH trong thùng nhựa và 3,7% hộ sử dụng bao tải để chứa CTRSH. Các hộ gia đình không kinh doanh chủ yếu sử dụng túi ni lông để đựng chất thải; trong khi các hộ kinh doanh dịch vụ, hàng quán sẽ dùng 2 trên 3 vật dụng (túi ni lông, thùng nhựa, bao tải) hoặc cả 3 vật dụng để đựng CTRSH. Khi kết thúc hoạt động một ngày, CTRSH được thu gom, lưu trữ trong nhà, sau đó đem ra đổ bằng bao tải, hoặc điểm tập kết rác thải và sẽ được đội công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom vào ngày đã được phân công.

    Tại các phường Kinh Bắc, Ninh Xá, Tiền An, TP. Bắc Ninh, các hộ gia đình chưa có thói quen phân loại chất thải tại nguồn hoặc có phân loại nhưng chỉ phân loại các loại chất thải có thể tái chế như vỏ lon, giấy báo, sách vở, chai lọ,… để đem bán nhằm kiếm thêm một khoản kinh phí nhỏ (chiếm 81%), còn chất thải thực phẩm và chất thải khác hầu như các hộ gia đình đều trộn lẫn vào nhau bỏ vào túi ni lông để đơn vị thu gom vận chuyển. 84% các hộ cho biết CTRSH được đựng trong túi ni lông, 16% hộ lưu trữ CTRSH trong thùng nhựa, thùng xốp. Khi kết thúc hoạt động trong một ngày, CTRSH sẽ được thu gom, lưu trữ trong nhà rồi được đem ra trước cửa mỗi hộ gia đình, hoặc điểm tập kết chất thải tập trung, sau đó sẽ được đội công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom. Do CTRSH không được phân loại tại nguồn nên khi vận chuyển về nhà máy xử lý thì công nhân thu gom phải thực hiện phân loại, thậm chí nhà máy phải thuê thêm công nhân chỉ để phân loại chất thải, điều này làm mất thời gian, quá trình xử lý bị gián đoạn cũng như tăng kinh phí xử lý lên nhiều lần. Khi đó CTRSH càng nhiều, nhà máy công suất quá tải xử lý không kịp sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường.

3.1.3. Ý thức của người dân trong việc tham gia các hoạt động nhằm tăng cường công tác BVMT tại địa phương

    Kết quả thu được tại các địa bàn nghiên cứu cho thấy dấu hiệu khả quan trong việc thực hiện công tác BVMT. Có đến 67,9% số phiếu người dân đồng ý tham gia vào các hoạt động BVMT tại địa phương; 28,3% số phiếu cho rằng họ sẽ chỉ thỉnh thoảng tham gia các hoạt động và 3,7% số phiếu cho rằng họ sẽ không tham gia vào các hoạt động tăng cường công tác BVMT tại địa phương. Số liệu này cho thấy, chỉ cần chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm hơn trong công tác vận động, tuyên truyền BVMT, người dân sẽ tích cực hơn trong việc tham gia, đặc biệt đối với việc phân loại CTRSH nhằm đáp ứng kịp với thời hạn bắt buộc thực hiện được quy định trong Luật BVMT (chậm nhất là ngày 31/12/2024).

Hình 3. Biểu đồ khảo sát ý thức tham gia các hoạt động BVMT tại các địa bàn nghiên cứu

3.2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn

3.2.1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách nhận biết và tầm quan trọng của phân loại CTRSH tại nguồn

    Các địa phương cần phải tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhà sinh hoạt cộng đồng của các khu dân cư, tổ dân phố, khu chung cư; cung cấp cho mỗi hộ gia đình một poster về danh sách các loại chất thải thực phẩm, chất thải tái chế và chất thải khác; dán poster ở các bảng thông báo của khu dân cư, tại vị trí để thùng đựng chất thải và điểm thu gom chất thải. 

    Triển khai các hoạt động tuyên truyền về phân loại rác thành bài học, buổi tập huấn tại các trường mầm non, trường tiểu học, trung học và cơ quan nhà nước tại địa phương.

3.2.2. Triển khai cụ thể các biện pháp phân loại CTRSH tại nguồn

    Để đảm bảo việc phân loại một cách hiệu quả CTRSH thành 3 loại theo quy định tại Luật BVMT năm 2020: Chất thải thực phẩm, thất thải tái chế và chất thải khác, các địa phương cần phổ biến, quy định và có thể là hỗ trợ ban đầu trong việc cung cấp thùng đựng chất thải 3 ngăn, túi đựng chất thải với các màu sắc khác nhau để đựng các loại chất thải khác nhau là thực sự cần thiết. Việc quy định màu sắc cho các loại túi đựng chất thải cũng tạo thuận tiện cho việc thu gom các loại chất thải khác nhau của các đơn vị thu gom, đặc biệt cần có sự thống nhất tránh nhầm lẫn và cần duy trì các ký hiệu, chữ viết cho rõ ràng.

    Bên cạnh các mức phạt theo quy định của pháp luật, cần có các hình thức xử lý hành chính khác đối với những hộ gia đình không phân loại chất thải tại nguồn (nêu tên căn hộ, dán biên bản ngoài cửa nhà…). Đặc biệt đối với các khu chung cư, nơi tập trung dân cư đông đúc, việc thu gom chất thải sẽ rất phức tạp nếu mỗi hộ gia đình trong chung cư không thực hiện phân loại chất thải triệt để. Do đó, các quy định, hướng dẫn đối với việc phân loại thu gom ở các khu chung cư, nhà tập thể đặc biệt cần cụ thể, chi tiết hơn. Việc giám sát, nhắc nhở do Ban quản lý, Ban quản trị các chung cư thống nhất hoạt động, có thể đưa ra các hình thức xử lý vi phạm theo quy chế điều hành và quản lý của chung cư dựa trên sự đồng thuận của cư dân các chung cư.

    Tại Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng còn khá phổ biến. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho công tác phân loại rác tại nguồn. Trong bối cảnh triển khai Luật BVMT năm 2020 về việc phân loại CTRSH tại nguồn cùng việc quy định các mức phí tương ứng thì kiểm soát vứt rác bừa bãi càng cần được thắt chặt và cần được các địa phương sát sao hơn. Có thể thông qua các tổ chức đoàn thể địa phương như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi,… thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Lắp camera tại các điểm hay được người dân lựa chọn để xả thải rác nơi công cộng để phát hiện các đối tượng vi phạm.

3.2.3. Tăng cường công tác thu gom, xử lý CTRSH tại nguồn

    Để thu gom triệt để 3 loại chất thải đã được phân loại riêng biệt tại nguồn thì các phương tiện thu gom cũng cần phải được trang bị phù hợp với các ngăn đựng và màu sắc theo quy định. Việc thu gom có thể thực hiện theo các ngày chẵn, lẻ. Ví dụ: thứ hai, tư, sáu thu gom chất thải thực phẩm, ba, năm, bảy thu gom chất thải khác, chất thải cồng kềnh, chất thải tái chế.

    Thực tế cho thấy, hơn 50% lượng CTRSH phát sinh tại mỗi hộ gia đình là chất thải thực phẩm. Đây là loại chất thải dễ dàng phân hủy và hoàn toàn có thể được ủ thành phân compost đối với các hộ gia đình có sân vườn. Hiện nay, trên thị trường có bán các thùng ủ phân với nhiều kích cỡ khác nhau phù hợp với hộ gia đình ở các đô thị, không có sân vườn. Việc xử lý chất thải thực phẩm tại hộ gia đình giúp tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Với chất thải tái chế, phần lớn sẽ được các hộ gia đình đem bán hoặc nhân viên vệ sinh của khu chung cư thu gom trước nên khi đến lượt các đơn vị thu gom khối lượng sẽ không còn nhiều. Vì thế, các địa phương cần thực hiện hiệu quả việc xử lý chất thải thực phẩm và chất thải tái chế tại nguồn, giúp giảm một lượng lớn CTRSH phát sinh, góp phần giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

4. Kết luận và kiến nghị

    Khoản 1 Điều 75 Luật BVMT năm 2020 quy định về việc thực hiện phân loại CTRSH thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác cần phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, tại hai địa bàn nghiên cứu là Cẩm Phả - Quảng Ninh và TP. Bắc Ninh - Bắc Ninh, kết quả điều tra, khảo sát cho thấy việc triển khai thực hiện tại các địa phương, cụ thể tại các địa bàn nghiên cứu, chưa được chú trọng cao, chưa được quan tâm hướng dẫn cụ thể và chi tiết. Người dân vẫn chưa đủ hiểu biết về công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả triển khai nội dung về phân loại, thu gom, xử lý CTRSH theo Luật BVMT năm 2020. Tỷ lệ người dân chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn chiếm 60% do nhiều nguyên nhân như: (i) xe thu gom không có thiết kế các ngăn để đựng rác thải phân chia theo từng loại; (ii) số lượng thùng phân loại chất thải đặt tại các khu đan cư còn ít, chủ yếu nằm ở những khu vực công cộng cách xa nơi ở; (iii) kinh nghiệm, kiến thức phân loại tại nguồn còn hạn chế gây mất thời gian.  

    Thời gian tới, ngày 1/1/2025 không còn nhiều, do đó, đề nghị các địa phương cần triển khai nhanh, mạnh, gấp rút trong việc hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đến cán bộ quản lý, công nhân môi trường và người dân trên địa bàn, cụ thể:

    Cần có những quy định, hướng dẫn kỹ thuật về việc phân loại CTRSH tại nguồn để có thể triển khai tới người dân trên địa bàn các phường một cách sớm nhất.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc đổ rác đúng nơi quy định, và thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn.

- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo cho công nhân môi trường về phương tiện vận chuyển của từng nhóm CTRSH đã được phân loại, phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng nhóm CTRSH đã được phân loại.

    Các giải pháp cụ thể được đưa ra trong nghiên cứu tuy là những phương pháp đơn giản nhưng khả năng mang lại hiệu quả cao, tính khả thi cao đối với không chỉ với địa bàn nghiên cứu mà còn với tất cả các địa phương trên cả nước trong bối cảnh các quy định về phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật BVMT 2020 sắp được đưa vào thực hiện.

Nguyễn Mai Lan

Trường Đại học TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2024)

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ TN&MT (2020), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020

2. Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Thanh Nhung (2022). Đánh giá hiện trạng công tác quản lý môi trường tại một số làng nghề tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội, Tạp chí Môi trường, chuyên đề III, ISSN: 2615-9591, 68-77.

3. Nguyễn Mai Lan and Mai Hương Thảo (2022). Đánh giá công tác quản lý CTRSH tại thị trấn Đông Anh và các xã Tiên Dương, Uy Nỗ thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, Tạp chí Môi trường, ISSN: 2615-9591, chuyên đề VI.

4. Phạm Thị Tố Oanh (2021). Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý CTRSH trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, Tạp chí Khoa học và công nghệ - Đại học Thái Nguyên, Số 226, 07, 198-206, Doi: 10.34238/tnu-jst.4435.

5. Phạm Thị Tố Oanh (2020). Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, Tạp chí khí tượng thủy văn Việt Nam, số 713, 56-66.

6. Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2020). Luật BVMT số 72/2020/QH14.

7. TP Cẩm Phả: Vững nhịp tăng trưởng trong 9 tháng năm 2023. Báo Doanh nghiệp tiếp thị (online). 06/10/2023. https://doanhnghieptiepthi.vn/tp-cam-pha-vung-nhip-tang-truong-trong-9-thang-nam-2023-161231006154041326.htm.

8. Cổng thông tin điện tử TP. Cẩm Phả. https://www.quangninh.gov.vn/donvi/tpcampha.

9. Chi cục thống kê Cẩm Phả (2023), Báo cáo dân số và nguồn lao động 6 tháng đầu năm 2023.

10. Cổng thông tin điện tử phường Cẩm Sơn.  https://www.quangninh.gov.vn/donvi/phuongcamson/Trang/Default.aspx

11. Cổng thông tin điện tử phường Cẩm Đông. https://www.quangninh.gov.vn/donvi/phuongcamdong/Trang/Default.aspx.

12. Sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế Bắc Ninh đứng thứ 8 cả nước. Báo VOV (online). 18/02/2022. https://vov.vn/kinh-te/sau-25-nam-tai-lap-tinh-kinh-te-bac-ninh-dung-thu-8-ca-nuoc-post924999.vov.

13. UBND TP. Bắc Ninh (2019), Giới thiệu về TP. Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử TP. Bắc Ninh, cập nhật lần cuối 1/1/2019. https://tpbacninh.bacninh.gov.vn/viet-ve-thanh-pho.

14. UBND phường Kinh Bắc (2019), Giới thiệu về phường Kinh Bắc, Cổng thông tin điện tử TP. Bắc Ninh, cập nhật lần cuối 19/6/2019. https://www.bacninh.gov.vn/web/phuongkinhbac/gioi-thieu-ia-phuong.

15. UBND phường Ninh Xá (2019), Giới thiệu về phường Ninh Xá, Cổng thông tin điện tử TP. Bắc Ninh., cập nhật lần cuối 14/6/2019. https://www.bacninh.gov.vn/web/phuong-ninh-xa/gioi-thieu-ia-phuong#:~:text=Ninh%20X%C3%A1%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong,ph%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Ti%E1%BB%81n%20An%2C%20V%E1%BB%87%20An.

16. UBND phường Tiền An (2019), Giới thiệu về phường Tiền An, Cổng thông tin điện tử TP. Bắc Ninh, cập nhật lần cuối 14/06/2019. https://www.bacninh.gov.vn/web/phuongtienan/gioi-thieu-ia-phuong#:~:text=Ph%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Ti%E1%BB%81n%20An%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t,c%C3%B4ng%20vi%C3%AAn%20ch%E1%BB%A9c%20Nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc.

Ý kiến của bạn